Đền Thượng (hay còn gọi là chùa Hinh Sơn, chùa Tiên Sơn, chùa Quán Thánh...), nằm ở sườn phía đông núi An Hoạch (phường An Hoạch, TP Thanh Hóa). Ngôi đền nằm cheo leo giữa lưng chừng núi, lọt thỏm trong một vách đá rộng chừng 4m2. Tương truyền đền được Đô đốc Lê Trung Nghĩa (? - 1786) - viên quan sống dưới thời Lê Trung Hưng chỉ huy xây dựng khi ông làm quan Tổng trấn Thanh Hoa. Trên vách đá phía cửa tiền và cửa hậu của đền được chạm khắc rất nhiều tượng voi đá... ... ngựa đá và một số quan quản tượng hay giám mã. Đặc biệt, trong động có bức phù điêu rộng khoảng 2,5 mét, cao 1,5 mét khắc chân dung Quan Công, và nhiều nhân vật lịch sử nổi tiếng khác. Trải qua hàng trăm năm tồn tại với bao biến cố nhưng những nét chạm trổ trên bức phù điêu vẫn còn nguyên vẹn. Tượng thể hiện nghệ thuật chạm khắc điêu luyện, công phu của những thợ đá thời bấy giờ. Phía ngoài đỉnh động có bốn chữ Hán cổ “Thiên cổ Vĩ nhân”. Quanh đền còn có rất nhiều bài thơ, văn bia chữ Hán cổ chưa được giải mã. Trên một vách núi dựng đứng phía ngoài đền còn có một chữ “Thần” được khắc ở độ cao trên 30 mét. Ngay phía trên chữ Thần là một quả chuông đồng cổ. Các cụ cao niên quanh vùng cũng không biết nó được treo từ bao giờ và làm cách nào để có thể leo lên sườn núi dựng đứng treo quả chuông ấy. Chân dung Quận công Lê Trung Nghĩa với khuôn mặt quắc thước trong trang phục nhà binh cũng được tạc cạnh con đường lên đền. Ngoài ra, ở đây còn có nhiều tượng voi đá, ngựa đá, tượng phỗng... khá cổ. Ông Hà Huy Tâm, Trưởng phòng Văn hóa TP Thanh Hóa cho biết, đền Thượng nằm trong cụm di tích lịch sử núi An Hoạch, được công nhận di tích lịch sử cấp quốc gia năm 1992. “Những bức phù điêu và tượng đá ở đây vô cùng giá trị về mặt lịch sử và điêu khắc. Tuy nhiên, nhiều năm nay vấn đề bảo tồn đã bị bỏ ngỏ. Thành phố đang đẩy mạnh công tác quản lý, khẩn trương lập quy hoạch để xây dựng nơi đây thành khu du lịch trọng điểm trong thời gian tới”, ông Tâm nói. Lê Hoàng