Một đám bụi lớn màu nâu xuất hiện trong nhiều ảnh vệ tinh và bao phủ phần lớn Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha và Pháp, dẫn tới lo ngại về chất lượng không khí và tầm nhìn. Gió mạnh từ bão Celia ở ngoài khơi phía tây bắc châu Phi cuốn theo bụi từ sa mạc Sahara và nâng lên cao trong khí quyển. Gió phương nam sau đó đẩy đám bụi về phía bắc tới châu Âu, nhuộm đỏ bầu trời.
Video do Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO) chia sẻ cho thấy khung cảnh ở một khu trượt tuyết tại Tây Ban Nha, trong đó tuyết trông giống cát và bầu trời chuyển thành màu cam. WMO cũng chia sẻ ảnh chụp ở Thụy Sĩ với những ngọn núi phủ tuyết trắng trông như nhuốm màu cam.
Người dân châu Âu có thể ngắm hoàng hôn đẹp mắt do hạt bụi phân tán ánh sáng Mặt Trời. Bầu trời sẽ có màu đỏ và cam khi Mặt Trời mọc và lặn khiến tầm nhìn giảm sút và quang cảnh mù mịt. Do lượng bụi trong không khí lớn tới mức làm thay đổi màu sắc cảnh quan ở khắp Tây Âu, nhiều người bày tỏ lo ngại về chất lượng không khí. Tây Ban Nha, Pháp và Bồ Đào Nha đặc biệt có nguy cơ cao do hứng nhiều bụi nhất.
Hôm 15/3, Cơ quan Môi trường châu Âu đo mật độ bụi ở Tây Ban Nha cao cấp hơn 5 lần ngưỡng khuyến cáo về chất lượng không khí của Liên minh châu Âu, theo chương trình quan sát Trái Đất Copernicus. Mật độ bụi cao có thể tác động tới hệ hô hấp của tất cả người dân ở khu vực chịu ảnh hưởng, kích thích hen suyễn và tăng thêm ô nhiễm bụi mịn từ nguồn địa phương.
Cuối tuần này, các chuyên gia dự đoán bão Celia sẽ gây mưa rào ở phần lớn Tây Âu và mưa nặng hạt ở đông nam Tây Ban Nha. Nhiều khả năng nước mưa sẽ có màu đỏ ở nhiều nơi tại Tây Ban Nha do kết hợp với nồng độ bụi cao, tạo thành "mưa máu". Khi mưa rơi qua khí quyển, nước mưa giữ lại những hạt bụi trong không khí, khiến bụi rơi xuống và bao phủ xe cộ, nhà cửa và đường sá. Sau khi bụi lắng xuống, châu Âu sẽ trở nên quang đãng vào đầu tuần sau, bầu trời trở về màu xanh và chất lượng không khí tăng lên.
Bão bụi khá phổ biến ở vùng khô, gây ra do hệ thống bão di chuyển qua một khu vực và gió mạnh cuốn bụi bay đi. Hiện tượng tương tự sẽ xảy ra nhiều hơn trong tương lai gần. Biến đổi khí hậu có thể khiến bụi ở Sahara bay tới châu Âu nhiều hơn do mô hình gió và lượng mưa thay đổi bởi nhiệt độ ấm lên ở trên cạn và đại dương.
An Khang (Theo CNN)