Sáng sớm 5/9/2017.
Tẩn Láo San tỉnh giấc giữa khu nội trú vẫn chìm trong sương sớm. Ở phòng bên cạnh, học sinh cũng lục tục gọi nhau dậy. Hơn 12h đêm qua, bọn trẻ trong khu nội trú trường Pá Mỳ, huyện Mường Nhé, Điện Biên mới chịu đi ngủ. Chúng háo hức chờ ngày khai giảng.
San gấp quần áo, tự múc bát mì trong nồi to các thầy cô nấu cho. Em tự mặc áo trắng, quàng khăn đỏ rồi chạy sang chỗ học sinh cấp 2 để xem các anh chị chuẩn bị nghi thức đội.
Cách đó hơn 600km, giữa cánh đồng lúa đang mùa trổ bông của xã Ngô Quyền, Thanh Miện, Hải Dương, Anh Thư cũng vừa thức dậy. Em ăn cơm với thịt mẹ mới nấu, rồi cũng áo trắng, quàng khăn đỏ và chuẩn bị đến trường.
Sáu giờ sáng, ở đầu kia đất nước, trong trung tâm quận 3, TP HCM, Ngọc Hân mặc lại bộ đồng phục cũ của lớp 2A. Năm nay Hân lên lớp 3, nhưng mẹ quyết định không mua đồng phục mới. Mẹ đưa Hân ra ngoài, mua cho em một hộp xôi mặn 5.000 đồng.
Buổi sáng hôm đó, ba đứa trẻ dự lễ khai giảng năm học 2017 - 2018.
Khi sương tan, San tự xếp ghế dự khai giảng trong sân trường của mình - cũng là nơi em sống. Thư đến trường trên con đường xuyên qua cánh đồng lớn xã Ngô Quyền thơm mùi lúa. Còn Hân đi vào một con hẻm chật chội, len qua những chung cư cũ, những quán hàng và xe cộ để đến trường. Trường của Thư nhỏ nhất ở quận 3.
Năm học của ba đứa trẻ có cùng một cái tên, "năm học 2017-2018", nhưng sẽ mang những bộ mặt khác nhau. Thách thức và cơ hội mà bàn chân nhỏ bé của San, Hân và Thư chuẩn bị bước vào, cũng rất khác nhau.
Ba ngôi trường, ba lễ khai giảng, ở ba vùng kinh tế tiêu biểu của cả nước. Một ngôi trường nằm trên đỉnh núi cao mây trắng vùng Tây Bắc; một ngôi trường nằm giữa cánh đồng lúa của vùng nông thôn đồng bằng Bắc Bộ; và một ngôi trường trong trung tâm TP HCM. Những vấn đề giáo dục hiện lên qua những bảng màu dị biệt.
Lễ khai giảng của Tẩn Láo San có: bè vượt suối, nước mắt, những đứa trẻ bỏ học và sự háo hức.
Sau ngày Tết Độc lập, khi lúa nương trổ đòng, là lúc thầy cô giáo ở Pá Mỳ lại tỏa đi các bản "bắt" học sinh về trường. Dòng Nậm Nhé chảy quanh co qua các sườn núi, chia cắt Pá Mỳ thành 10 bản nhỏ. Trong đó, 7 bản phải đi qua suối mới về được trung tâm xã. Thầy cô muốn đến bản vận động học sinh, phải đi bè vượt suối.
Thầy cô nơi đây sợ nhất trời mưa, sợ nhì hai thời điểm sau Tết Nguyên đán và Tết Độc lập. Trời mưa nước suối dâng cao, học sinh không thể về trường. Sau Tết Nguyên đán kiểu gì học sinh cũng "ngót", bởi nhiều em bỏ học đi lấy vợ, lấy chồng. Còn ngày Độc lập thì đồng bào tổ chức to, lại trùng với mùa thu hoạch ngô nên thế nào học sinh cũng đi nương, không về trường.
Thấy bóng thầy cô ở đầu bản Huổi Lụ, cô bé Chảo Mùi Nải trốn thật nhanh ra sau chái nhà. Mùa khai trường này, Nải lên lớp 6. Nhưng em sẽ tạm nghỉ học một năm ở nhà chăn bò. Nải nhường "suất" cho anh trai Chảo Văn Thông đi học lớp 8.
