Người lạ đó là Nandu một nhiếp ảnh gia mới vào nghề. Cầm chiếc máy ảnh thuê trên tay, anh rong ruổi nhiều nơi để tìm những nhân vật thú vị.
Một ngày nọ, Nandu nhìn thấy một người đàn ông bơi thuyền đang nhặt thứ gì đó trên hồ Vembanad, ở Kerala. Khi thuyền đến gần bờ, những người khác ném chai lọ về phía ông ta. Nandu chụp bức ảnh ông lão, hỏi những người xung quanh và biết người đàn ông trên thuyền là NS Rajappan, từ bé đã không thể đi lại, sống trong một túp lều rách ven hồ, dựa vào sự giúp đỡ của gia đình chị gái.
Ông Rajappan đã nhặt chai nhựa trên hồ Vembanad đã hơn 5 năm. Sau một ngày dài lao động, ông đổi số nhựa lấy 0,17 USD (khoảng 5 nghìn đồng). Số tiền tuy ít nhưng Rajappan vẫn làm bởi nghĩ "nên có người nào đó dọn dẹp rác thải cho hồ nước".
Nandu đến gặp, đưa bức ảnh cho Rajappan nhưng ông chỉ mỉm cười. Chàng trai đăng bức ảnh, video về cuộc sống của ông lão lên mạng xã hội. Không lâu sau, câu chuyện về Rajappan bỗng trở nên nổi tiếng, như một bài học sống quý giá cho mọi người. Người đàn ông khiếm khuyết còn được báo chí địa phương săn đón.
Thậm chí, Thủ tướng Narendra Modi đã khen ngợi nỗ lực chung tay giữ hồ nước sạch rác của Rajappan.
"Tôi đã xem bản tin ở Karala - nhắc chúng tôi về trách nhiệm của mình. Ông lão NS Rajappan không thể đi lại nhưng vẫn một lòng muốn giữ cho dòng sông sạch rác thải", Thủ tướng nói trong một bài phát biểu trên truyền hình.
Đầu năm nay, Giám đốc Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP) Erik Solheim cũng chia sẻ một đoạn video ngắn về ông Rajappan trên mạng xã hội, cùng với yêu cầu "chúng ta nên làm cho ông ấy nổi tiếng".
Các mạnh thường quân dành cho ông Rajappan nhiều hỗ trợ vật chất. Một người tặng ông chiếc thuyền máy mới, những người khác muốn xây nhà, tặng ông chiếc xe lăn có động cơ.
Rajappan đã trở thành người bạn lớn của Nandu. Nụ cười của ông lão và hạnh phúc bất ngờ anh mang đến cho ông, giúp Nandu có thêm động lực theo đuổi đam mê.
Nhật Minh (theo Brightside/indiatimes/thehindu)