Bùi Bài Bình đầu tư cho vai Khuếnh bằng cách để râu và tóc chải ngôi giữa, mặc quần áo cọc cạch nửa tây, nửa ta. Ảnh: Nhân vật cung cấp. |
- Là một diễn viên quen thuộc với các vai hiền lành, nhu nhược, anh gặp phải khó khăn gì khi vào vai một trưởng giả nông thôn gian manh, đểu giả?
- Trong những lần đi làm phim, gặp gỡ những người nông thôn, những ông trưởng thôn, chủ tịch xã…, tôi cóp nhặt cho mình từng nét tính cách, cử chỉ để thành vai Tòng, vai Khuếnh. Tôi cho rằng, để đóng những vai lưu manh, gian ác không quá khó khăn bởi trong ai cũng tiềm ẩn nét tính cách này. Bản thân mỗi chúng ta có hai phần, phần con và phần người. Nếu gặp người tốt, phần người sẽ phát triển, còn ở gần “ngợm” thì phần con được dịp bộc lộ. Sau Tòng của Ma làng, nhiều người khen tôi có khiếu diễn những vai trái chất. Nhưng đương nhiên tôi thích những vai hiền như anh kỹ sư, bộ đội. Nó gần gũi với hoàn cảnh gia đình tôi.
- Nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm từng nhận xét trong một bài báo: “Để đóng một con ma, Bùi Bài Bình phải sống ra con người”. Anh nghĩ sao về điều này?
“Gió làng Kình” là bộ phim truyền hình dài 25 tập, phát sóng trên VTV1, vào lúc 20h10, từ ngày 17/11. Đạo diễn: Nguyễn Hữu Phần - Bùi Thọ Thịnh Bộ phim có dàn diễn viên chính được giữ lại gần như nguyên vẹn từ “Ma làng”: Hồng Sơn, Bùi Bài Bình, Kim Oanh, ngoài ra còn có sự góp mặt của các diễn viên: Đỗ Kỷ, Lan Hương, Hoàng Hải, Công Lý, Thu Hà… |
- Đây là một nhận định rất bất ngờ với tôi. Hoàng Nhuận Cầm giấu tôi rất kỹ. Bài báo viết về tôi đã lên trang, anh còn đến nhà tôi hỏi nên đặt tên bài báo thế nào. Anh còn nói dối tôi rằng, đặt tên dài báo không cho đăng, chỉ được đặt tên ba chữ thôi. Nhưng tôi rất thích cái tên “Muốn đóng con ma phải sống ra con người”. Đúng như vậy, nếu muốn nhìn thấy được cái xấu trong một xã hội, bản thân mình phải là người lương thiện đã.
- Anh có so sánh gì về vai Tòng trong “Ma làng” và Khuếnh trong “Gió làng Kình”?
- Bản thân tôi không thích Gió làng Kình bằng Ma làng. Trong Ma làng, mỗi tập phim là một câu chuyện, sau từng chặng, tính cách các nhân vật đều phát triển, nhưng trong Gió làng Kình, tất cả lộ ra từ đầu, vai diễn mang tính một chiều. Tôi nhận lời đóng Gió làng Kình vì đây là ê kíp làm phim Ma làng và dẫu sao đây vẫn là một bộ phim lượng có thông tin nhiều, tính thời sự cao, hợp với hoàn cảnh xã hội hiện nay.
Vai Khuếnh và vai Tòng trong hai phim, nhìn thì căn bản giống nhau, cùng là loại cường hào nông thôn nhưng mỗi vai có một mục đích, một màu sắc biểu đạt khác nhau. Tòng là người ít học ở vùng nông thôn cằn cỗi, một dạng Chí Phèo cao cấp chuyên kéo bè kéo cánh, trù dập mọi người để đạt mục đích lên chức lên quyền. Chất đểu giả, ti tiện trong Khuếnh nặng hơn vì Khuếnh là người có học. Khuếnh sinh ra trong gia đình không thuận hòa và khi biết quá khứ của mình, Khuếnh phá phách, khuynh đảo cả làng, cho thỏa mãn cơn hận. Từ ông mổ trâu trộm, thằng hút thuốc phiện, lão tham ô, cô cave… đều không qua được mắt Khuếnh. Vai này có nhiều điểm khác so với vai Tòng, và tôi cố gắng diễn sao cho “đời”.