Chân anh Chảo Trùng Ú (bố Nải) đau mấy năm nay, chỉ quanh quẩn trong nhà. Bốn con bò anh vay hơn 60 triệu của ngân hàng không ai chăn, để ăn lúa của người trong bản thì không có tiền đền.
Năm học trước, Thông và Nải thay phiên nhau mỗi đứa một tuần. Đứa này đi học thì đứa kia ở nhà chăn bò. Anh Ú cũng hết cách. Vợ anh không thể vừa làm việc nhà, vừa chăn bò cho hai đứa con đi học.
Hai thầy giáo thuyết phục suốt buổi chiều. Cuối cùng thầy hiệu trưởng khối THCS Nguyễn Quang Tuyến đành thương lượng: "Tháng 10 thu lúa với ngô xong, anh cố gắng làm trại thả bò, rồi cho cháu đi học. Chậm hai tháng cũng được, các thầy cô sẽ phụ đạo cho cháu ban đêm. Hai đứa đều học khá, anh đừng để cháu nghỉ". Nghe thầy nói, anh Ú đồng ý.
Một nghiên cứu của UNICEF và Bộ Giáo dục và Đào tạo năm 2014 chỉ ra tỷ lệ trẻ em trong độ tuổi tiểu học không đến trường ở nhiều nhóm dân tộc thiểu số đặc biệt cao. Trong đó, cao nhất là dân tộc Mông - cũng là cộng đồng dân cư chính của những nơi như Mường Nhé. 26,5% trẻ em dân tộc Mông trong độ tuổi tiểu học không đến trường.
Và có đến gần 1/3 số trẻ em gái người Mông trong độ tuổi tiểu học, không đến trường.
Tẩn Láo San sáng dạ, tính toán rất nhanh và luôn đi học đúng giờ. Nhưng bốn năm đèn sách, thầy chủ nhiệm Lò Văn Việt cũng phải tới nhà "bắt" nó đi học khoảng chục lần.
Lần đầu tiên, ba ngày không thấy nó đến lớp, thầy tìm về nhà thì thấy thằng bé đang trông ba đứa em. Nó bảo bố mẹ đi nương hết rồi. Lúc đó buổi trưa, cơm bố mẹ để phần buổi sáng đã ăn hết. Hỏi biết nấu cơm không, nó lắc đầu. Thầy bảo nó đi lấy gạo để vo, rồi nhóm lửa, dạy thằng bé 6 tuổi nấu cơm.
Mấy lần sau không thấy nó đi học, thầy lại đến nhà thì thằng bé đã đuổi con trâu đực với đàn dê lên nương. Hóa ra bố dượng không cho nó đi học, bắt phải ở nhà đi nương. Có lần tan học thấy San ngồi lì lại lớp, thầy hỏi thì nó khóc, bảo về nhà sợ bố dượng đánh. Hôm đó thầy nấu cơm cho nó ăn, rồi đưa về tận nhà.
Thằng bé không nhớ bị đánh, phải nghỉ học bao lần. Thầy Việt cũng không nhớ số lần nấu cơm cho nó ăn, cắt tóc mỗi khi dài chạm gáy. Chỉ biết, thầy trò đùm bọc nhau qua được bốn năm. Cho đến khi Tẩn Láo San chuyển sang bản Huổi Lụ ở với anh trai, để được xuống trường trung tâm đi học theo chế độ bán trú. Nghe tin, thầy Việt thở phào vì thi thoảng, không còn phải trông thấy cảnh thằng bé khóc hay nhịn đói không dám về nhà vì sợ bị đánh nữa.
Lớp học trên đỉnh núi của thầy Việt, ngoài San, còn có Úa, Hoa... Những đứa trẻ người Dao, người Mông thường phải nghỉ học lùa trâu lên đồi, ở nhà trông em cho bố mẹ đi nương. Mỗi lần thầy giáo tới nhà là chúng được đi học. Chúng là những mầm hy vọng mà thầy Việt cùng hàng chục thầy cô giáo cắm bản "gieo" trong sự nghiệp trồng người, trên mảnh đất Pá Mỳ khô cằn ở cuối trời Mường Nhé này.
