Ngày 9/5, Diễn đàn quốc gia Phát triển Doanh nghiệp Công nghệ diễn ra cả ngày tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia, Hà Nội với sự tham gia và phát biểu chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc. Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp tổ chức cùngbáo Điện tử VnExpress.
Trong khuôn khổ sự kiện, Diễn đàn dành không gian triển lãm trưng bày một số sản phẩm, giải pháp công nghệ được ứng dụng trong thực tiễn. Các sản phẩm công nghệ này đều tiềm năng lớn, mang lại hiệu quả kinh tế xã hội cao do các doanh nghiệp công nghệ Việt Nam sản xuất và cung cấp.
Khu trưng bày được thiết kế và chia theo 5 khu vực, gồm Công nghiệp 4.0; Kinh tế, tài chính, hương mại điện tử; Giao thông, xây dựng và tài nguyên, môi trường; Y tế, du lịch; Nông nghiệp và Chuyển đổi số.
Các gian hàng đến từ các doanh nghiệp, tập đoàn, startup công nghệ gây được nhiều tiếng vang của Việt Nam thời gian qua như VNG, hãng gọi xe công nghệ Be Group, VCCorp, VSmart, CMC, MISA, Công ty TNHH Thực phẩm Isito...
Với chủ đề "Khát vọng, tầm nhìn và định hướng phát triển vì một Việt Nam hùng cường" và với khẩu hiệu hành động "Make in Vietnam", Diễn đàn kỳ vọng tạo động lực thúc đẩy phát triển hệ sinh thái doanh nghiệp công nghệ với khát vọng đưa Việt Nam trở thành cường quốc về công nghệ, công nghiệp phát triển. Trong đó, mục tiêu của Việt Nam là đạt 100.000 doanh nghiệp công nghệ đến năm 2030.
Xem thông tin Diễn đàn tại đây |
Diễn đàn dự kiến thu hút khoảng 1.000 đại biểu gồm lãnh đạo Chính phủ, lãnh đạo các Bộ, ngành, địa phương và hàng trăm chuyên gia, doanh nghiệp công nghệ uy tín trong và ngoài nước cũng như các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo trong lĩnh vực công nghệ tại Việt Nam.
Trong khuôn khổ diễn đàn, 15 bài phát biểu với thời lượng 5-30 phút đến từ các nhà lãnh đạo tập đoàn, công ty công nghệ lớn trong và ngoài nước cùng 2 phiên thảo luận sẽ góp phần cung cấp bức tranh toàn cảnh về tình hình phát triển các doanh nghiệp công nghệ tại Việt Nam.
Ngoài ra, những nội dung về các giải pháp công nghệ hiện nay, lợi ích và hiệu quả của ứng dụng công nghệ giải quyết các bài toán xã hội, doanh nghiệp...được đánh giá thiết thực và thu hút người tham dự.
Trong xu thế phát triển mới, chuyên gia cho biết Việt Nam đang chuyển dần động lực tăng trưởng kinh tế sang các ngành có giá trị gia tăng cao, sử dụng công nghệ tiên tiến và lao động chất lượng cao. Việt Nam được đánh giá có lợi thế và tiềm năng phát triển trong nhiều lĩnh vực, đặc biệt là về công nghệ thông tin. Vì vậy, đến năm 2020, nước ta phấn đấu nằm trong top đầu thế giới về cung cấp dịch vụ gia công phần mềm và nội dung số với nguồn nhân lực chất lượng cao.
Năm 2018, tổng doanh thu ngành công nghiệp ICT 2018 ước tính đạt 98,9 tỷ USD với giá trị xuất khẩu khoảng 94 tỷ USD, xuất siêu gần 26 tỷ USD. Trong đó, công nghiệp phần mềm có tốc độ tăng trưởng 13,8% với doanh thu 4,3 tỷ USD, xuất khẩu ước đạt 3,5 tỷ USD. Số doanh nghiệp phần mềm khoảng 10.000 với 120.000 nhân lực. Công nghiệp CNTT tiếp tục đóng góp hơn 1 triệu nhân lực và nộp gần 50.000 tỷ đồng cho ngân sách nhà nước.
Chương trình có sự đồng hành của Công ty Cổ phần VNG, Be Group, VCCorp, VSmart, CMC, MISA, Saigontourist, MobiFone, MK Group.
Thu Phương