Anh là cán bộ nhà nước, gặp chị khi tuổi đã ngoài 30. Hai người kết hôn hơn 10 năm trước và có một cô con gái. Sau từng đó thời gian, hạnh phúc rạn nứt, anh chị đưa nhau ra toà ly hôn. Anh cho rằng chị là người không biết vun vén chuyện gia đình, ngay cả khi bố chồng mất, hay dịp lễ Tết, chị đều vắng mặt.
Tính đến trung tuần tháng 7, anh chị đã 3 lần dẫn nhau ra toà giải quyết chuyện ly hôn, phân chia tài sản. Tới phiên phúc thẩm lần này tại TAND Hà Nội, gương mặt người đàn ông trung niên lộ vẻ mệt mỏi. Còn người vợ, ngồi bên cạnh chồng cũ cũng giữ vẻ không vui.
Phiên phúc thẩm được mở vì chị kháng cáo với bản án sơ thẩm của TAND qụân Hà Đông về phán quyết chia căn nhà làm hai phần không bằng nhau khiến người vợ phải thanh toán cho chồng khoản tiền chênh lệch hơn 300 triệu đồng. Chị cho rằng, một mình nuôi con với nhiều khoản chi phí nên khó khăn, đề nghị toà cũng như chồng “giảm bớt” số tiền trên.
Theo bản án sơ thẩm, sau khi kết hôn, anh được cơ quan cấp cho mảnh đất hơn 70m2. Hai vợ chồng chung tay xây được căn nhà khang trang ở quận Hà Đông.
Trước khi diễn ra phiên xử ly hôn, hai người tự thoả thuận chia căn nhà trên với hơn 44 m2 chị và con sử dụng, còn anh nhận 27 m2. Sau khi nhận phần nhà, anh tu sửa, cải tạo lại buồng mái, nhà vệ sinh, cầu thang và ngăn cách với vợ cũ và con gái bằng bức tường.
Hàng ngày sống chung trong căn nhà nhưng cha với con gái chỉ nhìn thấy nhau thoáng qua. Theo phán quyết của toà, hàng tháng anh vẫn gửi tiền để vợ cũ chăm sóc con gái. Tuy nhiên, sau ly hôn, giữa hai vợ chồng tiếp tục có những khúc mắc. Chị cho rằng chồng cũ gây khó dễ cho việc tách sổ đỏ.
Kiện ra toà dân sự quận Hà Đông, chị phải thực hiện theo phán quyết, thanh toán cho chồng cũ 360 triệu đồng tiền chênh lệch giá trị phần diện tích sử dụng nhiều hơn. Anh cho rằng, việc vợ cũ kiện, kháng cáo khiến bản thân mệt mỏi nên hy vọng phiên dân sự phúc thẩm sẽ là lần cuối cùng phải ra toà.
“Mỗi lần có giấy triệu tập tôi lại phải xin phép cơ quan nghỉ việc để giải quyết’, anh trình bày. Vì vậy, tại phiên phúc thẩm, anh kiên quyết đề nghị chia đôi căn nhà theo quyết định của bản án sơ thẩm. Anh trải lòng rằng, số tiền đó cũng để cho con chứ không giữ lại cho bản thân.
Giọng mệt mỏi, anh trình bày, ở phiên phúc thẩm có đồng ý với phương án hoán đổi phần diện tích sử dụng cho vợ và một vài phương án khác như chị “cắt” lại 8m2 đất trả cho chồng, hoặc bán căn nhà rồi chia đôi. Song thời điểm đó, chị không đồng tình vì cho rằng, bản thân cũng có quyền lợi sao không được nhận tiền khi hoán đổi.
Toà đã giải thích cho chị, căn nhà được xác định là tài sản chung nhưng pháp luật cũng cần căn cứ vào công lao của người có đóng góp nhiều hơn. Anh là cán bộ được cấp đất tiêu chuẩn thì phải nhận phần hơn.
Giọng chùng xuống, anh bảo giá vợ cũ không vô tâm, bố chồng mất hay những dịp lễ Tết có mặt đầy đủ thì không có những phiên xử “đau đầu, mệt óc”. Nghe chồng cũ nói vậy, ngồi bên cạnh, chị chỉ im lặng.
Trong phần trình bày của mình, chị nại hoàn cảnh khó khăn nên mong được bớt số tiền phải thanh toán cho chồng cũ. Cùng lúc đó, một vài người bạn của chị có mặt tại phòng xử nói vọng lên: “Xin anh giảm cho một ít”. Trước ý kiến của vợ cũ, anh đã đồng ý giảm 100 triệu đồng với yêu cầu: “Không được kiện cáo thêm để anh tập trung làm ăn”.
Trước thoả thuận của hai bên, toà phúc thẩm đã ghi nhận, sửa một phần bản án, quyết định bà phải trả cho ông 260 triệu đồng.
Việt Dũng