"Em muốn học, không muốn nghỉ sớm như các anh trai", San nói.
Lễ khai giảng của Ngọc Hân có: một cuộc ra quân, mùi sườn nướng, tiếng chó mèo và một góc sân không có khoảng trời.
6h45, lũ trẻ lớp 1 mặc đồng phục trắng đứng trong nắng, trước cửa ủy ban nhân dân phường.
Ủy ban nằm trong một con hẻm, giữa những tòa chung cư cũ đã tróc lở từng mảng, giữa bãi trông xe, hàng rửa xe, cơm tấm, cà phê, quầy vé số. Không có sân, hơn 100 đứa trẻ đứng ngay trong hẻm, giữa chó mèo và xe cộ đi lại. Chúng đứng đó để dự "Lễ ra quân năm học mới".
Ông chủ tịch phường đứng trước những đứa trẻ lớp 1, bắt đầu đọc cam kết về các mục tiêu giáo dục của địa phương trước thềm năm học mới. Phụ huynh háo hức vây quanh chụp ảnh con trong ngày khai giảng đầu đời.
"Lễ ra quân" kết thúc và các nhiệm vụ chính trị đã được cam kết. Bọn trẻ được các cô chú dân phòng và cán bộ Đoàn dắt qua ngoằn ngoèo những hẻm nhỏ để đến trường cách đó không xa.
Ngôi trường như một pháo đài. Khoảng sân chừng 150 mét vuông được bao kín bởi khối phòng học và những tấm tôn dựng đứng cao cả chục mét, biến trường học thành một cái lồng. Bức tường tôn được dựng lên với một mục đích rất rõ ràng: ngăn cách các em nhỏ với thế giới bên ngoài.
"Thế giới bên ngoài" ấy là khu xóm lao động. Đó là một khu đất chưa được quy hoạch vốn bỏ hoang. Lâu dần, dân tứ xứ đổ về cư ngụ, nhiều thành phần phức tạp. Từ những hành lang trên tầng 3 bên này trường, lũ trẻ có thể nhìn thấy các cư dân bên kia bức tường nhậu nhẹt, hút thuốc, đánh nhau. Cô hiệu trưởng không muốn các em phải tiếp xúc với những khung cảnh ấy nên trường buộc phải biến thành cái lồng.
Không gian chung chỉ có sân chơi rộng chừng 150 mét vuông, thêm hành lang của tầng trệt và lối ra vào. Nhìn từ bên ngoài, cổng trường hẹp khiến nó giống một căn nhà liền kề hơn. Trường gần như không có cây xanh: dưới bức tường tôn khổng lồ chỉ có một giàn hoa sử quân tử thiếu nắng, ủ rũ bám dài.
Buổi khai giảng diễn ra theo một kịch bản thông thường với vài bài phát biểu của nhà hữu trách, lễ đón học sinh đầu cấp, một "quyết tâm thư" của em học sinh tiêu biểu và tiếng trống bắt đầu năm học mới.
Tuy nằm tại quận 3, quận trung tâm của TP HCM nơi "đất vàng đất bạc", nhưng Nguyễn Thiện Thuật là xóm lao động phổ thông, mức sống bình quân thấp nhất quận. Phụ huynh phần lớn là dân nhập cư tứ xứ không có hộ khẩu, chỉ tạm trú hay mướn nhà ở. Họ làm nghề buôn thúng bán bưng, xe ôm, bán vé số, hủ tiếu, buôn bán nhỏ, không loại trừ ma túy, cờ bạc, số đề...
Cô giáo Lan nói số phụ huynh có học vấn, làm công chức chỉ đếm trên đầu ngón tay, mà họ là những phụ huynh của trẻ hòa nhập.
Có phụ huynh "trốn" không đóng học phí cả nửa năm, không dám tới trường vì sợ chạm mặt, thầy cô đòi nợ. Thầy cô tìm tới nhà trong khu ổ chuột ngay gần trường ban đầu cũng định "đòi" học phí. Đến nơi thấy nhà chỉ chục mét vuông, chỗ sinh hoạt ngoài bếp và toilet chỉ còn đủ chỗ nằm nên bỏ ý định đó luôn. Trường còn may mắn, vì có những mạnh thường quân giúp cho 30 em đặc biệt khó khăn nhất trường học phí và tiền ăn trưa. Vì nếu không được ở lại ăn bán trú, cháu đi lang thang ra ngoài, về nhà chưa chắc có cơm ăn. Cô hiệu trưởng nói lo nhất các cháu bỏ học đi bán vé số, giữ xe.
