Theo Ủy ban Nước Liên hợp quốc (UN-Water), nước chiếm khoảng 70% bề mặt Trái Đất nhưng chỉ 3% trong số đó là nước ngọt. Khan hiếm nước là một khái niệm có tính tương đối. Lượng nước mà con người có thể được tiếp cận về mặt vật lý sẽ thay đổi khi cung và cầu thay đổi. Sự khan hiếm nước ngọt trên thế giới có thể đến từ nhiều lý do: nhu cầu sử dụng nước ngọt vượt quá nguồn cung, cơ sở hạ tầng về nước còn hạn chế, các chính sách không cân bằng được nhu cầu nước của mọi người...
Nước là nguồn tài nguyên hữu hạn, trong khi nhu cầu của con người đối với nước lại ngày càng tăng. Khi dân số toàn cầu tăng lên, nền kinh tế ngày càng phát triển, tài nguyên nước và cơ sở hạ tầng của nhiều quốc gia không thể đáp ứng nhu cầu sử dụng nước ngày càng tăng.
Biến đổi khí hậu cũng khiến tình trạng khan hiếm nước trở nên trầm trọng hơn: khiến lượng nước dự trữ trên mặt đất và trong lòng đất, trong tuyết và băng giảm dần. Điều này dẫn đến tình trạng khan hiếm nước gia tăng, làm gián đoạn hoạt động xã hội.
Khi khan hiếm nước, phụ nữ và trẻ em gái là những người bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Các nhóm nghèo và yếu thế luôn ở tuyến đầu của bất kỳ cuộc khủng hoảng khan hiếm nước nào. Theo đó, khả năng duy trì sức khỏe, bảo vệ gia đình và kiếm sống của họ cũng bị ảnh hưởng. Đối với nhiều phụ nữ và trẻ em gái, khan hiếm nước đồng nghĩa với việc họ mất nhiều công sức đi lấy nước, có nguy cơ bị tấn công cao hơn trong quá trình lấy nước và có thể không có thời gian để đi học, đi làm.
UN-Water đánh giá nhiều quốc gia không có hệ thống giám sát nước hiệu quả, không tích hợp các dữ liệu, từ đó gây khó khăn cho việc quản lý tài nguyên nước. Họ cũng không cân bằng được nhu cầu của cộng đồng và nền kinh tế, đặc biệt là trong thời điểm khan hiếm.
Giải pháp Quản lý tài nguyên nước tích hợp
Để phục hồi lại các nguồn cung cấp nước trước tình trạng biến đổi khí hậu và dân số ngày càng tăng, UN-Water cho rằng cần có cách tiếp cận và quản lý nguồn tài nguyên này một cách tổng hợp và toàn diện và phải coi nước là nguồn tài nguyên khan hiếm.
Mạng lưới Đối tác nước toàn cầu (Global Water Partnership) đã đưa ra khái niệm Quản lý tài nguyên nước tích hợp (Integrated Water Resources Management - IWRM) để quản lý nước. Đây là quá trình quản lý phối hợp cả nước, đất và các nguồn tài nguyên liên quan, nhằm tối đa hóa phúc lợi kinh tế và xã hội theo cách công bằng mà không ảnh hưởng đến tính bền vững của các hệ sinh thái quan trọng. Quản lý tài nguyên nước tích hợp sẽ cung cấp một khung để các chính phủ điều chỉnh mô hình sử dụng nước phù hợp với nhu cầu và yêu cầu của những người dùng khác nhau, bao gồm cả môi trường.
Quản lý tài nguyên nước tích hợp có thể kiểm soát căng thẳng về nước. Khi một lãnh thổ sử dụng từ 25% trở lên nguồn tài nguyên nước ngọt có thể tái tạo, thì lãnh thổ đó được coi là "căng thẳng về nước". Để giảm căng thẳng về nước, có thể áp dụng các biện pháp như giảm thất thoát từ hệ thống phân phối nước, tái sử dụng nước thải an toàn, khử muối nước biển, và phân bổ nước hợp lý.
Các dữ liệu đóng vai trò quan trọng trong quản lý tài nguyên nước tích hợp. Các công nghệ tiết kiệm nước, công nghệ xanh và công nghệ hybrid, nhất là trong lĩnh vực công nghiệp và nông nghiệp cũng cần được áp dụng để quản lý nước. Các chiến dịch truyền thông cần hướng đến nâng cao nhận thức nhằm giảm sử dụng nước trong các hộ gia đình, cũng như khuyến khích chế độ ăn uống và tiêu dùng bền vững.
Ngoài ra, bảo vệ và sử dụng bền vững nước ngầm sẽ là trọng tâm để tồn tại và thích ứng với biến đổi khí hậu cũng như đáp ứng nhu cầu của dân số ngày càng tăng.
Những con số đáng lưu ý
2,3 tỷ người sống ở các quốc gia có tình trạng căng thẳng về nước, trong đó 733 triệu người sống ở các quốc gia có tình trạng căng thẳng về nước ở mức độ cao và nghiêm trọng (số liệu của UN-Water 2021).
3,2 tỷ người sống ở các vùng nông nghiệp có tình trạng thiếu hoặc khan hiếm nước ở mức độ từ cao đến rất cao, trong đó 1,2 tỷ người (khoảng 1/6 dân số thế giới) sống ở các vùng nông nghiệp thiếu nước nghiêm trọng (FAO, 2020).
1,42 tỷ người (trong đó có 450 triệu trẻ em) sống ở những khu vực mà nguồn cung nước bị đe dọa ở mức cao hoặc rất cao (UNICEF, 2021).
Khoảng 4 tỷ người, chiếm gần 2/3 dân số toàn cầu, gặp phải tình trạng khan hiếm nước trầm trọng ít nhất một tháng mỗi năm (Mekonnen và Hoekstra, 2016).
72% lượng nước khai thác được sử dụng cho nông nghiệp, 16% dùng cho các sinh hoạt gia đình và các dịch vụ, 12% cho các ngành công nghiệp (UN-Water, 2021).
Kim Ánh