Hai tuần sau khi loạt phim truyền hình Breaking Bad kết thúc, nam diễn viên chính Bryan Cranston đã nhận được một email, người gởi là Anthony Hopkins - nam diễn viên từng bốn lần được đề cử Oscar và một lần chiến thắng với vai phản diện kinh điển trong The Silence of the Lambs (1991).
Thư viết: “Tôi vừa xem liền một mạch từ tập đầu tiên tới tập cuối cùng của Breaking Bad. Hai tuần liền chìm đắm trong phim và không thể dứt ra nổi. Tôi chưa bao giờ xem một thứ gì tuyệt vời đến như vậy (....) Màn nhập vai Walter White của ngài là thứ diễn xuất hoàn hảo nhất mà tôi từng xem. Trong làng giải trí này, tôi đã chứng kiến đủ thứ hào nhoáng phù phiếm tới mức mất đi hết niềm tin. Nhưng những gì ngài đã làm thực sự khó tin, đến mức sững sờ".
Lá thư theo dạng “anh hùng trọng anh hùng” ấy từ Hopkins như một minh chứng rõ rệt nhất cho tài năng của Bryan Cranston - người chỉ nổi tiếng khi đã ngoài 50.
Thành công đến muộn với “Breaking Bad”
Nhắc tới Cranston, khán giả sẽ nghĩ ngay tới một nam diễn viên truyền hình thành công. Ông từng tham gia với tư cách khách mời trong các loạt phim hài nổi tiếng như Seinfeld, How I Met Your Mother hay góp mặt thường xuyên trong series Malcolm in the Middle từng được chiếu tại Việt Nam. Nhưng mọi vai diễn trên đều không thể sánh bằng Breaking Bad - loạt phim truyền hình ăn khách trong thập niên qua.
Với Breaking Bad và nhân vật Walter White, Cranston đã nhận được năm đề cử Quả Cầu Vàng (một lần chiến thắng), chín đề cử hiệp hội diễn viên SAG (bốn lần chiến thắng) và bốn đề cử Emmy (chiến thắng cả bốn)... Quan trọng hơn, danh tiếng của Cranston vang xa khắp toàn cầu khi nhân vật Walter/Heisenberg ông thể hiện trở thành nhân vật đặc sắc trong văn hóa đương đại.
Kéo dài từ năm 2008 tới 2013, Breaking Bad được sách kỷ lục Guiness ghi nhận là “Bộ phim truyền hình được đánh giá cao nhất trong lịch sử” với số điểm gần như tuyệt đối - 99/100 - tại trang Metacritic. Nội dung loạt phim xoay quanh thầy giáo dạy hóa Walter White (Bryan Cranston thủ vai). Ông là một thiên tài không gặp thời và thay vì sở hữu một tập đoàn trị giá hàng trăm triệu USD như những người bạn cùng khởi nghiệp, Walter lại chịu an phận làm giáo viên với đồng lương còm cõi.
Bi kịch tới khi ông bị chẩn đoán mang bệnh ung thư phổi và chỉ còn vài năm để sống. Khi người vợ Skyler đang bụng mang dạ chửa còn cậu con trai Walter Jr. bị dị tật bẩm sinh, Walter có một quyết định điên rồ. Ông hợp tác cùng cậu học trò cũ - Jesse Pinkman (Aaron Paul) – để sản xuất ma túy đá “tinh khiết nhất” với kiến thức hóa học hơn người. Walter quyết định chọn bí danh “Heisenberg” khi nhúng tay vào sản xuất chất gây nghiện. Ban đầu, Walter tự nhủ rằng một khi đủ tiền lo cho gia đình sau khi qua đời vì ung thư thì ông sẽ dừng lại. Nhưng càng ngày, Walter càng lún sâu vào thế giới đen tối mà ông góp phần tạo ra...
Khi mới chỉ là ý tưởng của nhà sản xuất Vince Gilligan, Breaking Bad từng bị hàng loạt kênh truyền hình tên tuổi từ chối và chỉ được chấp nhận bởi đài AMC vốn đang khao khát một series mới để hút khách. Kết quả đã vượt ngoài sức tưởng tượng của những người lạc quan nhất: Breaking Bad trở thành một trong những series được xem nhiều nhất trên hệ thống truyền hình cáp Mỹ, thu hút hàng triệu người hâm mộ trên toàn cầu và nhận tới 16 giải Emmy.
Thành công ấy không thể có được nếu thiếu màn thể hiện sắc sảo của Bryan Cranston. Ông tự bàn bạc với đạo diễn về cách phát triển nhân vật, đồng thời lấy cảm hứng về Walter từ người cha nát rượu của mình. Cha của Cranston từng bỏ đi năm nam diễn viên này lên 11 tuổi, và diễn viên cho biết "dáng đi luôn hơi cúi về phía trước của nhân vật Walter được mô phỏng theo cha tôi - một người như luôn gánh vác một núi sức ép trên bờ vai mình”.