Vai Khuếnh của Bài Bình là một vai cay nghiệt, đểu giả, lợi dụng từ cô cave nhằm đạt được mục đích của mình. Ảnh: Nhân vật cung cấp. |
- Kết thúc “Ma làng”, Nguyễn Hữu Phần có nói ông tiếc đã để cho Tòng chết, mà đáng nhẽ phải để Tòng lên làm “Ma huyện”. Anh có suy nghĩ gì về cái kết đó?
- Tôi nghĩ là nếu để Tòng lên nữa thì không hay lắm. Tòng từ chân thư ký ủy ban lên đến chủ tịch xã cũng đã là sự dung túng quá mức rồi, nếu lên đến chủ tịch huyện là không được. Tuy nhiên tôi cũng cho rằng, để Tòng chết như thế là chưa xứng đáng. Tôi đã góp ý đạo diễn rằng phải để cho Tòng chết mấy lần: rắn cắn không chết mà chỉ bị hoại thư, tê liệt chân, mất chức tước, hàng ngày lê lết ra chợ búa đường xá, cuối cùng trong một đêm mưa ra gốc đa bị sét đánh chết. Trong phim, đạo diễn để con trai Tòng hóa điên suốt ngày lang thang vạ vật, ngụ ý “đời cha ăn mặn, đời con khát nước”. Tuy nhiên tôi cho rằng, con cháu mình, nếu mình có lỡ làm gì sai cũng không nên bắt chúng phải chịu.
- Vậy anh nhận xét thế nào về kết thúc phim“Gió làng Kình”?
- Cái kết lần này tôi thấy thích đáng. Trong cảnh cuối cùng, Khuếnh sau khi phá phách làng xóm, không còn tiếp tục sống được ở đó nữa. Bao nhiêu tiền nong vơ vét được của nhân dân cũng không mang đi mà đưa hết cho thằng cháu ruột (diễn viên Công Lý đóng). Hai chú cháu nước mắt đầm đìa chia tay nhau trong đêm mưa gió. Con người gây lên tội lỗi, đau thương, mất mát không còn mặt mũi nào ở lại quê hương. Đây là người có học, có nhận thức nên mới xử sự như thế, chứ nếu là một Chí Phèo cao cấp như Tòng thì vẫn sẽ mặt dày ở lại làng.
Chúng tôi quay cảnh đó trong đêm đông 2007, trên đê gần cầu Đuống. Đạo diễn điều ra bốn, năm xe phun nước làm mưa từ 18h đến 20h. Sau cảnh đó, tôi ốm suốt một tuần.
- Anh nghĩ sao trước hiện tượng nhiều diễn viên khó thoát khỏi cái bóng của những vai diễn mà họ từng thành công?
- Điều đó đòi hỏi sự cố gắng. Chỉ những diễn viên có bản lĩnh mới làm được. Những ai không chịu khó học hỏi, không có bản lĩnh rất dễ bị lặp lại mình từ diễn xuất tới tính cách. Nhiều lúc người xem cũng nên rộng lượng với diễn viên, nhất là với những bạn trẻ, vì họ thèm làm. Như tôi, một năm cùng lắm làm được một phim như Gió làng Kình. Vì thế, nhiều khi được đạo diễn mời, diễn viên cứ hớn hở lên đường không biết hay, hay dở. Nếu mình không có bản lĩnh, không thể hiện được vai chuẩn, thì rất dễ bị lặp lại. Tôi cố gắng để mỗi vai có một màu sắc riêng, một sự gửi gắm riêng.
