Tro tàn rực rỡ là phim điện ảnh thứ tư Bùi Thạc Chuyên đạo diễn, chuyển thể từ truyện ngắn của Nguyễn Ngọc Tư. Phim ra mắt ngày 2/12, thu hút sự chú ý của khán giả, giới chuyên môn. Dịp này, đạo diễn Bùi Thạc Chuyên nói về quá trình thực hiện tác phẩm.
- Cảm xúc của anh thế nào khi ra mắt "Tro tàn rực rỡ"?
- Lúc đầu, tôi còn e ngại vì bộ phim không phải thuộc dạng dễ xem. Sau khi nhận được nhiều phản hồi từ khán giả, tôi nghĩ tác phẩm đã tác động đến cảm xúc của họ, gợi nhiều suy nghĩ. Cũng có một số ý kiến nhận xét nhịp phim khá chậm và nặng nề, tuy nhiên tôi không buồn về điều đó. Ngược lại, tôi bất ngờ vì mọi người đã đón nhận "đứa con" của mình.
- Anh mất hai năm làm kịch bản, thêm 5 năm chuẩn bị tác phẩm. Điều gì khiến anh kiên trì với dự án này?
- Quá trình thực hiện bộ phim là một cái duyên đưa tôi gặp gỡ nhà văn Nguyễn Ngọc Tư. Trước đây, tôi đọc khá nhiều truyện ngắn của cô, những nhân vật của Tư có số phận khác nhau, nhưng đều có sự sống động trong tính cách. Củi mục trôi về là truyện ngắn đầu tiên khiến tôi quyết định chuyển thể thành phim, cũng chính tác phẩm ấy đã thay đổi tư duy làm phim của tôi.
Tôi từng thực hiện hai phim art-house, một phim thương mại. Sau khi quay xong phim thứ ba, tôi thấy vô định, chông chênh. Một thời gian dài tôi loay hoay tìm kiếm chất liệu cho tác phẩm tiếp theo. Lúc đầu, tôi chỉ đọc sơ một số tác phẩm của Tư. Nhưng khi đọc kỹ Củi mục trôi về, tôi cảm nhận rõ hơn về sức sống của những con người miền Tây chất phác. Họ sống ngay thẳng, không luồn cúi, hết mình vì tình yêu. Khi tôi về Cà Mau ngỏ ý xin mua bản quyền hai truyện ngắn Tro tàn rực rỡ và Củi mục trôi về, cô vui vẻ đồng ý.
Tôi quan niệm nhân vật là mấu chốt trong phim nên việc kết hợp hai truyện ngắn vừa là khó khăn, vừa là thách thức. Trong truyện, tôi tìm thấy sự đặc sắc trong tình yêu của các đôi. Bên cạnh đó, mọi thứ ở miền Tây đều lạ lẫm với một người Hà Nội như tôi, phải làm quen với nếp sống của người dân bản xứ, tìm hiểu nghề làm bánh chuối, cùng họ ra biển đánh cá... Bối cảnh miền Tây Nam Bộ ẩn chứa sức hút nguyên bản, hoang sơ từ thiên nhiên cho đến cuộc sống con người.Vì thế, tôi và êkíp làm phim tin tưởng dự án có thể đi xa hơn.
- Nhà văn Nguyễn Ngọc Tư có những góp ý gì trong quá trình làm phim?
- Cô ấy không góp ý, nhận xét gì về phim của tôi (cười). Khi kịch bản dần hoàn thiện, tôi ngỏ ý muốn cô sửa lời thoại trong phim cho ra "chất" Nam Bộ. Nguyễn Ngọc Tư đồng ý nhưng nhất định từ chối ghi tên cô trong vai trò đồng biên kịch.
Nhiều nhà văn không muốn bất kỳ ai xâm phạm thế giới của họ. Đó là một thế giới họ tạo dựng từ khi mới bắt đầu cho đến lúc hình thành phong cách viết văn. Có lẽ, họ "sợ" người khác vẩn đục không gian riêng tư ấy. Khác với nhà văn, đạo diễn có cộng sự giúp họ phát triển ý tưởng. Tôi tôn trọng quyết định không tham gia vào lĩnh vực điện ảnh của Tư.