Người ta kể, đứng trước sân trường, nhiều phụ huynh đã quay ra chịu mất thêm 20 triệu "chạy" cho con đi trường khác.
Trong cái sân trường 150 mét vuông đó, mơ ước của Hân chỉ là được đi ăn gà rán.
Mẹ của Hân bán bánh bột lọc, bánh bèo, bánh nậm qua mạng. Ba em làm tài xế cho một công ty tư nhân.
"Hôm nay con ước gì năm học này cho con nhiều điểm 10 vì con sẽ được thưởng đi ăn gà rán. Một năm con được ăn gà rán vào ngày sinh nhật, ngày con được điểm 10... Hoặc nếu có thành tích con muốn được tặng búp bê barbie, ăn kem vani. Con cũng có ước mơ đi về quê ngoại tắm biển ở mũi Né nữa", cô bé nói, mắt lấp lánh.
Giữa tháng 7, Bộ trưởng Giáo dục Thái Lan Teerakiat Jareonsettasin lấy Việt Nam làm hình mẫu tổ chức. "Chúng ta có 20.000 quan chức không dạy học nhưng đang điều hành các trường. Con số này chỉ là 70 trong bộ giáo dục của Việt Nam" - ông nói.
Nhưng thực chất, ông Teerakiat không hiểu rằng đây là một dạng mâu thuẫn đặc trưng kiểu Việt Nam: Bộ Giáo dục không quản lý toàn bộ ngân sách giáo dục. Lực lượng tham gia ngành giáo dục, ngoài "70 người thuộc Bộ Giáo dục Việt Nam" mà ông nhắc tới, còn một số rất lớn các nhà quản lý cấp cơ sở, trực thuộc chính quyền địa phương và các ngành dọc khác.
"Hiện nay, 20% ngân sách nhà nước cho giáo dục chủ yếu phân bổ ở các địa phương cũng như các bộ ngành khác, phần ngân sách do Bộ Giáo dục làm đầu mối trực tiếp quản lý thực chất chỉ chiếm khoảng 4,8% trong tổng số" - Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nói.
Ông Teerakiat "may mắn" hơn lãnh đạo Bộ Giáo dục Việt Nam vì được trực tiếp chi tiêu cho toàn bộ nhân lực quản lý ngành giáo dục. Ngành giáo dục Việt Nam cần chờ rất nhiều "bên phối hợp" từ tài chính, xây dựng, tổ chức... để có thể lên kế hoạch giải ngân.
"Trước nay việc phân bổ ngân sách cho ngành giáo dục vẫn theo kiểu chia bánh, cứ mỗi bộ, ngành, địa phương một ít. Các bộ và địa phương xài hết tiền, Bộ Giáo dục không nắm được nhưng cuối cùng phải chịu trách nhiệm giải trình trước Quốc hội" - ông Nhạ trình bày.
20% ngân sách dành cho giáo dục đã đi đâu? Nó đã được chi tiêu hiệu quả chưa? Đó là đề bài mà Bộ Giáo dục giao cho nhóm nghiên cứu của họ trước thềm năm học mới.
Đó chắc chắn cũng là câu hỏi mà những thầy cô và học sinh ở miền núi Pá Mỳ hay trong con hẻm nhỏ ở quận 3, TP HCM muốn được trả lời. Trường Nguyễn Thiện Thuật từ lâu muốn được cải tạo hạ tầng để thoát khỏi kiếp "chuồng gà" cho các cháu - nhưng ngân sách mà trường nhận mỗi năm chỉ hơn một triệu đồng/học sinh - mọi giải pháp hạ tầng đều là giấc mơ xa xôi.
Có một thực tế không dễ tiếp nhận: ngân sách dành cho giáo dục tại huyện Mường Nhé, nơi những đứa trẻ như Chảo Mùi Nải học cách nhà hơn 20 cây số đường núi và có nguy cơ bỏ học, không hề thấp hơn tại quận 3, TP HCM. Nếu chia theo đầu học sinh thì con số này còn lớn hơn.
