Đã có lúc ngấm ngầm trách cha nhưng ở tuổi 33, anh nhận ra câu "Thương cho roi cho vọt" không phải quan điểm sai lầm.
- Đạt được nhiều thành tựu trong nước và quốc tế từ khi còn trẻ, giá trị của những tấm huy chương có ý nghĩa thế nào với anh?
- Tôi tham dự các cuộc thi từ rất bé, chỉ biết thi thôi - thi theo lời người lớn, không nghĩ gì về thành tựu. Lúc đứng trên sân khấu, tâm lý ganh đua trẻ con cùng lắm chỉ nghĩ rằng: phải làm sao để chơi hay hơn những bạn khác. Lớn hơn thì tâm niệm: Học thì phải thi, thi thì phải có giải. Đó là đường đi của hầu hết nghệ sĩ. Thời gian trôi qua, mình mới nhận ra cái mình đạt được không còn là những tấm huy chương đơn lẻ. Nhìn nhận một cách khách quan, tôi thấy rất may mắn vì để có thành tựu cần nhiều yếu tố. Không ít người có tài năng, có điều họ không may mắn như tôi.
Bùi Công Duy vào vai vua Bảo Đại trong phim "Chiến hạm nổ tung". Ảnh: Đoàn phim cung cấp. |
- Một trong những may mắn của anh là được cha dạy học violin từ năm 4 tuổi. Giả sử nghệ sĩ Bùi Công Thành không hướng con theo nghệ thuật từ ngày ấy, hiện tại của anh sẽ khác thế nào?
- Tôi nghĩ, sau tài năng, định hướng gia đình là cái quan trọng nhất bởi tôi đã nhìn thấy nhiều trường hợp vì định hướng không chính xác mà cuộc đời rẽ sang ngả khác. Nhiều người có khả năng nhưng sự rèn luyện kiên trì không có nên bị ngắt quãng. Một nghệ sĩ chơi một buổi hay đã khó nhưng để duy trì đẳng cấp ấy trong 5 năm - 10 năm còn khó hơn nhiều. Ngành nghệ thuật nghiệt ngã ở chỗ, độ tuổi phát triển cho nó không dài. Cha tôi là nghệ sĩ, có linh cảm chuẩn xác để hướng tôi theo cái mà chính tôi ngày đó không hề yêu thích. Nhiều đứa trẻ ôm đàn đi ngủ, mở mắt là cầm đến cây đàn - tôi thì không như thế. Tôi thích chơi hơn nhưng cha đã bắt một đứa bé 4 tuổi phải lao động miệt mài như một nghệ sĩ. Năm hơn 10 tuổi, sang Nga, tôi là người Việt duy nhất trong trường, ở đất nước lạnh lẽo, muốn chơi cũng chẳng có ai chơi, thế là chẳng biết làm gì ngoài học.
- Có bao giờ anh trách bố vì đánh mất tuổi thơ của mình?
- Tôi không thích học dù với tôi học không khó, ngay cả học văn hóa. Để uốn nắn con, thỉnh thoảng cha tôi đã dùng tới đòn roi. Trong khi bạn bè đi chơi thì tôi bị cha kè kè bên cạnh, bắt chơi đàn theo ý ông. Có những lúc tưởng đạt rồi, sắp được tha bổng, nào ngờ ông vẫn bắt làm lại. Tôi vừa đàn vừa nghĩ: "Học làm gì, có tác dụng gì chứ". Lúc nhỏ tôi ngấm ngầm trách cha mà không dám nói ra nhưng sau này lại thấy ông làm rất chính xác. Cha tôi là người ít nói. Khi tôi thành công, ông cũng không khen ngợi, nhưng qua những biểu hiện bề ngoài, tôi biết ông tự hào về mình.
- Đến lượt mình, anh có định dạy con theo cách cha anh đã làm?
- Tôi sẽ hướng nó theo cái gì tốt nhất cho nó (cười). Tôi muốn nó am hiểu âm nhạc và nghệ thuật nói chung - được như thế, tôi có thể giúp nó tốt hơn là nếu nó chọn ngành nghề khác. Nếu con tôi sinh ra ở phương Tây, có thể tôi dùng cách Tây để dạy con nhưng giờ tôi đã về Việt Nam. Tôi cũng hơi cực đoan kiểu Việt Nam, mà người Việt chúng ta thì có câu: "Thương cho roi cho vọt". Khi muốn đạt mục đích, bạn phải chấp nhận có những khoảnh khắc cay nghiệt như vậy. Nhưng tôi không có khả năng áp đặt như cha mình.
