Đào Anh, tên khai sinh Đào Tuấn Anh, từ nhỏ đã cảm nhận được sự khác thường, bị thu hút bởi đồ chơi búp bê, múa hát, làm điệu, nuôi tóc dài. Mẹ Anh đưa con đi khám nội tiết, tiêm hormone nam. Anh dậy thì, trải qua những cảm xúc chán ghét và bực bội mỗi khi nhìn cơ thể. Ria mép mọc nhú, Anh lấy dao cạo đi, thậm chí muốn tấn công tất cả bộ phận nam giới trên cơ thể.
Trong bữa cơm, bố mẹ đem vấn đề giới tính ra tranh luận, Anh chống đối bằng cách bỏ bữa hoặc ăn ít, nhanh rồi trốn vào phòng. Lâu dần, Anh sống thu mình, luôn cảm thấy bức bối, lạc lõng, tự hành hạ bản thân bằng việc bứt tóc, nhịn ăn, và nhốt mình trong căn phòng tối.
Đào Anh là một trong những người chuyển giới trải qua khoảng thời gian bức bối, với những cảm xúc căng thẳng, đau khổ và khó chịu khi bản dạng giới (cảm nhận của một người về giới mình thuộc về) không tương thích với giới tính sinh học (được xác định dựa vào cơ quan sinh dục). Báo cáo nghiên cứu về Hiện trạng trải nghiệm y tế và nhu cầu chuyển đổi giới tính của người chuyển giới Việt Nam (iSEE, năm 2018) chỉ ra mức độ thường xuyên trải nghiệm phiền muộn giới (cách gọi khác của bức bối giới) ở nhóm chuyển giới nam (FTM) là gần 94% và nhóm chuyển giới nữ (MTF) là 68%.
Bức bối giới kết hợp với thiếu sự hỗ trợ từ xã hội có thể gây đau khổ tinh thần và những vấn đề khác. Người mắc có thể bị trầm cảm, lo lắng, lạm dụng chất gây nghiện, tự hại bản thân, thậm chí tự sát. Trong một nghiên cứu, hơn 48% người tham gia mắc phải bức bối giới đã từng có ý định tự tử và gần 24% từng cố gắng tự tử ít nhất một lần.
Người chuyển giới dùng hormone có sự quản lý của bác sĩ thì ít nguy cơ, dùng không đúng liều lượng sẽ gây ra các bệnh lý liên quan đến hệ nội tiết, tăng nguy cơ khởi phát các vấn đề tâm thần.
Chuyên gia Đặng Khánh An, giám đốc phòng tâm lý Touching Soul Center, người có nhiều kinh nghiệm làm việc với cộng đồng LGBT, nhận định hầu hết người chuyển giới đều trải qua bức bối giới. Đó là cảm giác sai trái khi nhìn cơ thể mình, một số người căng thẳng hơn đến mức ghê sợ, có hành vi tấn công cơ thể.
Sự không hòa hợp giữa cảm nhận bên trong não bộ và cơ thể tạo nên bức bối giới. Những đứa trẻ chuyển giới khi sinh ra không có ý thức quá nhiều về giới tính. Qua thời gian, chúng hình thành ý niệm về giới và có xu hướng chọn lọc giới nào gần hơn để học tập về mặt hành vi.
Ví dụ, đứa trẻ nam nhưng thích làm điệu, phụ huynh, giáo viên sẽ coi là hành vi lệch chuẩn trên khuôn mẫu giới này nên uốn nắn thông qua hình phạt. "Điều này làm đứa trẻ sợ và chúng có xu hướng thu hành vi đó lại, nhưng bản dạng giới bên trong không thay đổi, từ đó chúng bước vào giai đoạn bức bối giới", chuyên gia nói, thêm rằng giai đoạn dậy thì là thời điểm bức bối giới bùng nổ.
Không chỉ bức bối về mặt cơ thể, người chuyển giới còn bức bối xã hội, khi không được công nhận và bị phân biệt đối xử. Hiện Việt Nam ước tính có trên 400.000 người chuyển giới. Do các rào cản về xã hội, văn hóa và pháp lý, những người này dễ bị phân biệt đối xử và bị tổn thương.
Nghiên cứu về cộng đồng người chuyển giới nữ do Tổ chức CARMAH và Đại học Pittsburg (Mỹ) thực hiện ở TP HCM cho thấy 45% bị từ chối việc làm do phân biệt đối xử. Trong 4% người được hỏi có việc làm, 13% kiếm sống bằng nghề mại dâm, 83% người được hỏi chia sẻ là bị cộng đồng chế giễu. Vấn đề bị phân biệt đối xử càng làm căng thẳng thêm những bức bối tinh thần của người chuyển giới, khiến họ có hành vi tự hại, tự sát, trầm cảm, rối loạn lo âu, mâu thuẫn gia đình.
Ông An cho rằng, trước kia, khi Internet chưa phát triển, nhiều người chuyển giới trải qua giai đoạn dậy thì mới hiểu được bản thân là ai. Hiện, nhóm này ngày càng được tiếp cận thông tin nhiều hơn, bức bối giới về mặt cơ thể sinh học giảm vì họ được can thiệp từ sớm bằng cách sử dụng hormone. Dù vậy, đa số vẫn trải qua căng thẳng về mặt cơ thể và cả stress từ phía gia đình.
"Giải pháp tốt nhất là bố mẹ cần có sự cảm thông và đồng hành cùng con. Việc chối bỏ sẽ làm xa cách mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái, từ đó, con cái có nguy cơ dễ sa đà vào các tệ nạn xã hội, đặc biệt là các mối nguy hại về bệnh truyền nhiễm lây qua đường tình dục", ông An nói, thêm rằng cộng đồng LGBT cần mạnh mẽ đấu tranh để thay đổi các định kiến, tự nâng cao năng lực của bản thân.
Theo ông An, Việt Nam đã xem xét thông qua dự luật cho phép thay đổi giới tính bằng cách sử dụng hormone cùng các liệu pháp bổ trợ, học cách cảm lý quản xúc có lộ trình. Tuy nhiên, việc thực thi chưa đi vào thực tế, đa số người chuyển giới gặp khó khăn trong việc tiếp cận những dịch vụ hỗ trợ bức bối giới.
Hiện, chỉ có các đơn vị nhỏ lẻ là môi trường tư nhân, tiếp nhận thân chủ mong muốn giải quyết các vấn đề bức bối giới nói riêng và vấn đề tâm lý người chuyển giới nói chung. Tại TP HCM cũng có một số cộng đồng để người LGBT chia sẻ.
Thúy Quỳnh - Nguyễn Huyền