Nhiếp ảnh gia Jayaprakash Joghee Bojan ghi lại khoảnh khắc đười ươi ngâm mình dưới nước và nép sát vào thân cây ở Công viên Quốc gia Tanjung Putting, Indonesia, National Geographic hôm 12/12 đưa tin.
Nhiều người xem bức ảnh vô cùng ngạc nhiên vì đười ươi vốn là loài vật rất kỵ nước, nhất là trong môi trường có thể xuất hiện cá sấu như vậy.
Bojan chụp bức ảnh vào một buổi sáng tháng 8. Khi đó, anh đang ở một khu vực khác trong công viên thì nghe kể về con đười ươi sống cách đó khoảng 64 km thỉnh thoảng vượt sông Sekonyer.
Bojan biết hành vi này rất kỳ lạ vì đười ươi thường tránh nước, cánh tay dài của chúng phù hợp với việc di chuyển trên những ngọn cây hơn. Anh dùng thuyền đi đến khúc sông để tìm hiểu và chụp ảnh.
Hôm đầu tiên Bojan không gặp may. Tuy nhiên vào sáng hôm sau, một kiểm lâm đi ngang qua và cho biết mình vừa trông thấy một con đười ươi cách đó không xa.
Bojan ngay lập tức di chuyển đến địa điểm mới. Khi phát hiện con đười ươi, anh giữ thuyền ở khoảng cách vừa phải để không làm con vật hoảng sợ rồi cẩn thận bước xuống nước để chụp ảnh.
Có thể việc môi trường sống ngày càng bị thu hẹp do con người chặt phá rừng để trồng cây cọ dầu đã buộc đười ươi phải đến những khu vực trước đây thường tránh. Nét mặt đầy thận trọng của con vật và tư thế nép mình sau gốc cây một cách e dè khiến người xem phần nào hình dung được những mối nguy hiểm nó phải đối mặt.
Hoạt động chặt rừng để trồng cọ ở Indonesia khiến môi trường sống của đười ươi bị thu hẹp và chúng tiếp cận con người ngày càng gần hơn. Đười ươi quá đói có thể ăn những cây cọ dầu non, khiến chúng bị con người coi là sinh vật gây hại và tiêu diệt. Một số đười ươi, đặc biệt là những con non mồ côi bố mẹ, có thể bị săn trộm và đem bán.
Những nguy cơ này ảnh hưởng nghiêm trọng đến đười ươi, loài vật sống tách biệt, phát triển chậm và con cái chỉ sinh sản 8 năm một lần. Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUCN) dự đoán đến năm 2025, số lượng đười ươi sẽ giảm 82% chỉ trong 75 năm.
Bojan hiểu rằng sản xuất dầu cọ đem lại nhiều việc làm cho người dân và giúp tăng trưởng kinh tế, nhưng anh cũng rất thông cảm với đười ươi. "Thật dễ thông cảm với chúng vì tôi thấy chúng rất 'con người', từ vẻ ngoài đến hành động, chúng có khuôn mặt hiền lành và trái tim giàu cảm xúc", anh chia sẻ.
Bức ảnh ghi lại khoảnh khắc đười ươi nép mình sau gốc cây để sang sông của Bojan giành giải cao nhất trong cuộc thi về ảnh thiên nhiên trên National Geographic năm 2017.
Anh dự định quyên góp một phần số tiền nhận được từ giải thưởng cho Green Team, nhóm dự án bảo tồn thiên nhiên tại địa phương, và tham gia nhiều hơn vào công tác bảo tồn.
"Tôi rất phấn khích khi chiến thắng cuộc thi. Tôi cũng rất vui khi bức ảnh này đoạt giải, vì tôi nghĩ con đười ươi xứng đáng hơn mình", anh chia sẻ.
Thu Thảo