Lê Thiếu Nhơn -
Trước khi gõ lên bàn phím những dòng đầu tiên của bài viết này, tôi tự nhủ, nhắc lại chuyện cũ vốn không hay, mà nhắc lại chuyện buồn càng không hay. Thế nhưng, tôi sẽ day dứt nếu không chia sẻ với một người phụ nữ từng ngồi lặng trong đau khổ để viết những câu thơ xót xa. Người phụ nữ ấy tên là Bùi Kim Anh.
Sau nhiều năm dạy Văn, cô giáo Bùi Kim Anh mới bước ra văn đàn để trở thành nhà thơ Bùi Kim Anh. Tôi từng gặp chị một lần, trong một buổi tiệc gì đó tôi không còn nhớ rõ ở Hà Nội. Tôi chỉ nhìn loáng thoáng chị từ xa, đó là một người đàn bà đẹp và toát lên vẻ quý phái. Lúc ấy, tôi đã đọc thơ chị, và có ấn tượng tương đối tốt về những câu bình dị từ một tâm hồn trong trẻo: "Trách người để lỡ câu chào. Mảnh trăng đã trót mắc vào nhành gai. Trách người hờ hững sớm mai. Cho em chờ đợi đến phai nắng chiều".
Nhà thơ Bùi Kim Anh. |
Lúc ấy, tôi dợm chân định đến chào chị, nhưng e ngại lời răn "thấy người sang bắt quàng làm họ", vì ngoài tư cách nhà thơ, chị chính là phu nhân của một nhân vật đang có địa vị trong lĩnh vực báo chí. Hơn nữa, lúc ấy xung quanh chị có rất nhiều người tay bắt mặt mừng, nên tôi đành giữ khoảng cách "kính nhi viễn chi".
Nếu tôi không nói ra thì những ai quan tâm đến giới truyền thông đều rõ, chồng của nhà thơ Bùi Kim Anh là nhà báo Trần Mai Hạnh. Không hề giấu giếm, một hậu bối như tôi đã rất tiếc nuối khi ông vướng vòng lao lý. Tuy nhiên, sự từng trải của nhà báo Trần Mai Hạnh khiến tôi bùi ngùi hy vọng, dẫu nghiệt ngã chừng nào thì ông vẫn có thể đủ sức đối mặt. Cho nên, lúc biết có chuyện chẳng lành, bất giác tôi nghĩ đến nhà thơ Bùi Kim Anh. Chị ứng phó ra sao với nạn kiếp này, những đồng nghiệp một dạo ríu rít bên chị có còn lui tới động viên không? Chắc bẽ bàng lắm, chắc nhục nhằn lắm. Vậy rồi, tôi le lói một chút an ủi, dù gì chị cũng còn có thơ! Biết đâu thơ sẽ vỗ về chị, thơ sẽ nâng đỡ chị bước qua năm tháng trắc trở không ngờ!
Thời gian cứ trôi, cái đáng quên đã được quên, cái đáng nhớ thì vẫn nhớ. Nhà thơ Bùi Kim Anh liên tục in hai tập thơ Bán không cho gió (2005) và Lời buồn trên đá (2007) đều do Nhà xuất bản Hội Nhà Văn ấn hành và đều do người con là Trần Hiền Anh thiết kế mỹ thuật. Tôi nôn nao rất muốn đọc, bởi tôi quan niệm, thơ luôn là chứng liệu lịch sử chính xác nhất cho số phận mỗi nhà thơ. Tôi muốn hiểu những chua chát mà chị đã hứng chịu, lẫn những dằng dặc mà chị đã bôn ba.
Bìa tập thơ "Bán không cho gió", xuất bản năm 2005, NXB Hội nhà văn. |
Trên cõi sống ngắn ngủi và bí ẩn, không ai mưu cầu gồng gánh bi kịch, nhưng lỡ không tránh khỏi, thì bi kịch lại là chất liệu cho nghệ sĩ đích thực. Tôi phấp phổng tin Bùi Kim Anh là nhà thơ đích thực, nên chắc chắn chị không bao giờ lãng phí bi kịch đời mình để chuyển tải vào từng câu, từng dòng. Tôi đã dò hỏi nhiều nguồn nhưng không tìm được Bán không cho gió và Lời buồn trên đá. Mãi đến một ngày, bất ngờ nhà thơ Bùi Kim Anh gửi tặng tôi hai tập thơ. Và tôi vừa vội vàng vừa nghiêm túc lật từng trang, vì lo bản thân thờ ơ với một khắc khoải, vì sợ bản thân hờ hững trước một lênh đênh! Quả nhiên, tôi đã gặp nhà thơ Bùi Kim Anh chòng chành thi phú giữa tai ương!