- Điều gì khiến anh xúc động trong khi ghi hình tác phẩm?
- Dự án này được ra mắt phần lớn là nhờ sự ủng hộ, động viên của mọi người và sự hy sinh, lăn xả của dàn diễn viên. Để hóa thân vào vai diễn, Lê Công Hoàng phải tập đi dây. Bên trên là sợi dây vắt cheo leo vài mét trên mặt biển, bên dưới là dòng hải lưu chảy xiết. Trong lúc ghi hình có bộ phận cứu hộ nhưng êkíp vẫn rất lo lắng. Nhờ Công Hoàng không ngại mạo hiểm, cộng với niềm tin vào nhân vật do mình thủ vai mà bộ phim mới có được cảnh Dương leo dây ngoạn mục như vậy.
Quang Tuấn trong khi thực hiện cảnh nhân vật Tam dùng hộp quẹt đốt vào người đã bị bỏng. Khi tôi hô "Cắt!" thì Quang Tuấn mới dám đi bôi thuốc. Mặc dù kinh phí sản xuất cho bộ phim này không nhiều, đội ngũ làm phim đã cho thấy sự yêu nghề, luôn muốn nỗ lực tốt hơn tiêu chuẩn đạo diễn yêu cầu.
- Nhiều khán giả nhận xét diễn xuất của diễn viên chính của phim - Juliet Bảo Ngọc Doling - còn kém, nhiều lời thoại "không đúng chất miền Tây", anh nói gì về điều này?
- Bảo Ngọc phù hợp với hình dung của tôi về nhân vật Hậu. Cô bé này có tính cách lì lợm, khi quyết định làm gì sẽ không bao giờ bỏ cuộc. Cô chịu khó học chèo xuồng, bổ củi, chưa hề than vãn điều gì trong quá trình ghi hình. Tôi đã theo dõi Ngọc từ năm 13 tuổi khi cô tham gia một số phim ngắn của các đạo diễn trẻ.
Theo tôi, giọng nói tạo nên tính cá nhân trong câu chuyện, dù có nói ngọng. Một số người xem có phần hơi khắt khe và có định kiến với ngữ điệu địa phương lẫn Bảo Ngọc. Tôi mong mọi người tôn trọng giọng nói của Bảo Ngọc vì cô bé đã gắn bó với nhân vật.
- Kế hoạch tiếp theo của anh là gì?
- Tôi đang trong quá trình casting diễn viên cho bộ phim mới. Dự án tiếp theo thuộc thể loại chiến tranh, lấy bối cảnh cuộc kháng chiến chống Mỹ. Địa điểm quay phim chủ yếu ở Củ Chi (TP HCM), dự kiến tác phẩm mới sẽ được bấm máy trong năm sau.
Đạo diễn - biên kịch Bùi Thạc Chuyên sinh năm 1968 tại Hà Nội. Năm 1995, anh học khoa Diễn viên, Đại học Sân khấu Điện ảnh Hà Nội, trở thành nghệ sĩ của Nhà hát kịch Việt Nam. Năm 1997, anh theo học đạo diễn, gây chú ý với Cuốc xe đêm - tác phẩm Việt đầu tiên đoạt giải ở hạng mục Phim ngắn Cinefondation tại Liên hoan phim quốc tế Cannes. Năm 2005, phim Sống trong sợ hãi của anh giành nhiều giải trong nước và quốc tế.
Song song với làm phim, anh cũng tham gia giảng dạy điện ảnh. Năm 2002, đạo diễn sáng lập Trung tâm hỗ trợ phát triển tài năng điện ảnh (TPD), Hội Điện ảnh Việt Nam. Hồi tháng 7, anh ra mắt phim tài liệu về Covid-19 - Không sợ hãi, xoay quanh thời điểm dịch bùng phát ở TP HCM và một số tỉnh lân cận.
Quế Chi (ảnh: Khôi Nguyễn)