Bún chả từ lâu đã trở thành món ăn quen thuộc với người dân Thủ đô. Không chỉ vậy, qua lời tả của các nhà văn Thạch Lam, Vũ Bằng, Băng Sơn, bún chả còn là nét tinh túy trong ẩm thực Hà Thành.
Nhắc đến ẩm thực Hà Nội xưa, hầu như không ai có thể quên bún chả kẹp que tre. Món ăn giản dị mà thấm đậm hương vị làng quê Bắc Việt này cũng là thứ quà mà ai bước chân đến Hà Nội cũng nên một lần nếm thử. Trong khi phần bún và nước chấm tương đồng so với các loại truyền thống khác, cách chế biến chả chính là điểm khác biệt nổi bật. Thay vì kẹp vỉ sắt để nướng, người ta dùng que tre và tạo nên hương vị đặc biệt cho món ăn.
Bún chả que tre vẫn gồm hai loại chả miếng và chả viên như thông thường. Tuy nhiên, phần chả viên còn có lá xương sông hoặc lá lốt bọc bên ngoài. Chả miếng là thịt ba chỉ lạng mỏng, ướp mắm, đường, tiêu và cả hai loại đều kẹp vào những chiếc que tre nhỏ.
Đây có thể là tre tươi hoặc ống giang, ống nứa. Tre cũng góp phần tạo nên hương vị cho thịt nướng. Bởi vậy, tre được chọn là những thanh tươi, non. Các miếng thịt kẹp giữa hai thanh tre vót dẹt, buộc một đầu bằng lạt, đem nướng trên chậu than hoa và quạt đều tay.
Người nướng thịt cũng cần khéo léo để giữ lửa vừa, luôn lật tay sao cho bên ngoài miếng thịt xém vàng giòn, bên trong mềm và phảng phất mùi thơm hăng của tre, tạo nên hương vị đặc trưng quyến rũ. Khi có khách, chủ quán nhanh tay gỡ thịt và thả vào bát nước mắm chua ngọt pha sẵn là có ngay món ngon để phục vụ.
Trước kia, bún chả que tre có thể mua mang đi. Thay vì chấm mắm, người ta dùng cùng muối tiêu, gói bằng lá chuối. Ngày nay, cách làm này không còn nhưng người Hà Nội hoài cổ, sành ăn vẫn thường tìm đến những quán quen trong ngõ chợ Đồng Xuân, phố Lương Ngọc Quyến hay Nguyễn Du để thưởng thức món chả nướng mang phong cách cổ truyền này. Qua món ăn, họ nhớ về thú ăn chơi rất xưa của Hà Nội còn sót lại.
Lê Thương