Hai tập thơ với gần 200 bài thơ, ở nhà thơ Bùi Kim Anh xuất hiện một chân dung khác. Không còn nữa một Bùi Kim Anh lãng đãng và mê đắm thời Cỏ dại khờ (1995) hay Lối mưa (1999), mà là một Bùi Kim Anh chông chênh cơn tuyệt vọng và dằn vặt nỗi hệ lụy. Trước đây chị làm thơ không chú trọng nhiều về kỹ thuật, thì bây giờ thơ càng giống như nhật ký Mỗi ngày: "Những câu thơ viết cho mình làm sao nói dối. Chẳng ai muốn cô đơn choàng lên tâm trạng. Chẳng ai thích lẻ loi". Ngày xưa nữ sĩ Hồ Xuân Hương "Ví đây đổi phận làm trai được, thì sự anh hùng há bấy nhiêu", còn hôm nay nhà thơ Bùi Kim Anh chỉ dám Nếu thầm thì: "Nếu tôi là đàn ông. Tôi sẽ sống một ngày không cần biết đến thời gian, gia đình, bữa ăn, giấc ngủ, và cả những điều ấp ủ, tình yêu. Và chính vì những ý nghĩ ngông cuồng này. Tôi mãi là người đàn bà tội nghiệp!".
Bìa tập thơ "Lời buồn trên đá", in năm 2007, NXB Hội nhà văn. |
Không dễ dàng để đọc một mạch hết cả hai tập thơ của Bùi Kim Anh. Thỉnh thoảng tôi phải dừng lại, vì bị tâm trạng nặng nề từ tác giả lây sang. Trong thơ chị, có những đêm rất dài, những đêm chờn vờn cay đắng, những đêm ngập tràn bơ vơ.
Những đêm mệt nhọc dồn dập đổ ập vào chị những câu thơ nhũng nhẵng không kịp ngắt: "Những vật vã đã qua đi lại đến. Tuyến lệ đã khô nước mắt lại đầy. Buông tay để hạt thời gian lăn lóc. Buông tay tất cả kệ bóng chiều sầm sập. Một người đàn bà bỏ quên những câu thơ tình trong cuốn sổ tay vàng úa. Một người đàn bà run rẩy trái tim mềm" (bài Trái tim mềm), rồi bấp bênh khoảnh khắc tủi hờn: "Người đàn bà ngẩn ngơ lảm nhảm trong đêm câu thơ tụng niệm. Giận mình không thể làm trái bom hất lên tự thẩm sâu u uẩn. Không là một đám cỏ để người xéo oằn mà vẫn giận mình" (bài Tự họa). Hay nói cách khác, chị chỉ còn vũ khí cuối cùng là thơ để tự vệ trước những đêm rờn rợn hoảng hốt: "Ta băm nát đời mình vào những câu thơ. Trang điểm tâm hồn bằng lời bằng chữ. Ta lầm lỡ chỉ thơ tha thứ. Cho ta vịn vào khi thiên hạ lùi xa" (bài Bình minh đấy một ngày).
Nhà thơ Bùi Kim Anh hình như có chút đau đáu "người đàn bà ru con rồi ru cháu bằng lời của những câu thơ", nên chị cũng lỡ làng tự thú về một giai đoạn "Thơ tôi lợt lạt thiếu nắng mai và gió trời. Trở trăn câu chữ như đồng tiền bé mọn cho người để an ủi mình thôi".
Đúng, không thể nào trích dẫn hết những Cơn đau hay những Lời đêm trong hai tập Bán không cho gió và Lời buồn trên đá. Thế nhưng, thơ đã dìu chị qua gập ghềnh khi không còn nước mắt để khóc. Có thể là tọc mạch quá đáng, nhưng từng thời điểm khốn đốn của nhà báo Trần Mai Hạnh đều thể hiện rất rõ trong thơ vợ ông, dù dưới mỗi bài thơ không ghi chú ngày tháng viết ra. Thành thật xin lỗi nhà thơ Bùi Kim Anh, nếu những điều tôi nói ở đây làm chị thổn thức lại những muộn phiền quá khứ. Bằng tất cả sự chân tình, tôi chỉ muốn trình bày những lung lạc khủng khiếp mà nhờ thơ chị đã kiên cường chấp nhận thử thách: "Bất hạnh không hề mang nhãn mác. Ta không thể lựa chọn. Sự khốn cùng chẳng chung đúc một khuôn. Ta không thể nhấc lên nặng nhẹ chịu đựng mỗi con người". Hành trình thơ tuần tự theo hành trình nguy nan. Đó là hình ảnh người con trai vào Sáng tháng chín: "Con trai ơi, hãy yên lòng ra đi mỗi sớm. Mẹ ở bên cha. Ta còn mãi mái nhà. Nạn kiếp của cha đã làm mất ở con tiếng cười. Những câu chuyện hồn nhiên mỗi chiều không còn nữa".