TP HCM, nơi làm ra tiền, và có tỷ lệ đóng góp ngân sách lớn nhất cả nước, trẻ con vẫn phải chịu đựng những không gian giáo dục khó tả. Mường Nhé, nơi cần hỗ trợ và nhận phần ngân sách không nhỏ dành cho giáo dục, vẫn đối mặt với đầy khó khăn.
Hiệu quả của phần ngân sách cho giáo dục rất đáng đặt câu hỏi.
Lễ khai giảng tại trường Nguyễn Thiện Thuật kết thúc, mái trường được kéo lại: nắng khép, khoảng sân nhỏ cũng được che kín, chính thức biến ngôi trường này thành chiếc hộp. Họ cần tận dụng tối đa không gian sinh hoạt. Ngay cả bếp ăn của trường cũng được bố trí trong khoảng sân toen hoẻn này.
Tại sao, thì Bộ trưởng Nhạ sẽ không thể giải thích: Bộ chỉ được tiêu chưa đến 1/5 ngân sách giáo dục quốc gia.
Lễ khai giảng của Anh Thư có: những bức tường tróc lở, một quyết tâm thư và sự chóng vánh.
Lễ khai giảng ở trường tiểu học Ngô Quyền cũng diễn ra theo một kịch bản thông thường: lễ đón học sinh đầu cấp, hai bài phát biểu, của hiệu trưởng và chính quyền địa phương, một "quyết tâm thư" do một đứa trẻ học giỏi đứng lên hô hào, vài tiết mục văn nghệ và tiếng trống khai trường.
Trường tiểu học Ngô Quyền được xây từ gần 30 năm trước. Theo những giáo viên thâm niên nơi này, trong ít nhất 16 năm qua, trường không thay đổi nhiều: chỉ có thêm một khối văn phòng hai tầng, bây giờ cũng đã loang lổ rêu mốc, mái ngói viên còn viên mất. Mới nhất, có hai phòng ăn bán trú được xây dựng.
Hai dãy phòng học quét vôi vàng nứt nẻ lợp fibro xi măng, gợi cho người ta nhớ đến những khung cảnh thời đất nước chưa Đổi mới. Một khối phòng học hai tầng nứt vỡ nhiều nơi và mang màu mốc xám. Bốn cây xà cừ lớn trong sân đã được cưa sạch ngọn đề phòng mưa gió gãy cành. Đó là tất cả những gì đáng kể nhất của tiểu học Ngô Quyền.
Xã Ngô Quyền có 9.000 nhân khẩu thì hơn 2.000 người đi làm thuê. 700 người xuất khẩu lao động và 1.500 người làm thuê ở các xã bên. Nền kinh tế chính của xã, vẫn là nông nghiệp. Ông Ngà, chủ tịch xã, nói rằng chưa nhìn thấy hướng chuyển đổi kinh tế nào hiệu quả, vẫn phải trông vào cây lúa.
Đó là một xã mà trên website của tỉnh Hải Dương phần giới thiệu được copy/paste hoàn toàn từ một "xã Ngô Quyền" nào đó của thành phố Đà Nẵng, với phần lịch sử có sự xuất hiện của cả "chính quyền Ngô Đình Diệm". Đem chuyện này kể cho chủ tịch xã: ông chưa từng vào website này, cũng không biết ai quản lý nội dung trên mạng về địa phương mình.
Xã nằm xa quốc lộ, xa đô thị trung tâm của tỉnh, lực lượng lao động làm thuê cho các cơ sở công nghiệp hoặc khâu giày ở huyện bên, theo lời cô giáo Nguyệt, là đã góp phần cho sự "tăng trưởng" của kinh tế địa phương.
Thầy Hồng, hiệu trưởng, không có gì nhiều để chia sẻ về trường. Ông đi vòng quanh sốt ruột khi thấy giáo viên trả lời phỏng vấn và cũng không đồng ý cho học sinh nói chuyện. "Thôi đi nhanh vào trọng tâm còn đi ăn" - ông ngắt lời - "Có khó khăn thì mình dần dần khắc phục".