Bùi Công Duy biểu diễn cùng Mỹ Tâm trên sân khấu Hà Nội. Ảnh: Đỗ Thế Dương. |
- Một học trò của cha anh đang biểu diễn trong dàn nhạc Đức Berliner Symphonike nổi tiếng. Nếu anh còn ở Nga, là người châu Á đầu tiên đứng trong dàn nhạc dây danh tiếng thế giới Virtuose Moscow, vị thế của anh cũng tương đương vậy. Anh nghĩ sao nếu có người đưa việc đó ra so sánh?
- Tôi không bao giờ hối tiếc bởi tôi thấy sự lựa chọn của tôi là đúng. Một cuộc sống hàng ngày làm những việc giống nhau không phù hợp với tôi lắm. Tôi thích các hoạt động phong phú và tìm sự cân bằng cho mình trong đó. Từ hè tới cuối năm, tôi có thể diễn mười mấy chương trình, nhưng đầu năm tôi hầu như chỉ giảng dạy. Tôi may mắn là được làm nhiều việc và toàn việc tôi thích. Mỗi lần lên lớp hay lên sân khấu tôi đều có cảm xúc riêng. Thỉnh thoảng lại được đi đóng phim hay tham gia hoạt động gì đó của showbiz. Nhờ thế, thời gian của tôi trôi rất nhanh và tôi biết được rất nhiều điều.
- Vợ anh, nghệ sĩ piano Trinh Hương, đã phải theo anh về Việt Nam.Anh thấy hạnh phúc, còn cô ấy thì sao?
- Cô ấy không theo tôi đâu. Cả hai cùng cảm thấy về Việt Nam làm nhiều việc hơn. Thậm chí tôi là người thích ở Tây hơn cô ấy. Khi về Việt Nam, tôi lại thích vào ở Sài Gòn vì tôi sinh ra ở miền Nam, nhưng tôi có linh cảm, ở Hà Nội tôi mới có cơ hội làm việc hết mình.
- "Được làm việc hết mình" nhưng thực ra, năm 2012 anh mới chỉ có một chương trình lớn là biểu diễn cùng dàn nhạc Berliner Symphonike, còn những sự xuất hiện khác không tương xứng với thứ mà anh có. Anh nghĩ sao?
- Lúc này tôi rất hài lòng với những gì mình đã làm được với âm nhạc cổ điển. Ngoài show tháng 7, tôi còn có những chương trình có ý nghĩa lớn như làm việc trong dự án văn hóa Nauy và Việt Nam, chuyến biểu diễn châu Âu và tham gia Toyota Concert. Có điều những chương trình kia không được quảng bá rộng rãi như Eternal Concert với sự có mặt của Berliner Symphonike, lại diễn ra gần như cùng thời điểm nên sự chú ý không được nhiều.
Trong 5 năm về nước, tôi thấy công việc dần dần đi đúng quỹ đạo mình mong muốn. Tôi không quan trọng số lượng mà quan trọng chất lượng, để mỗi chương trình đều đạt được đẳng cấp, hướng tới thị trường quốc tế. Sự xuất hiện của tôi không nhiều. Tôi bước đi rất thong thả. Tôi đặt ra cho mình lộ trình dài hơi kiểu 10 năm, 20 năm. Nếu năng động, tôi có thể gây nhiều chú ý hơn nhưng tôi hài lòng với cách mà mình đang theo đuổi và hướng tới.
Bùi Công Duy và vợ - nghệ sĩ piano Trinh Hương, con gái nhạc sĩ Phú Quang. Ảnh: Ngọc Trần. |
- Với những chương trình như livehsow Đàm Vĩnh Hưng, biểu diễn khai trương trung tâm trang sức... với sự xuất hiện thoáng qua như cách làm sang chương trình liệu có phải sự thỏa hiệp của anh để lấy ngắn nuôi dài?
- Tôi nghĩ đó là chuyện bình thường bởi một nghệ sĩ để tồn tại ở Việt Nam rất khó, chúng ta chưa có thị trường đích thực. Mọi người thấy tôi chỉn chu nên khi tôi xuất hiện ở những chỗ ồn ào thường ngạc nhiên, nhưng cuộc sống có mặt này mặt kia, ai cũng cần tồn tại. Cổ điển đôi khi hơi đóng khung ở những nơi sang trọng nhưng nếu nhìn khách quan thì thế giới đi trước mình từ lâu. Các nghệ sĩ cổ điển tham gia biểu diễn ở các event rất nhiều, thậm chí trong cả đám ma và đám cưới. Việc chơi cho anh Đàm Vĩnh Hưng lại hơi khác vì bố vợ tôi (nhạc sĩ Phú Quang) và anh Hưng khá thân thiết, không phải đơn thuần mời là chơi.
