Bức tranh còn có tên gọi Vương Thục cung kỹ (ca kỹ trong cung của vua nước Hậu Thục), hiện được trưng bày ở Bảo tàng Cố cung Bắc Kinh. Tranh không vẽ bối cảnh nhưng họa sĩ viết lời đề phía trên để nói về nội dung tác phẩm. Bức họa tái hiện câu chuyện ở một trong 10 quốc gia thời Ngũ đại Thập quốc trong lịch sử Trung Quốc (902-979). Các cung nữ đầu đội mũ hoa, ăn vận lộng lẫy chờ vua Vương Diễn (899-926) gọi hầu hạ.
Đường Bá Hổ (1470-1524) vẽ trên lụa, cao 125 cm, ngang 53 cm. Các cô gái tay cầm đồ ăn, bình rượu. Gương mặt nhân vật đều có các vệt phấn trắng - lối trang điểm có từ thời Ngũ đại Thập quốc, ăn vận, trang điểm đẹp nhưng gương mặt không toát vẻ tươi vui.
Theo giới thiệu của bảo tàng, bức tranh mang hàm ý châm biếm rõ nét của Đường Bá Hổ với hoàng đế Hậu Thục. Bấy giờ, nhà vua hoang dâm vô độ, ngày đêm uống rượu vui chơi. Vua từng cho mở tiệc chín ngày đêm, say sưa tửu sắc cùng các nịnh thần.
Vương Diễn còn ra lệnh xây hoàng cung như tiên cảnh, hao phí sức người sức của. Nhà vua không chăm lo việc triều chính, để cuộc sống người dân lầm than. Bức tranh thể hiện sự mệt mỏi, chua xót và bất lực của các mỹ nữ trong cung.
Tứ mỹ nhân là tác phẩm tiêu biểu cho phong cách hội họa của Đường Bá Hổ. Bốn nhân vật vóc dáng cân đối, vai suôn, mày liễu. Các cung nữ đứng so le, đầu hơi nghiêng, màu sắc trang phục biến hóa đậm nhạt, tạo sự sinh động dù bố cục đơn giản.
Theo Sina, Đường Bá Hổ chọn đề tài phụ nữ trong cung để thể hiện sự đồng cảm của ông với thân phận yếu ớt trong xã hội. Họa sĩ tên Đường Dần, tự Bá Hổ, là nhân vật văn hóa kiệt xuất trong lịch sử Trung Quốc. Ông quê ở Tô Châu, bộc lộ tư chất thông minh từ nhỏ. Năm 16 tuổi, Đường Bá Hổ thi đỗ tú tài với điểm cao nhất, vang danh khắp Tô Châu. Từ sau 20 tuổi, cuộc đời Đường Bá Hổ nhiều lận đận.
Năm 25 tuổi, cha mẹ, vợ và em gái Đường Bá Hổ lần lượt qua đời. Nhờ được bạn thân Chúc Chi Sơn khích lệ, Bá Hổ dồn tâm huyết dùi mài kinh sử. Nhưng kết thúc kỳ thi, Đường Bá Hổ bị tố cáo gian lận thi cử, bị tống giam. Sau hơn một năm ngồi tù, Bá Hổ được thả nhưng thanh danh hoen ố, con đường khoa cử, làm quan chấm dứt.
Vết nhơ ngồi tù khiến Đường Bá Hổ biến thành con người khác. Ông sa ngã, phóng túng, thường tới lầu xanh, kỹ viện, rượu chè bê tha. Đường Bá Hổ từng cùng một số bạn thân - trong đó có Chúc Chi Sơn - đóng giả ăn mày, tiền thu được đều dùng uống rượu.
Năm 35 tuổi, Đường Bá Hổ gặp Thẩm Cửu Nương - kỹ nữ ở lầu xanh. Nàng giỏi thi họa, trân trọng tài năng của Đường Bá Hổ. Gặp được hồng nhan tri kỷ, ông tu chí làm lại từ đầu. Hai người dựng căn nhà, đặt tên là Đào Hoa Am. Đường Bá Hổ kiếm tiền nhờ bán tranh, thư pháp. Ông không còn coi trọng khoa cử, quyền thế và danh vọng, nhiều lần thể hiện sự chống đối thời cuộc, châm biếm xã hội qua các bài thơ, tranh vẽ. Năm 1512, Thẩm Cửu Nương qua đời do lao lực, bệnh tật. Từ đó, Đường Bá Hổ không nạp thê thiếp. Cuối đời, Đường Bá Hổ quy y cửa Phật. Họa sĩ qua đời trong cảnh nghèo túng.
Nghinh Xuân