Lãnh đạo các ngân hàng hàng đầu đã có cuộc làm việc với chính phủ Mỹ nhằm xây dựng kế hoạch tiếp cận vốn vay, ứng cứu cho nền kinh tế. Chính phủ các nước châu Âu cũng dành ra 2.000 tỷ USD nhằm bảo vệ khối ngân hàng.
Động thái tích cực trên đây thổi luồng sinh khí mới cho thị trường chứng khoán Mỹ. Tất cả các cổ phiếu đều mở cửa với giá cao hơn nhiều phiên trước và cứ thế leo cao mà không quay đầu trở lại. Dow xuất phát với mức tăng hơn 400 điểm và đến giờ giao dịch buổi trưa, đã tái lập mốc 9.000 điểm vừa đánh mất tuần trước. Biên độ 11% vào lúc kết phiên được xem là mạnh nhất trong 75 năm qua. Mức tăng tuyệt đối - 936 điểm là kỷ lục chưa bao giờ xuất hiện trên phố Wall.
Tăng mạnh nhất là General Motor, hãng đang tính chuyện sáp nhập Chrysler, với mức đi lên 33%. Một số cái tên đình đám khác cũng tăng điểm là Alcoa lên 22,8%, Chevron lên 21%, Microsoft lên 18,6%, và American Express lên 18%.
Đà hứng khởi kéo dài cho đến lúc đóng cửa. Đúng lúc chuông vang lên báo hiệu kết thúc phiên, các giao dịch viên bật dậy hò reo và nổ tràng pháo tay ăn mừng. Cả sàn chứng khoán New York như muốn vỡ tung.
Chỉ số công nghiệp Dow Jones tăng tới 936 điểm, tương đương 11,08%, đóng cửa tại 9.387,61 điểm. Nasdaq Composite lên thêm 11,81%, kết thúc ngày giao dịch ở mức 1.844,25 điểm. Chỉ số Standard & Poor 500 cao hơn phiên trước 11,58%, chốt tại 1.003,35 điểm. Khoảng 3.030 cổ phiếu tăng giá, trong khi chỉ 160 đi xuống. Giá trị vốn hóa thị trường tăng thêm 1.200 tỷ USD. Kết quả giao dịch đẹp như mơ sau 8 phiên xuống dốc khiến Dow Jones mất 2.400 điểm (tương đương 22%) và xóa sạch 2.400 tỷ USD khỏi tay các nhà đầu tư.
Cơn bão tăng điểm trên Wall Street hôm qua dường như đã xóa đi bao nỗi u buồn sau 8 phiên liên tiếp thị trường lao dốc thẳng đứng. Nhưng chưa ai có thể nói cuộc khủng hoảng tài chính đã chạm đáy, mọi điều tồi tệ đã qua.
Kết phiên, khối lượng giao dịch trên toàn sàn đạt 7,1 tỷ cổ phiếu, giảm đáng kể so với con số 11,2 tỷ cổ phiếu hôm thứ sáu tuần trước, cho thấy giới đầu tư còn khá thận trọng. "Màn hình máy tính của tôi xanh rực. Tôi thích điều đó, nhưng chưa muốn ra tay lúc này. Còn quá nhiều thách thức phía trước", John Lynch, chuyên gia phân tích thị trường của hãng Evergreen Investment (Mỹ) bình luận.
Mức lỗ của phố Wall tính theo giá trị sổ sách lên tới 2.400 tỷ đôla sau 8 ngày gần đây đã được giảm một nửa chỉ sau phiên hôm qua. Ảnh: cache.daylife.com. |
Đà hồi phục của thị trường nằm trong dự tính của giới đầu tư khi một số nội dung chi tiết của bản kết hoạch giải cứu thị trường trị giá 700 tỷ đôla vừa được công bố. Kế hoạch sẽ tập trung chủ yếu vào việc mua lại tài sản cầm cố tại các ngân hàng và cổ phiếu của một số tập đoàn tài chính. Các chuyên gia cho rằng, trong những ngày tới, giới đầu tư sẽ nhận được thêm nhiều thông tin cụ thể hơn nữa.
Tiếp theo cuộc họp của 15 nước châu Âu vào chủ nhật, các nhà lãnh đạo thế giới cũng nhóm họp nhằm tìm ra giải pháp bơm tiền cho các ngân hàng cũng như nới lỏng thị trường tín dụng để các nhà băng cho vay trở lại. Đặc biệt, Mỹ tuyên bố rót tiền không giới hạn vào 3 ngân hàng trung tâm để đảm bảo thanh khoản.
Sau khi lãnh đạo của 15 nền kinh tế hàng đầu châu Âu nhóm họp để tìm ra giải pháp cho cuộc khủng hoảng tín dụng, thị trường chứng khoán tại khu vực này đã có chuyển biến mạnh mẽ.
Tại Anh, thông tin Chính phủ sẽ bơm 63 tỷ đôla vào ba ngân hàng hàng đầu cùng diễn biến tại Mỹ đã giúp chỉ số FTSE nhảy vọt 8,6%. Chỉ số DAX của Đức và CAC 40 của Pháp cũng có chung niềm vui tăng điểm với số điểm cộng lần lượt là 11,4% và 11,18%.
Cổ phiếu tại châu Á, dù không được hỗ trợ nhiều từ diễn biến tại châu Âu và Mỹ nhưng cũng khởi sắc mạnh mẽ. Ngoại trừ Đài Loan mất 2,12%, giá cổ phiếu tại Hong Kong, Hàn Quốc, Trung Quốc... cùng hồi phục. Chỉ số KOSPI Composite của Hàn Quốc lên 3,79%. Chỉ số Shanghai Composite của Trung Quốc tiến bước 3,65%. Chỉ số Hang Seng của Hong Kong giữ vị trí quán quân khi leo một mạch 10,24%.
Xuân Hòa (Theo CNN, AP)