Năm học 2012 - 2013, cháu trai nhà tôi học lớp một ở ngôi trường cách nhà khá xa, phải chạy xe cả tiếng đồng hồ mới tới nơi. Ngày nắng hay ngày mưa đi đón cháu, chúng tôi đền thấy cực.
Qua năm học 2013 -2014, tôi chuyển cho cháu về một trường học gần nhà, thời gian đến trường chưa đầy 15 phút. Việc đưa đón cho bé cũng thuận tiện và cháu có thêm nhiều thời gian nghỉ ngơi hơn.
Dù bé đã chuyển trường nhưng cô giáo chủ nhiệm cũ của cháu tên là Hằng vẫn thường xuyên thăm hỏi, động viên và khuyến khích bé học tâp. Thậm chí cô còn hướng dẫn học trò cũ cách khắc phục các môn học chưa tốt.
Hôm nay, đi làm về, tôi nhận được một bức thư của cô giáo Hằng gửi cho cháu. Sau khi cháu đọc xong, tôi cũng muốn gửi tới quý phụ huynh lời chia sẻ của một cô giáo có tâm và cũng là để hướng dẫn cho các bạn cách chỉ dạy con em mình cách khắc phục những môn học mà bé yếu.
"Bình Tân, ngày 15 tháng 12 năm 2013
Cô chào cậu học trò nhỏ bé!
Con khỏe chứ! Cô hỏi thăm mẹ và được biết con thi học kỳ một rồi, toán và anh văn tốt, còn Tiếng Việt với kết quả thì không hài lòng, đáng lo và làm cho mọi người buồn bã nữa đúng hôn con?
Không sao cả vì lần này đâu có tính, chỉ là lấy đà để chạy mà thôi, chưa về đến đích kia mà, lần này xem như đang chạy vô tình bị vấp, con té ngã, không sao mình đứng lên liền và cố sức chạy về đến đích một cách vinh quang vẫn còn kịp mà, không gì đáng lo cả.
Con cũng đừng buồn mà không còn tinh thần để học tiếp tục nữa, còn một lần thi thử sức nữa mà đó là thi giữa học kỳ hai. Đến cuối học kỳ hai mới tính kết quả. Nghĩa là thi ba lần đầu không tính, lần thứ bốn mới tính.
Như vậy con hiểu ý cô nói chưa, có nghĩa là mình bị yếu môn Tiếng Việt đúng không, mình phải xét xem tại sao? Tại chỗ nào? Mình có học đều môn chưa, hay chỉ tâp trung nhiều vào môn mình thích? Nếu vậy từ nay mình sẽ điều chỉnh cách học của mình lại.
Môn đã giỏi rồi thì quá tốt rồi, bây giờ mình giảm thời gian học ở những môn ấy một ít, còn môn năng khiếu đàn gì đó cũng giảm luôn, cô nói giảm bớt, chứ không có nghĩa là phải bỏ luôn nha con. Vì sau thời gian tập trung học mệt mỏi, căng thẳng thì mình giải trí cho bớt căng thẳng vậy mà.
Vì đánh giá kết quả đều môn, chứ giỏi hết mà có một môn yếu thì kết quả sẽ là yếu, nếu yếu thì phải thi lại cuối năm và hè sẽ rất khó khăn và cực khổ và bị mất tinh thần sẽ không thi được. Nhưng với mức của con đâu phải ở loại đó đâu, đúng không con? Nghĩa là ngay từ bây giờ con phải nỗ lực, hết sức tập trung vào môn mình yếu.
Tiếng Việt có nhiều phân môn, cách học để đạt được kết quả tốt sẽ là như sau:
Tập đọc: Con phải chuẩn bị bài trước khi cô dạy. Con sẽ đọc trước bài từ bốn đến năm lần lần đọc cho trôi chảy, diễn cảm, sau đó đọc các câu hỏi xem nội dung hỏi gì mình sẽ trả lời chỗ nào, đoạn nào ở bài tập đọc ?
Chính tả: Môn này rất quan trọng nhưng không khó. Vì bài viết con sẽ được biết trước vả lại nó nằm trong bài tập đọc nữa mà. Như vậy con sẽ đọc đi đọc lại năm đến sáu lần đoạn viết hay bài viết, sau đó gạch chân những tiếng, từ mà con thấy khó để viết sai bằng bút chì.
Sau đó, con thử viết ra nháp hay bảng con xem đúng chưa, nếu sai mình xem lại sai chỗ nào, âm đầu, vần, hay dấu thanh, sau đó rút kinh nghiệm viết lại cho đúng. Nếu có mẹ hay cha ở nhà thì nhờ đọc dùm, con viết, nếu còn sai sót nhiều thì buộc lòng con phải viết lại lần nữa để những chỗ sai sẽ đúng
Tập làm văn: Trước tiên xem chủ đề gì, những câu hỏi gợi mở, mình dựa vào hệ thống câu hỏi, trả lời có đầu, có đuôi, tròn câu, đủ ý người ta hỏi, cô thấy con có ý tưởng văn thơ hay, phong phú lắm mà.
Luyện từ và câu: Xem người ta yêu cầu mình làm gì? Đọc nội dung đó nhiều lần để mình mới trả lời được. Khi cô giáo giảng và chốt trọng tâm bài tại sao con không chú ý để rồi làm không được. Tại sao? Con là cậu học trò ngoan lắm kia mà, là đứa trẻ rất hiểu lý lẽ và sáng suốt lắm mà. Tại sao như vậy?
Kể chuyện và tập viết thì không cần tư duy gì cả, chỉ trực quan nghe và viết thôi, không thi.
Tất cả những điều cô nói trên, cô tin rằng con hiểu và làm được mà đúng không con. Cô sẽ theo dõi kết quả của con đấy nhé, cố lên, đừng để mọi người thất vọng vì mình nhé!
À quên nữa Tiếng Việt chữ viết cũng khá là quan trọng, con cố gắng viết đẹp nha!
Cô chào con!".
Thực sự, tôi đã rất cảm động khi đọc lá thư viết tay đầy bốn trang giấy học trò. Tôi đã làm rất nhiều lá thư, văn bản, báo cáo trên máy tính nhưng lâu lắm rồi, tôi mới nhìn thấy lại một lá thư viết tay, đặc biệt lại là lá thư của của cô giáo năm trước dành cho con tôi.
>> Xem thêm: Tâm thư của cô giáo gửi học trò mầm non ngày 20/11
Chia sẻ bài viết của bạn về vấn đề đời sống, xã hội tại đây.