Để đóng cảnh kết thúc phim, Khuếnh bỏ làng ra đi trong đêm mưa gió. Bùi Bài Bình đã ốm suốt một tuần lễ. Ảnh: Nhân vật cung cấp. |
- Đạo diễn Nguyễn Hữu Phần nói, catxe của “Ma làng”, “Gió làng Kình” rất thấp khiến ông cảm thấy áy náy như mình lừa diễn viên. Mức catxe này ảnh hưởng gì đến tâm lý của người diễn viên như anh?
- Tôi có suy nghĩ rằng, nếu làm phim thì không nên kêu chuyện tiền nong. Nếu đắn đo chuyện tiền nong thì không nên làm phim. Tuy nhiên, tình trạng catxe phim truyền hình Việt Nam hiện nay đúng là quá thấp. Tôi đóng Ma làng được 600 nghìn một tập phim, Gió làng Kình là 700 nghìn một tập phim. Một tập quay trong 4, 5 ngày, tính ra một ngày được 150-200 nghìn cho 12 tiếng đồng hồ từ 8h sáng đến 20h đêm. Nếu đạo diễn tham lấy của mình, thì mình áy náy, chứ nếu trong hoản cảnh khó khăn thế này thì phải chấp nhận. Đương nhiên những diễn viên như chúng tôi ai cũng mong muốn điều kiện vật chất, kỹ thuật tốt để yên tâm với nghề.
- Đóng phim catxe thấp khiến anh có thời bỏ đóng phim sang kinh doanh. Tại sao anh lại bỏ kinh doanh quay về đóng phim?
- Nói làm kinh doanh cũng không phải. Thời gian tôi chuyển sang làm kinh tế là khi tôi chán phim ảnh. Đó là giai đoạn xóa bỏ bao cấp chuyển sang kinh tế thị trường, vai diễn rất ít. Từ năm 90 đến năm 2000, tôi chỉ đóng được một phim nhựa, còn truyền hình nhiều vai mình không thích. Tôi chuyển sang giúp một người bạn làm kinh doanh. Tuy nhiên tính tôi nghệ sĩ, một cộng một bằng ba chứ không phải bằng hai như người ta nên ruốt cuộc lại trở về với nghiệp diễn.
Trong giai đoạn phim ảnh khó khăn, hai vợ chồng tôi còn xoay sang bán cà phê. Nhờ trời cũng có một quán nho nhỏ bán được 20 năm nay rồi, nuôi được hai đứa con ăn học lên người. Tôi hoàn toàn đồng ý với việc dùng tên tuổi của mình để kinh doanh và ngược lại, kinh doanh để nuôi nghề của mình. Nếu mình có chút tiếng tăm để kinh doanh thì quá tốt.
- Gia đình anh phản ứng thế nào trước những vai phản diện của anh?
- Gia đình tôi là gia đình bình thường, toàn những người làm công nhân, giáo viên. Bản thân tôi, mấy chục năm nay cũng chỉ đảm nhận những vai hiền lành, khi chuyển sang đóng Ma làng, gia đình không thích nhưng chỉ trách yêu thôi. Mọi người biết đó là cái nghề, nếu có sự thay đổi trong cách diễn là điều rất tốt, không phải ai cũng có được cơ hội đó.
- Gia đình anh hai vợ chồng đều là diễn viên, cuộc sống có gì khác biệt so những gia đình khác?
- Theo tôi làm nghề nào cũng thế, nhưng mình phải có trình độ để nuôi dạy con cái. Hai vợ chồng tôi sống bình thường, giản dị và luôn hỗ trợ nhau. Khi có một kịch bản băn khoăn, tôi thường nhờ vợ tôi tham khảo hộ xem vai như vậy có đóng được không. Ngược lại vợ tôi cũng thế. Gia đình nào cũng muốn con cái nối nghiệp cha mẹ. Hai vợ chồng tôi muốn một trong hai cháu theo nghề diễn nhưng không ép buộc. Các cháu đã lớn, cần vun đắp nâng đỡ cho chúng theo ước mơ mà chúng chọn.
Ngọc Trần thực hiện