Có con gái đang học lớp 4 tại Melbourne, Australia, chị Ly (39 tuổi) phải thường xuyên chuẩn bị bữa trưa cho con do nhà trường không tổ chức ăn bán trú. Chị cũng như nhiều phụ huynh bản xứ thường chuẩn bị bánh mì kẹp làm món chính, cùng với đó là chút bánh quy, snack, trái cây, sữa hoặc sữa chua.
"Tôi ít khi chuẩn bị những món cần ăn nóng như cơm hay mì vì trường không có thiết bị hâm nóng thức ăn. Hơn nữa, tôi cũng không có nhiều thời gian để nấu nướng vào các buổi sáng", chị Ly nói.d
Khi được hỏi liệu suất ăn do gia đình chuẩn bị có đảm bảo dinh dưỡng, chị Ly không chắc chắn nhưng nghĩ con thích thú và cũng đủ để hoạt động ở trường mà không lo bị đói.
ABC News Australia hồi tháng 2 đến thăm một trường học ở Broadmeadows - một trong những vùng ngoại ô nghèo nhất và một trường ở Brighton - vùng ngoại ô giàu có của Melbourne để xem phụ huynh đặt gì vào hộp đồ ăn trưa của con.
Tại Broadmeadows, thu nhập trung bình hàng tuần theo hộ gia đình là 900 đôla (thấp hơn mức trung bình của cả nước 540 đôla). Hộp đồ ăn trưa của một học sinh gồm một bánh sandwich bơ và giăm bông, một gói snack khoai tây gà, bánh quy chocchip, một hộp nước táo cùng một ít dưa hấu. Một học sinh khác mang theo bánh mì tròn có vừng và phô mai, một gói snack khoai tây và một hộp nước trái cây. Một em khác chỉ mang theo hai gói bánh quy.
Ở Brighton, nơi thu nhập trung bình mỗi tuần của hộ gia đình cao hơn cả nước gần 1.000 đôla, một suất ăn trưa gồm pizza cuộn giăm bông, bốn miếng bánh quy, một ít cà rốt, cà chua bi và hai miếng táo. Một suất khác có sandwich quệt phô mai và vegenite (loại bơ đặc biệt của Australia màu nâu đen, vị mặn, mùi hăng hắc), một gói snack bắp muối, một thanh chocolate và một quả táo.
Nhìn chung, không có nhiều khác biệt giữa suất ăn trưa do gia đình ở vùng ngoại ô giàu có và nghèo khó chuẩn bị cho con. Món chính thường là bánh mì trắng kẹp giăm bông, phết vegemite hay nutella (bơ có thành phần từ mứt hạt phỉ và chocolate ngọt). Ngoài ra, phụ huynh cả hai nơi thường chuẩn bị những món đồ đóng gói mua ở cửa hàng cùng một ít trái cây.
Chuyên gia dinh dưỡng trẻ em Mandy Sacher nhận ra một chút khác biệt là bữa trưa cho trẻ ở khu vực giàu có xu hướng ít đường hơn, nhưng phụ huynh sử dụng quá nhiều thực phẩm đóng gói. Điều này khiến chi phí bữa trưa đắt đỏ hơn mà vẫn không đáp ứng được khẩu phần theo khuyến nghị.
Bà Mandy Sacher phân tích với món chính là bánh mì (sandwich) phết bơ vegemite hay nutella, trẻ không được cung cấp chất bổ dưỡng nào. "Vấn đề lớn nhất khi nhìn vào các hộp đồ ăn là lượng carbonhydrates tinh chế và đường quá nhiều (những thứ không tốt cho sức khỏe). Chỉ với bơ nutella hoặc vegemite, trẻ sẽ không nhận được chút protein nào trong những chiếc bánh sandwich đó", bà Mandy nói.
Theo chuyên gia dinh dưỡng này, thay vì thức ăn đóng gói, những bữa trưa tự làm sẽ mang lại lợi ích về sức khỏe cho trẻ hơn. Hiện, trẻ em thường gặp những vấn đề như rối loạn tăng động giảm chú ý (ADHD), hiếu động hay không thể tập trung khi ở trường. Bà Mandy khẳng định nếu phụ huynh bắt đầu thay đổi thói quen chuẩn bị bữa trưa cho con, họ có thể thấy sự khác biệt.
Phân tích của bà Mandy Sacher cho thấy nếu bố mẹ không để tâm đến việc chuẩn bị đồ ăn cho con, con sẽ có bữa ăn không đảm bảo dinh dưỡng.
Tại Italy, một cuộc tranh cãi về việc nên để nhà trường hay bố mẹ chuẩn bị bữa trưa cho con cũng nổ ra. Theo một bài đăng trên Mirror ngày 30/9, chuyên gia dinh dưỡng Judy More nhận định việc cho trẻ mang đồ ăn từ nhà có một số lợi ích. Ví dụ, trẻ không lo đối mặt với những đồ khiến chúng dị ứng hay sợ mùi.
Ủng hộ các gia đình chuẩn bị đồ ăn trưa, bà Judy cũng chỉ ra thực tế những bữa trưa thiếu dinh dưỡng đang xuất hiện trong trường học. "Một số trẻ mang đến trường những bữa trưa nghèo nàn, thường là đồ ăn nhẹ. Trong khi đó, nhiều loại thực phẩm và đồ ăn nhẹ có chất lượng dinh dưỡng kém", bà nói.
Có hai con (15 và 11 tuổi), chị Amy Binns, giảng viên đại học, thừa nhận phải vật lộn để chuẩn bị bữa trưa cho con. Chị cố gắng để con ăn rau quả mỗi ngày nhưng gần như chỉ quanh quẩn cà rốt, đậu Hà Lan đông lạnh và lát táo. Bữa trưa thường gồm sandwich, bánh quy, phô mai, nho khô hoặc lát táo cùng chút bánh quy. Chị Amy đánh giá nó đầy đủ dinh dưỡng nhưng lại không đa dạng.
"Nếu con ăn trưa ở trường, chúng sẽ được cung cấp món khai vị, món chính có protein và sau đó là trái cây. Con cũng sẽ học được cách thử những món ăn mới", chị Amy nói và ủng hộ các trường chuẩn bị bữa trưa cho con.
Một bài viết trên New Food vào tháng 8/2017 dẫn nghiên cứu độc lập của Tetra Pak cho thấy hơn 1/3 trong số 1.000 phụ huynh có con học tiểu học ở Vương quốc Anh thừa nhận cảm thấy tội lỗi khi không cung cấp một hộp cơm trưa đủ dinh dưỡng cho con. Hơn một nửa nói rằng con quyết định thức ăn và đồ uống nào được đưa vào hộp cơm trưa.