Ulaanbaatar, thủ đô lạnh nhất thế giới, hồi tháng 1 ghi nhận vụ cả gia đình 6 người tử vong trong lúc ngủ do ngộ độc khí CO từ bếp than. Thảm kịch gây rúng động Mông Cổ, song những vụ ngạt khí CO chỉ là phần nhỏ so với lượng người thiệt mạng liên quan đến đốt than đá.
Mức độ ô nhiễm không khí ở Mông Cổ tăng vọt trong thập kỷ qua, không chỉ ở thủ đô Ulaanbaatar, mà đã ảnh hưởng đến nhiều tỉnh thành. Nhiệt độ ở đây những tháng mùa đông có thể xuống -28 độ C, khiến lò than tại các ngôi nhà, trường học, khu công nghiệp đỏ lửa suốt ngày đêm. Khoảng 70% năng lượng của Mông Cổ đến từ than đá.
Quốc gia 3,45 triệu dân này ước tính có 7.000 người tử vong trên toàn quốc trong mùa đông năm nay do ô nhiễm không khí, cả trong nhà lẫn ngoài trời. Các bệnh về hô hấp, ung thư gan, phổi, hen suyễn, cúm hoành hành. Phụ nữ nước này phải tính toán thời điểm mang thai tránh những tháng lạnh giá nhất, lúc tỷ lệ sảy thai, sinh non tăng vọt.
"Nếu con bạn liên tục đau ốm, hãy rời thủ đô. Đó là lời khuyên chúng tôi dành cho những người giàu nhất", bác sĩ Oyuchiney Aatsan ở viện nhi phía bắc Ulaanbaatar, nói.

Những túp lều ger chìm trong khói bụi ở ngoại thành Ulaanbaatar, thủ đô Mông Cổ. Ảnh: Guardian
Vào mùa đông, bệnh viện phải mở thêm 5 phòng chăm sóc đặc biệt cho trẻ bị viêm phổi. Tỷ lệ hen suyễn, viêm phế quản và bạch cầu cũng tăng cao mùa này.
"Các ca tử vong chủ yếu ở trẻ sơ sinh. Tỷ lệ sinh non, sảy thai rất tồi tệ trong mùa đông. Tôi cảm thấy tiếc. Chúng tôi có một đất nước xinh đẹp, rộng lớn, nhưng toàn bộ người dân đều chen chúc ở nơi nhỏ bé này. Con cái đau ốm liên miên", bác sĩ Aatsan tỏ lo ngại.
Biến đổi khí hậu làm trầm trọng thêm tình hình. Mông Cổ ghi nhận những mùa đông lạnh giá bất thường, còn gọi là dzud, gần như hàng năm kể từ năm 2019. Trước đây, dzud chỉ xuất hiện 1-2 lần trong một thập kỷ.
Mùa dzud năm 2024 đã tiêu diệt gần 1/6 đàn gia súc của Mông Cổ, đẩy nhiều gia đình du mục, sống ở thảo nguyên tìm đến các thành phố tìm việc làm, tìm trường cho con trong thời gian tuyết rơi dày.
Do thiếu nhà ở tại Ulaanbaatar, người dân phải dựng ger, những chiếc lều tròn màu trắng phủ vải nỉ. Những túp lều này không có đường ống nước. Giữa lều có một lò trung tâm nối với ống khói để đốt than nấu nướng, sưởi ấm. Nhà vệ sinh là hố đào bên ngoài.
Hơn 50% dân số Mông Cổ sống trong các ger. Đến nay, lượng dân dựng ger ở Ulaanbaatar đạt 800.000 người, chiếm 1/2 dân số thành phố. Khoảng 196.000 ống khói gia đình thải khói than vào thành phố. Mỗi hộ đốt trung bình 23 kg than đá mỗi ngày vào mùa đông.

Hơi từ các đường ống ngầm hòa cùng khói xe cộ, khói than tạo màn sương dày đặc ở Ulaanbaatar, thủ đô Mông Cổ. Ảnh: Guardian
Tại văn phòng trên tầng 5 của cơ quan đo lường Mông Cổ, ông Unurbat Dory là người duy nhất thu thập dữ liệu về mức độ ô nhiễm không khí của quốc gia.
Ông giám sát 43 trạm chất lượng không khí và 19 trạm tự động xung quanh Ulaanbaatar, nơi đo nồng độ 6 loại khí độc hại.
"Số liệu mới nhất cho thấy 55-56% không khí ô nhiễm đến từ các khu ger, giao thông gây ra 28-29%, phần còn lại là các nhà máy điện", ông nói. "Nhìn chung, số liệu cho thấy mức ô nhiễm ở Ulaanbaatar cao hơn tiêu chuẩn an toàn 12-13 lần, không kể những ngày tồi tệ".
"Nếu xét dữ liệu trung bình năm, không khí ở Mông Cổ không tệ thế. Thời điểm ô nhiễm nhất là từ giữa tháng 11 đến giữa tháng 2. Trời càng lạnh, không khí sẽ càng tệ do người dân tăng đốt than sưởi ấm", ông Dory giải thích thêm.
Nghị sĩ, bác sĩ chuyên khoa ung thư Jigjidsuren Chinburen tại phiên điều trần quốc hội hồi tháng 2 cho biết Mông Cổ thiếu kế hoạch ứng phó tầm cỡ quốc gia với vấn đề này. Ông lập luận có quá nhiều người đang kiếm tiền nhờ sản xuất, bán than, bếp lò.
Giới quan sát cho biết quá trình thay đổi cần quyết liệt, triệt để do những biện pháp tạm thời tỏ ra không hiệu quả. Liên Hợp Quốc từng thúc đẩy dự án thay thế bếp than trong lều ger ở Mông Cổ thành bếp điện, nhưng đang bị đình trệ do giá điện tăng.

Byambauren Gansukh bên ngoài lều ở Ulaanbaatar, thủ đô Mông Cổ. Ảnh: Guardian
Bên trong một túp lều ger, Byambauren Gansukh, có 6 con gái, cho biết đã rút phích lò sưởi điện được cấp miễn phí để đốt lại bếp than.
"Giá điện đã tăng gấp đôi", cô nhún vai. "Họ còn lấy đi thiết bị báo động khí CO khi cấp bếp điện cho gia đình tôi".
Bước ra khỏi túp lều ấm áp giữa không khí giá lạnh, Gansukh chỉ về phía những bao than đá chất bên cạnh. Than được các xe tải giao hàng liên tục chạy khắp thành phố mang đến.
Gansukh hiểu mối liên hệ giữa than đá và tình trạng đau ốm liên miên của các con, nhưng cô nói không còn cách nào khác.
Gần đó là lều của Batbold Vandan. Anh tìm đến thủ đô hồi tháng 10/2024, sau khi mất cả đàn gia súc vào mùa đông trước đó. Anh hiện làm công nhân trong trường học, xúc than cấp nhiên liệu cho lò hơi của trường, tiêu thụ khoảng 30 bao than 25 kg mỗi ngày.
"Chuyển đến đây là một quyết định khó khăn. Tôi tìm việc khá dễ, nhưng không ngờ ô nhiễm ở đây tồi tệ đến vậy. Bầu không khí ở nông thôn tốt hơn nhiều, đó là nơi tôi muốn sống", Vandan nói.
Đức Trung (Theo Guardian, AP, AFP)