Tác phẩm "Tiện nghi" của Bùi Công Khánh. |
- Lần đầu tiên có mặt ở trung tâm nghệ thuật châu Âu, anh tiếp nhận Paris, "thành phố của nghệ thuật", như thế nào?
- Tôi đã có những cuộc đi ròng rã từ ngày này sang ngày khác với cảm giác thèm muốn được nhìn ngắm những tác phẩm kinh điển tại bảo tàng Louvre, Orsay, Rodin, Picasso và Trung tâm nghệ thuật đương đại Georges Pompidou.
- Tiếp cận với nghệ thuật Pháp đương đại, anh nghĩ sao?
- Những gì tôi đã xem ở các bảo tàng của Pháp hay ở Bảo tàng nghệ thuật đương đại Barcelona ở Tây Ban Nha khiến tôi nghĩ nhiều về nội dung và hình thức của nghệ thuật. Để nói về sự ô nhiễm môi trường, tội ác, tệ nạn xã hội... các tác phẩm sắp đặt đã mang đến cảm giác khó chịu như hôi hám, buồn nôn, ngột ngạt, căng thẳng, hãi hùng, tù túng... Bước ra khỏi bảo tàng, tôi đã ngơ ngác thực sự. Tôi như vừa bước ra khỏi một thế giới hoàn toàn khác lạ đầy cảm giác, để khoan khoái tự tin, hít một hơi thật dài khi đứng giữa ánh nắng chói chang lành sạch của đời sống.
- Anh có thể cho biết vài nét về những họa sĩ Pháp mà anh đã có dịp tiếp xúc trong trại sáng tác?
- Trại này mang tên Mọi thứ vứt đi. Các bạn Pháp mang đến đủ thứ đồ phế thải: thùng gỗ, thùng carton, ván gỗ, quần áo cũ và cả... lông gà. Họ đã cưa, đóng, lắp ghép rất say sưa trong sự tò mò của chúng tôi. Phần mình, tôi vô tư đóng khung, căng vải, pha màu... và cũng vô tư trước việc các bạn Pháp không ai đụng vào những thứ đó cả. Các họa sĩ và nhà điêu khắc tham gia trại này đều nghèo giống nhau. Người lớn tuổi thì sống với 300 franc trợ cấp thất nghiệp mỗi tháng, còn người trẻ tuổi thì phải bôn ba với đủ thứ việc để có thể tạm sống như trang trí nhà hát, làm design, dạy vẽ. Chuyện sống được bằng việc bán tranh đối với họ thật phiêu lưu và mơ hồ. Tiêu chí của họ là tận dụng những đồ phế thải để làm ra tác phẩm nghệ thuật và làm sạch môi trường. Nước Pháp có cả trăm nghìn họa sĩ. Giữa biển trời nghệ thuật như vậy, tôi có cảm giác họ giống như những hạt cát của biển Địa Trung Hải bị gió cuốn ra ngoài khơi xa mịt mù. Dần dần, tôi mới nhận ra vì sao họ không đụng đến khung, vải bố, sơn dầu vì để nhường những vật liệu tốt nhất cho họa sĩ VN.
- Vậy các họa sĩ Pháp không nghĩ đến việc bán tranh sao?
- Có nghĩ tới cũng thật xa vời. Họ đã làm bất cứ việc gì để sống và được vẽ, kể cả việc dọn dẹp lau chùi ở các quán ăn hay đứng bán hàng trong siêu thị. Tôi chợt nhớ đến câu nói của một họa sĩ nước mình đang có tranh bán chạy như tôm tươi: "Tôi phân thân mình ra để vừa có những tác phẩm nghệ thuật nghiêm túc, lại không thiếu những bức tranh bán dễ, bán nhanh...".
- Công chúng Pháp nhận xét gì về tác phẩm "Tiện nghi" vẽ trên toàn bộ chiếc ô tô mà anh sáng tác ở trại Tout en vrac?
- Sau khi vẽ xong chiếc xe này, tôi đã cùng bạn bè lái xe qua khắp các thành phố, thị trấn, làng mạc vùng Toulouse để xem phản ứng của người dân. Chỉ được tán thưởng bởi giới trẻ, chắc là lạ mắt, còn người lớn tuổi chỉ nhìn qua rồi im lặng luôn.
- Kỷ niệm nào anh nhớ nhất trong chuyến đi này?
- Trên đường từ Tây Ban Nha trở về Pháp, xe của chúng tôi men theo bờ biển dọc biên giới. Phong cảnh thật hùng vĩ và lãng mạn. Đến đầu dốc, chúng tôi xuống xe. Đi lang thang đến bên một cái vực núi cao sát biển thì phát hiện ra một công trình khá lạ mắt. Một đường hầm vuông bằng sắt, có bậc từ miệng vực xuống gần sát mép nước biển. Tôi leo xuống, đến bậc cuối cùng thì có một tấm kính lớn chắn ngang lối đi mang dòng chữ: Đây là nơi tưởng niệm những họa sĩ vô danh trên trái đất này. Tôi nằm lên trên tấm kính như thể mình đang rơi xuống đại dương xanh thẳm, thấy đôi mắt cay xè. Tôi nằm lỳ đó để tìm thấy mình, thấy bạn bè đồng nghiệp cùng trang lứa. Lúc đó, tôi đã tự nói với mình: Ngày hôm nay, có thể chúng ta đã có một chút hư danh, tiền bạc. Nhưng ngày mai, ngày kia, mọi thứ sẽ chỉ là bèo bọt, phù du thì bạn và tôi cũng được an lòng vì ở một nơi trên thế giới này đã có một chỗ thật bình yên, trong lành, như lời an ủi nơi trời nước vô biên dành cho những người nghệ sĩ vô danh trên trái đất. Nghĩ thế, khi trở về, tôi lại càng muốn sống thật tử tế với nghệ thuật.
(Theo Thể Thao - Văn Hóa)