Chính phủ Bulgaria đang dần điều chỉnh chiến lược ủng hộ Ukraine và nghiêng về phương Tây rõ rệt hơn, dù quốc gia Đông Âu này từng chịu ảnh hưởng lớn của Moskva và người dân có nhiều thiện cảm với nước Nga.
Thủ tướng Nikolay Denkov hồi tháng 7 thông báo viện trợ 100 thiết giáp cho Ukraine, chỉ một tháng sau khi quốc hội Bulgaria phê duyệt nội các mới. Đó cũng là lần đầu tiên Bulgaria công khai gói viện trợ quốc phòng cho Ukraine, sau hơn một năm bí mật cung cấp đạn dược cho Kiev.
Bộ trưởng Quốc phòng Todor Tagarev cho rằng Bulgaria có trách nhiệm hỗ trợ Ukraine vì Nga đã "hủy hoại kiến trúc an ninh quốc tế" khi phát động chiến sự ở nước láng giềng.
"Ukraine trụ vững trước Nga, khôi phục được chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ cũng phù hợp với lợi ích chiến lược của Bulgaria. Đây là vấn đề then chốt với sự ổn định của châu Âu, đặc biệt là vùng Đông Âu quanh Biển Đen", Tagarev nói.
Theo tiết lộ từ cựu thủ tướng Kiril Petkov và cựu bộ trưởng tài chính Assen Vassilev, khoảng 30% nhu cầu đạn dược và 40% dầu diesel của Ukraine trong giai đoạn đầu chiến sự được cung cấp bởi Bulgaria.
Chính sách hỗ trợ được triển khai trong bí mật với các công ty tư nhân làm trung gian. Đạn dược và nhiên liệu được chuyển trực tiếp đến Ukraine hoặc qua các nước thành viên NATO. Các hợp đồng này được Anh và Mỹ đứng ra chi trả thay Ukraine.
Petkov nói Bulgaria còn chủ động mở không phận cho hàng viện trợ đến Ba Lan và kết nối vận chuyển vũ khí bằng đường bộ từ Romania hay Hungary.
Bulgaria cũng là một trong những nước Đông Âu đầu tiên được Ukraine và đồng minh đề nghị hỗ trợ tiêm kích MiG-29, song các bên không đạt được thỏa thuận nào. NATO và Bulgaria đánh giá nước này cần bảo toàn số lượng tiêm kích nhằm đảm bảo an ninh quốc gia và trấn giữ cánh đông của NATO.
Bộ trưởng Kinh tế Bogdan Bogdanov cho biết ngành công nghiệp quốc phòng nước này, gồm cả khu vực tư nhân và quốc doanh, đã tăng gấp đôi sản lượng trong một năm qua, khi Bulgaria tăng cường hỗ trợ quốc phòng cho Ukraine.
Một trong những đơn hàng đang được Bulgaria chuẩn bị chuyển sang Ukraine là tên lửa 5B55P dành cho hệ thống phòng không S-300. Quốc hội Bulgaria khẳng định đây là những tên lửa gặp lỗi và không thể vận hành, nhưng Ukraine có thể rã xác chúng để lấy phụ tùng và linh kiện cho những tên lửa họ có sẵn.
Ngoài ra, hình ảnh do quân đội Ukraine công bố trong năm qua cho thấy Bulgaria còn cung cấp cho láng giềng một số vũ khí, trong đó có súng chống tăng, súng phóng lựu, ống nhòm hay mìn chống bộ binh và bộ binh.
Những ủng hộ từ Sofia rất quan trọng đối với Kiev trong tình hình hiện tại, khi sự hậu thuẫn từ phương Tây có nguy cơ lung lay. Đồng minh lớn nhất là Mỹ đang phân tâm bởi cuộc chiến của Israel trên Dải Gaza và căng thẳng Trung Đông, còn Hạ viện Mỹ đang cân nhắc lại về quy mô viện trợ cho Ukraine. Trong khi đó, các chính phủ Slovakia và Hungary đang kìm hãm mức ủng hộ của Liên minh châu Âu (EU) cho Ukraine.
Bởi vậy, kho vũ khí thời Liên Xô dồi dào, cùng ngành công nghiệp quốc phòng quy mô lớn có thể khiến Bulgaria là chìa khóa giải tỏa cơn khát vũ khí cho Ukraine, khi chiến sự kéo dài và sự ủng hộ của phương Tây đang giảm dần.
