Kỷ niệm bữa cơm quê nghèo ấy đã theo tôi đi qua chiến tranh và theo suốt cuộc đời. Bây giờ tôi đã ngoài sáu mươi, cuộc sống đã thay đổi nhanh chóng, mọi nhu cầu trong cuộc sống đã tạm ổn định. Vậy mà những kỷ niệm ngày Tết ấy luôn ăn sâu vào trí nhớ của tôi.
Tôi đã từng đón sáu mươi cái Tết nhưng để lại trong tôi ấn tượng sâu sắc nhất vẫn là cái Tết năm tôi lên sáu tuổi - Tết Mậu Tuất.
Chỉ còn một tuần nữa là đến Tết, tôi háo hức mong thời gian trôi nhanh để được xem bà con hàng xóm mổ lợn và tát ao bắt cá đón Tết. Sau khi bố thắp hương tiễn ông Táo về trời, mẹ từ ngoài đồng về gánh một rau cải củ nặng oằn cả đòn. Mẹ đặt gánh xuống sân và bảo mấy anh em tôi xúm lại nhặt rau giúp mẹ.
Bố tôi nhìn gánh rau và mấy đứa con đang nhặt với nét mặt không vui rồi lắc đầu "Tết năm nay lại ăn cơm với dưa cải củ muối rồi".
Tôi lẽo đẽo theo mẹ ra chợ phiên chợ Tết. Người ta chen nhau vào hàng cá, hàng thịt, còn tôi lại chen vào mấy hàng pháo tép, pháo đại để xem họ mua bán và thử pháo nổ. Tôi cũng mua vội chục chiếc pháo tép với mấy hào mẹ cho trước lúc đi chợ. Khi ra đến cổng chợ, tôi đã thấy mẹ đừng chờ ở đó với một cái mủng úp mẹt, bên trong đựng ít bún tươi, với lọ mắm tôm, chai nước mắm, ít trầu cau, mấy quả cam còn cuống lá với bó chè xanh to đùng.
Cũng trong sáng 29 Tết ấy, bố cùng với các chú các bác trong làng chung nhau mổ một con lợn 30 cân của nhà bác Vân. Lợn vừa mổ xong, tôi cũng vừa về đến nhà. Bố vội vàng xin mọi người cho tôi chiếc bong bóng lợn - cái mà tôi ao ước cả mấy tháng trước đó. Tôi thích nhất có cái bong bóng lợn phơi khô, sau đó lấy cái lon sữa bịt lại làm trống đánh.
Con lợn làm xong đem chia đều mọi thứ cho 30 gia đình trong xóm. Chiều hôm đó, gia đình tôi liên hoan đón Tết bằng bún chan nước luộc lòng và chút xíu lòng được chia. Còn thịt, bố bảo để dành mai cúng ông bà rồi mới được ăn. Tôi bưng tô bún ăn ngon lành như chưa có một thứ gì ngon bằng tô bún ấy. Nhìn anh em chúng tôi cúi đầu, cúi cổ húp sùm sụp, mẹ ngoảnh mặt đi và lấy ống tay áo quệt nước mắt.
Những ngày Tết tiếp theo, chúng tôi được ăn những bát cơm trắng không độn sắn, độn khoai với dưa cải củ kho thịt. Tôi được biết năm ấy quê tôi bị lũ lớn nên lúa bị chết hết, vì vậy không có gạo và nếp để gói bánh chưng, bánh dày. Suốt cả năm đó, dân quê tôi phải ăn sắn, ăn khoai thay gạo. Gia đình tôi thuộc loại biết dành dụm nên mới có cơm gạo trắng ăn trong ba ngày Tết. Đêm ba mươi tôi chỉ thức được đến 21h vì hai mí mắt cứ nhíu cả lại. Tôi vội lấy pháo ra đốt. Nhưng rất may, mười chiếc chia đôi đốt năm chiếc nổ cả năm. Bố cười sung sướng và bảo "Năm mới nhà mình sẽ gặp may mắn lắm đây".
Sáng mùng một Tết, tôi diện bộ quần áo lành lặn nhất mà mình có rồi theo bố mẹ đi mừng tuổi bà nội và bà ngoại bằng những trái cau to và lá trầu tươi rói. Gần trưa, mẹ cho hai quả cam còn nguyên cuống và lá đi mừng tuổi thầy giáo. Vừa thấy lũ học trò chúng tôi đến, thầy và vợ ra tận ngoài cổng đón. Sau đó, thầy cô dọn bánh chưng ra bắt chúng tôi phải ăn mỗi đứa một lát, rồi mới cho về nhà. Cả lũ chúng tôi bẽn lẽn ngồi vào bàn gắp những miếng bánh chưng vừa dẻo, vừa thơm cho vào miệng nuốt đến đâu biết đến đó và cảm thấy hạnh phúc ngập tràn.
Tết Nhâm Tý năm 1972, trong chiến dịch đánh chiếm thành cổ Quảng Trị, chúng tôi đón giao thừa trong tiếng bom đạn inh tai và gặm những mẫu lương khô ít ỏi. Tôi lại nhớ về Tết Mậu Tuất - cái Tết đầu tiên tôi đã biết cảm nhận về sự nghèo đói. Lúc ấy, tôi cảm thấy thèm một bát bún chan nước luộc lòng hay bát cơm trắng ăn với dưa cải củ kho thịt lợn. Nghĩ đến quê hương và thương nhớ bố mẹ ở quê nghèo khó, chúng tôi không còn cảm thấy đói khát và mệt mỏi. Và tất cả chúng tôi đã bám trụ đến khi anh em đồng đội cứ lần lượt ngã xuống và trước khi nhắm mắt còn kịp trao lại mẫu lương khô cuối cùng cho người còn sống.
Cho đến bây giờ, chiến tranh đã lùi vào quá khứ và cuộc sống của chúng tôi đã ổn định. Sự nghèo đói và hy sinh mất mát vì bom đạn chiến tranh không còn, nhưng cứ đến ngày Tết, tôi lại bâng khuâng nhớ về những kỷ niệm về những ngày Tết xưa ấy. Tôi chợt càng thương cha thương mẹ, thương quê hương làng xóm ở cái vùng quê miền Trung đầy nắng gió. Tôi lại nhớ về những người đồng đội của mình đã vĩnh viễn nằm lại nơi mảnh đất Quảng Trị anh hùng. Tôi thầm nhủ với lòng mình hãy dành tất cả tình thương cho những người còn nghèo khó và hãy sống làm sao cho xứng với những người bạn, bởi họ đã trao lại cho mình miếng lương khô cuối cùng đón Tết trước khi anh dũng hy sinh.
Từ ngày 15/1 đến hết 1/3, độc giả VnExpress có thể tham gia cuộc thi "Tết và tuổi thơ" để chia sẻ những cảm xúc, kỷ niệm ngày Tết bé thơ đầm ấm bên gia đình. Độc giả bấm vào đây để tham gia. |
Phạm Văn Mão