9h sáng, sau lễ khai giảng kéo dài hơn một tiếng, các thầy cô trong trường ra về. Những đứa trẻ được tự cho ra về hoặc ra ngoài chờ bố mẹ tới đón. Cổng trường được đóng lại.
Niềm hy vọng mơ hồ của tiểu học Ngô Quyền và tương lai giáo dục của xã nói chung là việc xây dựng cơ sở mới gần trung tâm xã. Nhưng việc này hoàn toàn trông chờ vào ngân sách từ trên rót xuống. Bí thư xã không nêu được ra lộ trình xây dựng, chỉ biết rằng mình phải chờ. "Hy vọng là 2 năm sẽ xây xong" - ông Ngà nói, giọng không mấy quả quyết.
Anh Thư được cho ra về. Nhà em có 10 con gà và 10 con vịt đang chờ.
Sau lễ khai giảng ở trường Nguyễn Thiện Thuật, học sinh bước ngay vào những tiết học chính khóa. Chúng chơi trong sân trường chừng nửa tiếng. Không đủ không gian cho bất kỳ một trò chơi vận động nào, chúng túm tụm trò chuyện, rồi vào lớp.
Năm nay, cô Hằng chủ nhiệm lớp 2A. Cô đã thức dậy từ 5h sáng, chuẩn bị thức ăn ở nhà cho ba bố con rồi 6h lái xe máy vào trung tâm thành phố. Nhà cô ở xã Tân Hiệp huyện Hóc Môn, cách trường 20km.
Chồng cô Hằng giờ đã rút kinh nghiệm: con bệnh không điện thoại cho vợ nữa. Cách đây mấy năm, cô đang dạy học ông báo tin "con sốt cao". Cô lật đật xin Ban giám hiệu nghỉ chạy xe về. Trên đường đi mải lo nghĩ té xe, xong lết lên xe đi tiếp. Được một đoạn chịu hết nổi, cô tấp vô lề đường gục xuống luôn.
Ước mong lớn nhất của cô năm nay chỉ là "các bé chăm học, biết nghe lời là vui nhất".
Lớp cô Hằng có 10 bé hòa nhập bị tăng động, tự kỷ, chậm phát triển. "Dạy các bé miết rồi quen tánh nết từng đứa. Vô lớp mình cho bài tập các bé hòa nhập trước, bé nào biết viết cho bài viết, bé nào biết làm toán cho bài toán. Có bé bỗng dưng khó chịu, la um sùm, có bé quay ra khều bạn. Mình phải ngưng dạy tới giải quyết. Có khi bé khóc la, không chịu viết bài, đành chịu. Hết cơn đến chiều bé tự viết tiếp", cô kể lại. "Nói vậy chứ các em này tình cảm lắm. Nó thương ai thương dữ lắm, cứ chạy tới ôm cô kè kè miết".
Trường Nguyễn Thiện Thuật ngoài cái sân nhỏ xíu như chiếc hộp còn có một đặc trưng khác - lớp nào của trường cũng có 5-10 học sinh hòa nhập.
Cứ vậy mà quay tới quay lui cũng hết ngày, rồi hết hơn 20 năm... 5h sáng dậy, 6h ra khỏi nhà, 4h chiều tan lớp, ngồi lại chấm bài. Từ 6h đến 7h30 cô Hằng đi dạy kèm gia sư tại nhà cho con người ta. 7h30 tối mới từ trung tâm Sài Gòn về Hóc Môn. Về tới nhà thường đã hơn 8h tối. Tắm rửa, cho con uống sữa, chơi với con, đi ngủ rồi sáng ra lại dậy sớm.
"Tính chung cả lương cơ bản, phụ cấp và thêm hơn một triệu lương chức vụ do làm tổ trưởng chuyên môn khối lớp 2, tổng cộng một tháng em được hơn 6 triệu đồng. Nếu nói đủ thì không đủ mà dư thì không dư. Có nhiều thì xài nhiều, nói chung mình cũng phải tiết kiệm", cô Hằng nói.
Hỏi về mong ước, cô bảo cũng giống giáo viên cả nước thôi. Mong phải ổn định tài chính thì mới yên tâm công tác. Kinh tế giáo viên làm sao cải thiện được nói chung chứ không phải riêng trường cô.
