Nếu người phương Tây không coi trọng bữa ăn gia đình, con cái trưởng thành đều ra ở riêng thì người Việt lại có thói quen cả nhà cùng nhau dùng bữa cơm tối. Đây là dịp để gia đình đoàn tụ sau một ngày sống xa nhau. Đồng thời, bữa cơm gia đình cũng giáo dục cho mỗi thành viên, đặc biệt là trẻ em, biết nhường nhịn, có miếng ngon cần chú ý để phần cho người khác, không dành lấy ăn hết; con cái nhìn vào cha mẹ đối xử, chăm chút từng miếng cơm, miếng cá cho ông bà mà học tập tính hiếu thảo...
Do vậy bữa cơm gia đình là cách giáo dục cụ thể, thiết thực, đời thường, về ý thức chia ngọt sẽ bùi, kính trên nhường dưới giữa các thành viên với nhau. Nhưng cuộc sống công nghiệp hiện nay khiến nhiều gia đình khá bận rộn, ít có cơ hội được ngồi bên nhau trong bữa cơm thân mật dù quy mô gia đình bây giờ ít hơn chứ không phải tứ đại đồng đường như ngày xưa. Thậm chí gia đình chỉ có vợ chồng và con cái nhưng rồi con cái thì mải đi học, đi chơi về lúc nào ăn lúc đó; người chồng bận công tác, chiều chiều lại tiếp khách ở các nhà hàng, quán nhậu... cứ thế không dễ gì cả nhà được ngồi bên mâm cơm.
Dường như bữa cơm gia đình ngày càng mất đi khiến cho nền tảng gia đình bị lung lay khi mà cha mẹ nói con cái không nghe lời, hạnh phúc giữa vợ chồng cũng dễ dàng đổ vỡ. Khi nền tảng không còn bền vững, hạnh phúc của gia đình chao đảo thì hệ quả tất yếu sẽ xảy đến. Trẻ em không nơi nương tựa, không người dạy bảo và chăm sóc sẽ sớm trở thành mối lo và cả sự bất an cho xã hội, cộng đồng. Điều này chúng ta dễ dàng nắm bắt qua các con số khi mà những vụ ly hôn của các cặp vợ chồng ngày càng nhiều, trẻ vị thành niên vi phạm pháp luật gia tăng,...
Thật ra bữa cơm gia đình đâu đòi hỏi cao lương mỹ vị, cũng chỉ là cơm canh, mắm muối nhưng đây lại chính là sợi dây vô hình gắn kết tình thân của các thành viên trong gia đình. Nếu ai từng đi công tác xa, ăn quán thường xuyên mới thấy sự ấm cúng, quý giá của bữa cơm gia đình hối hả, mau chóng trở về với tổ ấm riêng, bên mâm cơm ấm cúng để tận hưởng cảm giác bình yên, hạnh phúc.
Từ ngày 5/11 đến 4/12, độc giả có thể tham gia cuộc thi viết "Mái ấm trong tôi" do VnExpress và nhãn hàng Schneider Electric - Chuyên gia trong lĩnh vực quản lý năng lượng - phối hợp tổ chức.
Bài dự thi phải được thể hiện bằng tiếng Việt có dấu, dài 300 - 1.000 từ, chia sẻ về kỷ niệm ngọt ngào với ngôi nhà thân thương, những khoảnh khắc đáng nhớ bên gia đình hoặc ước mơ về một tổ ấm tương lai. Cuộc thi gồm một giải nhất - một iPad 3 trị giá 16 triệu đồng và 10 giải khuyến khích - mỗi giải là phiếu mua hàng siêu thị và sản phẩm Schneider Electric trị giá 2 triệu đồng. |
Trần Văn Huy