![]() |
Đạo diễn Bùi Thạc Chuyên và bác Nhật. |
Sau hơn chục năm tháo gỡ mìn, bác Nhật đã có được 2 ha đất canh tác. Từ Hà Nội, Bùi Thạc Chuyên đã vào Bình Thuận tìm chất liệu viết kịch bản văn học. Kịch bản Tay đào đất đã được trao giải trong cuộc thi chọn đề tài hay cho phim tài liệu châu Á năm 2001 do Quỹ Hosobunka (Đài truyền hình NHK, Nhật Bản) hỗ trợ. Tháng 9/2001, Bùi Thạc Chuyên đưa nhóm làm phim vào Tuy Phong ghi hình bộ phim và đã quay ba đợt, mỗi đợt khoảng một tháng.
10 người đã chết trên mảnh đất ấy vì vấp mìn, bản thân bác Ngô Đức Nhật cũng để lại một con mắt ở đây... Nhưng khi nhóm làm phim vào đến Tuy Phong, những tai họa nặng nề đó đã qua lâu rồi và nhân vật chính cũng sắp hoàn thành công việc. Cái khó của đoàn làm phim là làm sao truyền được nỗi âu lo cùng sự căng thẳng tột độ trong công việc tháo gỡ mìn của bác Nhật đến với người xem mà không phải lạm dụng đến những thủ pháp phim truyện. Chỗ vững tay của đạo diễn là biết trả lời người xem một cách hợp lý nhiều câu hỏi khác: Vì sao đã hàng chục năm trôi qua sau chiến tranh mà người ta vẫn làm ngơ với cả một vạt đất dày đặc bom mìn; Chính quyền địa phương biện bạch ra sao khi cứ để bác Nhật tự động theo đuổi công việc của mình; Bác Nhật tìm đâu ra sự can đảm để vượt qua nỗi sợ hãi, dù cái chết có thể đến bất kỳ lúc nào...?
Bùi Thạc Chuyên đã tiếp cận thứ ngôn ngữ hiện đại của thể loại phim phóng sự. Anh biết tiết chế tối đa lời bình để các nhân vật chính, phụ tự kể chuyện mình. Cấu trúc của Tay đào đất rất chặt chẽ, hoàn chỉnh, có mở có thắt nhưng rất tự nhiên, không hề lộ bàn tay bố trí dẫn dắt của tác giả. Thật bất ngờ khi đến gần cuối phim người xem mới được biết bác nông dân Ngô Đức Nhật thời chiến tranh từng là lính chế độ Sài Gòn. Trong phim, một cán bộ địa phương chỉ vào nhân vật chính nói: "Hồi xưa bọn các anh ép vợ, em gái chúng tôi phải bỏ chồng cách mạng, lấy chồng tề ngụy, tức các anh cũng đã gài những trái bom mìn ở mảnh đất này...". Người nói vỗ vai người nghe cười rất vui. Mặc dù hoàn toàn có thể không cần đưa vào phim cái quá khứ ấy của Ngô Đức Nhật, nhưng người đạo diễn đã không chọn cách trốn tránh.
Câu chuyện kể về người nông dân đã qua hai đời vợ, rất đông con, muốn nuôi sống gia đình bằng nghề nông nên đã đối mặt với thần chết để giật lấy từng mẩu đất, diễn ra trên cái nền đối đáp qua lại của bà con, láng giềng với bác Nhật thật tươi tắn, sống động. Gần cuối phim, chính quyền xã cấp sổ đỏ xác nhận quyền sở hữu của bác Ngô Đức Nhật trên 2 ha đất tự tay bác đã dọn sạch bom mìn.
(Theo Tuổi Trẻ)