Chiều 24/1, ông Dũng, 67 tuổi, ở Thái Nguyên, bị ung thư hạch, cùng nhiều bệnh nhân khác được y bác sĩ hỗ trợ di chuyển từ phòng bệnh lên nhà ăn của bệnh viện. Trên tay ông đang gắn kim truyền, mang theo dây dợ bên mình.
"Mệt mỏi nhưng ai cũng muốn đến đây quây quần cùng nhau ăn bữa cơm, chúc nhau mau khỏe, vượt qua ung thư", ông Dũng nói. Từ tháng 5 năm ngoái, ông phát hiện bệnh và điều trị tại viện, nhiều lúc suy kiệt tưởng chết. Được các bác sĩ động viên, phân tích về bệnh, ông vững tâm trở lại, tin sẽ thắng bệnh.
Chị Hoa, quê Thanh Hóa, là người khiếm thị. Ba tháng trước, chị thường xuyên nôn ói, đau bụng, đi khám được chẩn đoán mắc ung thư tụy. Chiều nay, vừa kết thúc ca truyền hóa chất, còn mệt nhưng chị hào hứng khi được mẹ dắt tới nhà ăn. Mẹ chị Hoa hơn 70 tuổi là người nhà duy nhất được dự tiệc tất niên chỉ dành cho bệnh nhân ung thư, do phải chăm sóc hỗ trợ con gái.
"Tôi ung thư giai đoạn cuối, bác sĩ bảo không mổ được. Tôi không biết mình sẽ đón bao nhiêu cái Tết nữa nhưng đây là bữa cơm tất niên đặc biệt nhất của tôi", chị nói.
Còn ông Thành, 73 tuổi, ung thư tuyến tiền liệt, đeo cả ống xông dự tất niên. Cả đời đi dạy học, dự nhiều bữa tiệc, đây là bữa ăn khiến ông rưng rưng. "Y học phát triển, người bệnh có điều kiện điều trị bệnh tốt, nếu được chăm sóc tinh thần thì sẽ thêm động lực chiến thắng bệnh tật", ông Thành nói, thêm rằng mong tất cả người bệnh ung thư đều đón thêm thật nhiều năm mới.
Những bệnh nhân không đủ sức khỏe đến nhà ăn dự tất niên, các y bác sĩ mang thức ăn đến tận giường bệnh cho họ. Bữa cơm tất niên đậm vị miền Bắc, gồm bánh chưng, nem rán, gà luộc, thịt lợn nướng, canh khoai...
TS Đỗ Anh Tú, Phó Giám đốc chuyên môn Bệnh viện K, nói rằng theo truyền thống của người Việt, bữa cơm tất niên là lúc quây quần của mỗi gia đình cùng đón chờ thời khắc năm mới. Những bệnh nhân xa quê lại càng mong muốn trở về nhà đoàn tụ, sum họp cùng với người thân.
"Bữa ăn tất niên là tình cảm, tấm lòng của y bác sĩ đối với bệnh nhân. Khi người bệnh có tinh thần tốt thì tỷ lệ hồi phục, khỏi bệnh cao hơn người bi quan, yếu đuối", bác sĩ Tú chia sẻ.
Lê Nga