Khách có hai vị rất quan trọng: Yoshua Bengio, nhà sáng lập Viện nghiên cứu Mila và là một đối tác lâu năm của FPT, cùng Yann LeCun - giám đốc Khoa học AI của Meta. Họ là hai trong số ba người (cùng với Geoffrey Hinton) đoạt giải Turing năm 2018 - giải thưởng được ví như Nobel trong lĩnh vực khoa học máy tính, nhờ nghiên cứu về mạng lưới thần kinh - phần mềm máy học mô phỏng cách thức hoạt động của bộ não con người. Công trình này là một trong những tiến bộ lớn nhất của ngành khoa học công nghệ hiện đại và có ảnh hưởng lớn đến sự phát triển của AI.
Tôi, cùng một số lãnh đạo khác của FPT, được dự bữa trưa, hội ngộ những nhân vật kiệt xuất của nền công nghệ AI toàn cầu và những bộ óc sáng giá của Việt Nam như giáo sư Hồ Tú Bảo, tiến sĩ Christopher Nguyễn.
Ông Bình dẫn khách tham quan một vòng quanh ngôi nhà, thỉnh thoảng dừng lại để giải thích sự cân bằng âm dương thể hiện qua thiết kế. Ông chia sẻ về ngũ hành trong văn hóa Á Đông, khéo léo đan xen lịch sử, triết lý và những câu chuyện cá nhân. Từ căn biệt thự nhìn ra Hồ Tây, Yoshua nhận xét: "Thật sự là một nơi mang đến sự cân bằng". "Và cân bằng", ông Bình đáp, "là điều tôi luôn cố gắng đạt được, dù mất cả đời".
Bữa trưa dần trở nên sôi nổi và gần gũi trong tiếng chạm ly và cuộc trò chuyện đan xen về rượu vang, phim ảnh, và không thể thiếu AI. Yoshua chia sẻ về bộ phim truyền hình yêu thích của mình, Years and Years. "Đây là bộ phim rất thú vị", ông nói với vẻ mặt hào hứng. "Nó khắc họa một tương lai bị ảnh hưởng sâu sắc bởi AI - cách nó thay đổi cuộc sống và xã hội. Ví dụ, một người làm nghề kế toán bị mất việc vì tự động hóa, một cô gái trẻ mơ ước tải ý thức của mình lên đám mây, và cả thế giới phải đối mặt với những vấn đề đạo đức...".
Yann bật cười chen ngang. "Ồ, lại có thêm một kịch bản AI ‘hủy diệt việc làm’. Để tôi đoán nhé, tiếp theo là AGI sẽ khống chế thế giới?", Yoshua, vẫn giữ tinh thần lạc quan vốn có về AI, mỉm cười. "Không hẳn. Nhưng đó là lời nhắc về tính hai mặt của AI: vừa có tiềm năng to lớn, vừa tiềm ẩn rủi ro".
Chủ tịch FPT, vừa lắng nghe câu chuyện, vừa loay hoay tìm gì đó, lên tiếng: "Nếu ngay bây giờ AI có thể giúp tôi nhớ ra mình đã để kính ở đâu, thì tôi hoàn toàn ủng hộ ‘nó’". Tiếng cười một lần nữa rộ lên.
Chủ đề về AI không dừng lại ở sự đùa vui mà dần đi tới những tranh luận bản chất. Yoshua lập luận về sự cần thiết phải đảm bảo AI luôn an toàn và phù hợp với các giá trị của con người. "Dù AI chưa đạt đến trí thông minh nhân loại", ông nói, "chúng ta cần bắt đầu nghĩ về rủi ro từ bây giờ". Yann, với quan điểm thực tế, đáp lại. "AI sẽ không mất kiểm soát sớm đâu. Khoảng cách giữa khả năng của AI và não người còn rất lớn. Hãy nhìn vào hiệu suất năng lượng - não người tiêu tốn rất ít so với AI".
"Nhưng còn AGI thì sao?", Yoshua nhướng mày. "Chúng ta cần chuẩn bị trước khi Yann tạo ra nó".
Chúng tôi lại cười, tất cả đều thích thú với sự đối đáp giữa hai nhà tiên phong trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo.
Khi bữa ăn gần kết thúc, Chủ tịch Trương Gia Bình cầm trên tay ly rươu vang, đề nghị: "Hãy cùng nâng ly cho sự khôn ngoan - trong rượu và trong cuộc sống". "Giống như rượu vang", Yoshua nói, "AI cần thời gian và sự chăm chút để đạt được điều tuyệt vời". "Và cũng giống như rượu vang", Yann tiếp lời, "nó cần phải thiết thực và được tận hưởng trong hiện tại".
Một bữa trưa mở ra nhiều suy nghĩ, khi những nhà khoa học được coi là "cha đỡ đầu của AI" đã đặt lên bàn tiệc nhiều góc nhìn và cả những hình dung, dù còn mơ hồ, về triển vọng và rủi ro của AI. Dù khả năng "AI vượt ngoài tầm kiểm soát của con người" có thể rất nhỏ, như Yann phân tích, nó vẫn không bằng không. Yoshua cũng từng nhấn mạnh, nếu rủi ro này lớn hơn 0, nó vẫn xứng đáng là chủ đề mà con người cần quan tâm và chủ động đối phó. Còn ông Trương Gia Bình dự báo, khi thế giới còn chiến tranh thì sẽ có vũ khí AI và đó là mối đe dọa nghiêm trọng nhất đối với nhân loại, nhất là khi kết hợp với chiến tranh hạt nhân, chiến tranh sinh học. Vì thế, việc VINASA mới đây thành lập Uỷ ban Đạo đức AI, mà FPT là một trong các thành viên, là bước đầu tiên của Việt Nam vì mục tiêu một thế giới phát triển bền vững.
Trên thế giới, các tổ chức, các quốc gia cũng đang tiến hành nhiều công việc để không chỉ phát huy triển vọng mà còn chủ động phòng ngừa những nguy cơ tiềm ẩn từ khả năng lạm dụng AI vào các mục đích xấu. Tuy nhiên, chưa có gì đảm bảo mọi rủi ro được quản lý triệt để. Việc liên tục tìm kiếm các phương thức mới, hiệu quả hơn là điều đúng đắn.
Hướng tiếp cận của Yann, tập trung vào việc phát triển các cấu trúc mới giúp AI hiểu biết thế giới và hướng đi của Yoshua, tập trung vào kiểm soát AI khi nó trở nên thông minh hơn, thoạt nhìn có vẻ mâu thuẫn, nhưng thực chất lại bổ sung lẫn nhau. Hơn cả những khác biệt, tôi nhận ra giá trị lớn nhất của cộng đồng khoa học chính là sự sẵn lòng đối mặt và tôn trọng các ý kiến trái chiều.
Những cuộc hội ngộ như vậy của các nhà khoa học lớn trên thế giới sẽ tạo cơ hội hướng mọi đóng góp quan trọng vào mục tiêu chung: sử dụng AI để nâng cao chất lượng cuộc sống và mang lại lợi ích cho nhân loại.
Nguyễn Xuân Phong