Đó là giây phút Ngỡ là hụt hẫng chia biệt: "Ngỡ cầm vàng phải giữ vàng. Cái giàu dễ tuột, cái sang dễ hèn. Ngỡ đâu hai tiếng ghét ghen. Ba phen chìm nổi bảy phen đọa đày. Ngỡ anh là của em đây. Mà ngăn cách, mà chân tay rã rời". Đó là ái ngại Dành cho con gái yếu đuối: "Con bé xíu giữa khung nhà. Bước nặng nhọc chờ ngày sinh nở. Bé xíu giữa kinh hoàng tai họa. Cánh cò run rẩy bão giông... Con vượt qua bể cạn một mình. Cha một mình ngụp trong oan khổ. Mẹ xoay lại vần thơ viết dở. Đêm rất xa và Ngày rất xa".
Đó là Ngày giỗ mẹ ngậm ngùi: "Ngày giỗ mẹ thơm hương. Căn nhà vắng, mình con lạy mẹ. Con đã thành bị can chờ xét xử. Mẹ về lạnh thấu xa xôi... Lạy mẹ, con đi giải nỗi oan dày. Dẫu vô vọng vẫn cầm lòng cứng cỏi. Công lý dẫu xa đường con đi tới. Có mẹ theo đỡ bước đọa đày". Đó là những ngày hầu tòa phương Nam luôn Nhớ cháu phương Bắc: "Có cháu ở bên nô đùa. Chiều Sài Gòn nắng cũng thưa thớt dần. Tiếng cười đuổi theo gót chân. Đêm không mộng ác để gần ban mai".
Đó là lúc thăm nuôi người ở Phía ấy: "Ta đứng hai chân dồn hơi thở xuống nền gạch lạnh tanh. Phía ấy là lối anh đi. Gió quét. Mưa quét. Chổi quét mỗi ngày". Đó là phờ phạc người đàn bà Có những lúc chột dạ: "Hãy cho tôi mặt nạ da người. Tôi vênh váo dạo qua khắp phố. Chẳng còn ai nhận ra tôi nữa. Một người đàn bà lẻ loi". Đó là Đêm cuối năm giá buốt: "Năm trở mình đau nhức khắp căn nhà. Không có anh không ai mở cửa đón hoa xuân nở. Ta không thể sống bằng hoài niệm năm xưa cũ. Bao quanh anh. Bao quanh em. Chật những bức tường".
Đó là khi nhấp nhổm Gió lay: "Dạt thuyền đến tận cửa sông. Vững tay lái vẫn sợ không đến bờ" và giật mình vì một sự Rơi: "Bất ngờ một chiếc lá rơi. Tưởng đông rớt lại cho người lạnh vai" rồi thảng thốt Không đâu: "Ước gì có một ngọn sào. Trắng đen phơi hết chuyện nào cũng khô". Lấp lánh hơn cả, đó là nỗi Mong một ngày đoàn tụ: "Sẽ một ngày bình thường. Không chờ mưa chờ nắng. Có thời gian chững lại. Có không gian hai người". Cuối cùng hết cơn bĩ cực, đó là Một lần khác mọi lần: "Anh trở về với em. Như bao chuyến xa nhà vội vã. Như bao lần lạnh lẽo bên nhau. Dẫu mất mát đã ghim vào trí nhớ. Dẫu chẳng vẹn nguyên. Anh vẫn là tất cả... Tai họa bất ngờ. Tạo hóa lại tái sinh. Đã là rủi, đã là may mắn. Như con cáo chết giả để thử lòng người cõi sống".
Người bi quan thấy họa trong phúc, còn người lạc quan thấy phúc trong họa. Tôi không rõ nhà báo Trần Mai Hạnh là người bi quan hay người lạc quan, nhưng rõ ràng trong cái họa của ông đã khẳng định cái phúc: có một người vợ vẫn ở bên cạnh ông cùng những câu thơ trĩu lòng. Còn chị, nhà thơ Bùi Kim Anh đã từng sống "Lời kinh xen lẫn lời thơ. Cõi đâu hết khổ người chờ ta qua" và hiện tại còn mang ám ảnh của con chim chết hụt sợ cành cây cong khi mỗi ngày tiễn con đi làm mà thắc thỏm "Cánh cửa nhà mình khóa lại. Mong mỗi chiều chỉ là tiếng con", nhưng tôi vẫn mường tượng một ngày không xa thơ chị sẽ lại lấp lánh vẻ đẹp bình yên. Bởi lẽ, qua hai tập Bán không cho gió và Lời buồn trên đá như những trang nhật ký bàng hoàng, đôi lần ngẫu nhiên tôi vẫn phát hiện những chớp hiện êm ái nên thơ: "Một đôi trẻ ôm nhau phóng xe qua khung cửa. Chiếc váy của cô gái bay thoáng cả đoạn đường" hay "Bên hồ lũ trẻ thả diều. Phố thả theo cả nắng chiều lên cao".