Tuy nhiên, chính quyền Thủ tướng Nikolay Denkov sẽ cần hết sức khéo léo để vừa hỗ trợ Kiev, vừa tránh rủi ro chính trị khi "chọc giận" Moskva.
Bộ trưởng Quốc phòng Tagarev thừa nhận một bộ phận đáng kể dân chúng Bulgaria vẫn có quan điểm ủng hộ Nga. Nhiều người Bulgaria vẫn ghi nhận công lao nước Nga giải phóng họ khỏi đế chế Ottoman vào thế kỷ 19. Về kinh tế, quốc gia Đông Âu này chưa thể thoát phụ thuộc vào dầu mỏ và khí đốt Nga.
Quan hệ Sofia - Moskva vẫn có sức ảnh hưởng đáng kể với chính trường Bulgaria. Tổng thống Rumen Radev giữ lập trường thân Nga. Ông từng chỉ trích Kiev "ngoan cố gây chiến" nhưng buộc châu Âu trả toàn bộ chi phí. Một số tiếng nói thân Nga tại Bulgaria còn lập luận rằng hạn chế viện trợ cho Ukraine là phương án tăng tốc đàm phán hòa bình và tái lập ổn định cho châu Âu.
Chính quyền Thủ tướng Denkov tuyên bố phát ngôn của Tổng thống Radev không thể hiện lập trường của chính phủ và liên minh cầm quyền, hay rộng hơn là EU và liên minh quân sự NATO. Theo ông Tagarev, trong hệ thống chính trị Bulgaria, mọi chính sách quốc phòng, an ninh và đối ngoại do chính phủ và Thủ tướng quyết định, trong khi Tổng thống có vai trò rất hạn chế.
"Nội các quyết định tất cả và lập trường của nội các khác với Tổng thống", Tagarev khẳng định, đồng thời bổ sung rằng chính phủ không thảo luận toàn bộ kế hoạch viện trợ quốc phòng cho Ukraine với ông Radev.
Ngoài những lực cản chính trị, Bulgaria còn phải cân nhắc những ưu tiên quốc phòng của riêng mình trước khi nghĩ đến việc tăng viện trợ quân sự cho Ukraine. Quốc gia Đông Âu đang lo ngại về những động thái của Nga trên Biển Đen, cũng như tình hình an ninh khu vực ngày một khó lường sau khi chiến sự bùng phát tại Ukraine.
Bộ trưởng Quốc phòng Tagarev cho biết hiện đại hóa quân đội Bulgaria là ưu tiên hàng đầu của ông. Bulgaria trong hai năm qua đã tổ chức 5 cuộc bầu cử, đến tháng 6 mới thành lập được một liên minh cầm quyền và nội các đủ ổn định. Bulgaria do đó còn nhiều vấn đề quốc phòng bị đình trệ trong hai năm chính trường hỗn loạn.
Ông nhận định kế hoạch hiện đại hóa quân đội Bulgaria đang đối diện nhiều thách thức, "ảnh hưởng nghiêm trọng đến năng lực chiến đấu". Bulgaria bị đánh giá là nền kinh tế kém phát triển nhất EU và không đủ ngân sách để hiện đại hóa quân đội đạt tiêu chuẩn chung của NATO.
Dù vậy, Bộ trưởng Quốc phòng Bulgaria khẳng định nước này "đang thực hiện mọi phương án khả thi" để cung cấp những loại vũ khí thời Liên Xô cho Ukraine. Ngành công nghiệp quốc phòng Ukraine hiện nay chủ yếu tập trung vào vũ khí hạng nhẹ, súng và đạn dược.
"Chính phủ tạo điều kiện cho các công ty tư nhân tự chủ mua bán. Họ sẽ tự ký hợp đồng và tìm hướng đưa sản phẩm đến Ukraine", ông nói, đồng thời bổ sung rằng sản lượng công nghiệp của Bulgaria trong năm qua đã tăng gấp hai đến ba lần, trong đó xuất khẩu quốc phòng chiếm phần lớn.
Thanh Danh (Theo Kyiv Independent, BulgarianMilitary, Guardian)