Hình ảnh này được cho là sao chép vĩ đại nhất trong lịch sử nghệ thuật, từ trước đến nay chưa có bức ảnh nào vẽ trên tấm vải nhỏ như vậy. Nhóm nghiên cứu từ Viện công nghệ Georgia đã tạo ra kiệt tác bằng cách sử dụng kính hiển vi nguyên tử và một quá trình gọi là công nghệ nhiệt hóa NanoLithography (TCNL), Live Science đưa tin.
Mỗi điểm ảnh rộng 125 nanomet của bức tranh “Mona Lisa siêu nhỏ” là một tập hợp các phản ứng hóa học. Kỹ thuật này cho phép các nhà nghiên cứu kiểm soát nhiệt độ trên một điểm ảnh để thay đổi số lượng các phân tử mới được tạo thành ở mỗi điểm ảnh.
Tại những vị trí càng nóng, sản phẩm phản ứng tạo ra càng nhiều. Những vị trí nhiệt thấp hơn có màu sáng hơn, sự khác nhau về nhiệt tại từng vị trí tạo ra cường độ màu sắc khác nhau. Bằng cách này, nhóm nghiên cứu đã thực hiện các bản sao nhỏ của tác phẩm nghệ thuật nổi tiếng Mona Lisa..
Bức vẽ nghệ thuật siêu nhỏ là minh chứng về khả năng của TCNL. Các nhà nghiên cứu nghĩ rằng, kỹ thuật này có thể ứng dụng trong sản xuất vật liệu nano.
Giáo sư Jenniger Curtis, người đứng đầu nhóm nghiên cứu cho biết: “Bằng cách thay đổi nhiệt độ, chúng tôi thực hiện các phản ứng hóa học để thay đổi nồng độ phân tử ở cấp độ nano".
"Việc định hình vị trí cho phản ứng hóa học trên bề mặt quyết định độ chính xác của bức tranh, kỹ thuật này cho phép thực hiện các thí nghiệm trước đây không làm được và ứng dụng trong các lĩnh vực đa dạng như điện tử nano, quang điện tử và công nghệ sinh học", giáo sư Curtis nói.
Quy trình này được mô tả trên tạp chí Langmuir, đây không phải lần đầu tiên hình ảnh mang tính biểu tượng được sử dụng như một chiến công khoa học. Các nhà khoa học của NASA gần đây đã gửi tín hiệu laser về nàng Mona Lisa lên mặt trăng. Họ cho biết đây là một bước tiến lớn trong việc giao tiếp laser trên tàu vũ trụ.
Lê Hùng