Ở Việt Nam tôi cũng không phải chỉ đàn cho Đàm Vĩnh Hưng. Tôi từng có sự kết hợp với Mỹ Tâm. Cô ấy và tôi cùng học Nhạc viện TP HCM. Bản thân tôi rất yêu nhạc pop nhưng không có kinh nghiệm trong nhạc pop. Không phải sự kết nối nào cũng mang lại thành công như ý nhưng trong nghệ thuật, sự sáng tạo không có biên giới và chúng ta phải dám thử. Ví dụ như chuyện tôi mạo hiểm đóng phim - những hoạt động như vậy làm giàu cuộc sống của tôi.
- Nghệ sĩ thường được biết đến như những người cực đoan. Cả gia đình anh và gia đình vợ đều là nghệ sĩ. Có bao giờ những sự tìm tòi, sáng tạo riêng của mỗi người vấp phải phản ứng từ người khác?
- Tôi lại không cho chúng tôi là người cực đoan mà là những người rất logic và tôn trọng cá tính của nhau. Chơi một bản nhạc với hàng triệu nốt trong khi vẫn phải nghĩ hàng nghìn vấn đề, nếu bộ não không đủ sự logic thì làm sao có thể? Càng thành công với nghệ thuật, bạn càng phải cân bằng. Âm nhạc thật ra rất gần với toán học. Người ta nói văn nghệ sĩ giỏi văn nhưng tôi lại thấy điều lạ rằng, văn nghệ sĩ dốt văn và giỏi toán. Tôi là một ví dụ.
- Nghệ sĩ Đặng Thái Sơn từng chia sẻ, ông phải biểu diễn bản nhạc vui khi nghe tin bạn vừa bị giết. Chúng ta cũng quen thuộc với câu chuyện Kép Tư Bền của Nguyễn Công Hoan diễn hài khi nghe tin cha chết. Trong hoàn cảnh đó, anh cho rằng làm thế nào để cân bằng được?
- Tôi may mắn chưa rơi vào trường hợp tương tự nhưng tôi có thể hình dung. Tôi cho rằng đó là chuyện khó khăn bởi những người nghệ sĩ dễ bị tổn thương. Họ nhạy cảm và bị chi phối hơn người thường, chính vì thế họ phải cố giữ cái đầu lạnh - cái đó theo tôi cũng cần tài năng. Càng cao tuổi người ta càng nhạy cảm hơn. Trẻ tuổi đôi khi vô tư quá. Tôi cảm nhận điều đó rất rõ: năm 15 tuổi chơi khác năm 18 tuổi hay năm 33 tuổi thế nào. Tuổi tác càng cao, ra sân khấu càng khó khăn vì luôn phải đấu tranh giữa lý trí và cảm xúc. Nghiêng về cái nào cũng đều không tốt
"Khi biết tin mình nằm trong top 50 Người Tiên phong do VnExpress.net bầu chọn, tôi bất ngờ và sung sướng lắm. Những điều tôi làm không vì giải thưởng nhưng khi đóng góp của mình được để ý và đánh giá thì đó là hạnh phúc nhất của người hoạt động nghệ thuật. Những đánh giá theo tôi rất khách quan vì từ cả những người uy tín lẫn khán giả dù tôi không phải là người có nhiều bề nổi. Tôi xem qua danh sách và cảm thấy những người còn lại đều rất xứng đáng. 2012 là năm khá thành công và tôi đã cố gắng làm được nhiều việc, nhiều chương trình để phát triển âm nhạc cổ điển. Sang năm tôi sẽ gắn liền hoạt động biểu diễn, trong đó phần lớn là biểu diễn ngoài nước. Tôi cũng cố gắng để tổ chức một chương trình lớn trong nước. Kinh tế khó khăn nhưng cuộc sống vẫn cần những khoảnh khắc làm mới lại bản thân. Kể cả thời chiến tranh thế giới, opera, ballet vẫn được diễn. Dù chuyện gì xảy ra, nghệ thuật vẫn cần để cổ vũ tinh thần. Nếu tinh thần không tốt làm sao có thể lạc quan nhìn về phía trước?" - Bùi Công Duy. |
Ngọc Trần thực hiện