Walter White là một dạng nhân vật “phản anh hùng”, khi những gì ông làm không hợp pháp nhưng khán giả vẫn thầm cổ vũ ông. Walter là một người không có được những thứ xứng đáng với khả năng của ông, chọn làm điều phi pháp để chu cấp cho vợ con sau khi mình qua đời. Thế nhưng theo thời gian, người ta cảm nhận nhân cách Walter White nhạt nhòa dần và bị nhân cách Heisenberg chiếm lấy thân xác. Dù Walter luôn tự nhủ rằng mình lún sâu vào vũng lầy là vì gia đình, sự thật là việc làm phi pháp mang đến cho ông cảm giác mình thực sự là ông chủ, là thiên tài. Phần ác quỷ Heisenberg hoàn toàn ngự trị lấy Walter khi ông nói với vợ bằng giọng đanh thép: “Anh không gặp nguy hiểm Skyler ạ. Anh chính là sự nguy hiểm. Có tiếng gõ cửa và người ra mở cửa bị bắn chết. Em nghĩ anh là gã bị bắn ư? Không, anh là người gõ cửa”.
Sự chuyển biến từ một ông giáo quèn sang ông trùm Heisenberg mưu mô gian hùng, sẵn sàng đầu độc một đứa trẻ để đạt được mục đích, được diễn ra đầy tự nhiên qua phần nhập vai tài tình của Bryan Cranston.
Đề cử Oscar đầu tay với “Trumbo”
Dù Breaking Bad kết thúc từ năm 2013, dư âm của bộ phim vẫn còn vang vọng. Cranston vẫn nằm trong cái bóng quá lớn của Walter White/Heisenberg, bất chấp việc ông đã tham gia bom tấn Godzilla (2014) và thủ vai Tổng thống Lyndon B. Jonson trong vở kịch Broadway - All The Way. Tới vai diễn Dalton Trumbo trong Trumbo (2015), Cranston mới được ghi nhận xứng đáng với đề cử Oscar đầu tiên trong sự nghiệp.
Trumbo là một bộ phim tiểu sử về Dalton Trumbo - một biên kịch đại tài vào giữa thế kỷ 20 của Hollywood. Tuy nhiên vì khác biệt về lý tưởng chính trị, Trumbo đã phải đi tù vài năm, đến khi ra tù ông bị tất cả xa lánh do có tên trong “danh sách đen”. Những đồng nghiệp hay nhà sản xuất cùng thời với ông lo rằng nếu dính đến Trumbo thì sẽ bị hệ lụy, dẫn tới việc Trumbo phải chịu cảnh viết ra sản phẩm mà không được đứng tên mình...
Bản thân bộ phim Trumbo không quá hấp dẫn nhưng diễn xuất duyên dáng của Bryan Cranston lại khiến người xem có thể kiên nhẫn xem tới cuối. Ngay cả khi kẻ trí thức này bị đè nén, bị làm nhục như lúc viên cai tù yêu cầu ông lột trần quần áo để khám xét thì Trumbo vẫn giữ được phong thái phớt tỉnh, thản nhiên. Ông chẳng hề oán than số phận, căm hận cuộc đời hay thù hằn những người đã ngoảnh mặt với mình trong lúc sa cơ lỡ vận. Đơn giản là bởi ông hiểu rõ cuộc chơi và thời thế.
Cranston đã thể hiện xuất sắc vai diễn này, với nhiều tình huống tự biên tự diễn. Đơn cử như cách Trumbo mang thuốc lá, rượu whiskey và tài liệu vào tận bồn tắm để viết và đó là những lúc ông thăng hoa nhất. Một thành viên đoàn phim hé lộ rằng trong các cảnh phim đó, Cranston đã thực sự như Trumbo và khiến khán giả cảm nhận được rằng Trumbo là một người ăn, ngủ 24/24 với tác phẩm.
Ở tuổi 59, Cranston trở thành một ngôi sao truyền hình hàng đầu và vừa có được đề cử Oscar đầu tay xứng đáng. Ông cho biết mình chẳng hề buồn vì thành công đến muộn thay vì ở tuổi đôi mươi như nhiều ngôi sao khác.
“Tôi thấy mình còn may mắn chán khi mọi thứ diễn ra như thế này. Tôi từng trải qua rất nhiều công việc cực nhọc khi còn trẻ, trong đó tệ nhất có lẽ là chất hàng lên xe tải trong trời tuyết. Khi ấy tôi đã tự nhủ: ‘Mình sẽ cho họ thể xác nhưng giữ lại tâm hồn. Một ngày nào đó mình sẽ kiếm tiền bằng nghề diễn viên’. Đó là câu chuyện của tuổi 25 và sau đó, tôi chỉ hướng về phía trước”.
Thịnh Joey