Cô Hằng còn cảm thấy may mắn có nhà vì ở chung với nhà chồng. Trường em nhiều giáo viên vẫn đi thuê nhà làm sao đủ chi phí. Các giáo viên vẫn nói với nhau, không đi vay không mắc nợ là mừng rồi chứ đi làm cực lực chưa chắc đã dư dả nhiều.
***
Năm năm, thầy giáo trẻ ngày nào mang theo ba lô quần áo, cầm tờ quyết định vào Pá Mỳ nhận công tác còn đi lạc lên tít Nậm Nhì, giờ đã in dấu chân khắp các bản.
Thầy Việt giờ chuyển về điểm trường chính, nhưng cuối tuần nào cũng cùng các thầy cô đi đón lũ học trò qua suối Nậm Nhé về trường. Dọc đường đi, các thầy cô lại tranh thủ hái lá sắn, kiếm măng làm thức ăn.
Thầy cô dạy học ở Pá Mỳ, người lâu nhất 15 năm, người ít nhất cũng gần 5 năm. Người gần nhất ở TP Điện Biên, cách Pá Mỳ hơn 250 km. Người xa nhất ở Thạch Thành (Thanh Hóa) gần 1.000 km.
Thầy Việt đã có gia đình. Thầy kết hôn với cô giáo tiểu học trong trường. Hai vợ chồng với con gái 3 tuổi vẫn ở dãy nhà tạm của giáo viên dưới chân đồi. Tổ ấm của ba người là một phòng hai gian, gồm một phòng ngủ và một phòng bếp.
Năm năm, giá một gói mì tôm tăng gấp rưỡi, nhưng thu nhập của thầy không tăng mà còn giảm, từ 6,9 triệu xuống còn 6,3 triệu. Thầy giải thích, từ cuối năm 2014 thầy cô giáo ở Pá Mỳ không còn được hưởng phụ cấp biên giới khi chia tách địa giới hành chính. Thế nên, việc làm thì vẫn tương đương nhưng phụ cấp lại ít hẳn đi.
Vợ chồng thầy đi dạy một tháng tổng cộng được 12,6 triệu đồng. Ở đất Pá Mỳ này một cân đậu phụ giá 18 nghìn, đắt gấp rưỡi ngoài thị trấn. Ngoài mua sữa cho con, thầy tính dành dụm để cất ngôi nhà. Vợ chồng thầy Việt đã xác định gắn bó với mảnh đất này. Thi thoảng, thầy gửi số tiền dành dụm khoảng nửa năm về Núa Ngam (cũng thuộc tỉnh Điện Biên) để bố mẹ mua thuốc cho em gái út bị bệnh mấy năm nay.
"Đồng tiền lương chưa đáp ứng được công sức mà các thầy cô giáo bỏ ra", Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo Trần Ngọc Kiên thẳng thắn.
Theo ông Kiên, ngoài Pá Mỳ thì cả huyện Mường Nhé đang thiếu giáo viên trầm trọng: 166 người ở bậc mầm non, 54 tiểu học và 24 THCS. Đầu năm học mới, ông chỉ đau đáu một điều là ở trên "quan tâm đến giáo viên vùng cao, bổ sung biên chế, không thực hiện tinh giản. Bởi đã thiếu lại còn tinh giản thì lấy đâu người giảng dạy".
Năm học mới, hỏi thầy Việt mong gì. Thầy bảo, mong phụ huynh không còn bắt lũ trẻ đi nương, để thầy cô không phải đi từng nhà vận động nữa. Thầy mong có cây cầu bắc qua suối để học sinh chủ động đến trường, thầy cô không phải đi đón mỗi chiều chủ nhật. Thầy mong đường sá sớm đổ bê tông, để các thầy không còn phải khiêng xe, các cô không ngã ì ạch mỗi khi mưa xuống.
Và đâu đó, trong câu chuyện của các thầy vẫn thấy bóng dáng của những cuộc kê khai tài sản của những ai ở đâu rất xa, khi so sánh với lúc các thầy cô đi xin từng chiếc áo mới cho trò, với mơ ước có cây cầu qua suối mùa mưa...
Bài: Đức Hoàng - Hoàng Phương - Hồng Phúc
Ảnh: Cường Đỗ Mạnh - Thành Nguyễn - Hoàng Phương - Ngọc Thành