Trong hơn một thập niên trở lại đây, Bồ Đào Nha bị ảnh hưởng nặng nề bởi khủng hoảng tài chính. Hệ quả là lượng người di cư tăng đột biến, với hơn hai triệu dân Bồ Đào Nha hiện sống ở nước ngoài. Ông Jose Fernandes là một phần trong số đó.
Thất nghiệp và vật lộn vì phải cáng đáng cả gia đình, ông quyết định rời quê hương sang Thụy Sỹ mưu sinh. Ban đầu, Jose tính đưa vợ và cả ba con đi theo. Nhưng vấn đề sớm nảy sinh, khi cậu con trai thứ Bruno từ chối ra đi, thậm chí còn dọa sẽ bỏ nhà, nếu cha mẹ cương quyết chuyển đi. Lúc ấy, Bruno Fernandes đang chơi cho đội trẻ Boavista và muốn tiếp tục gắn bó với nơi này. Cậu nhóc này nằng nặc bảo bố mẹ: "Người ta làm gì biết đá bóng ở Thụy Sĩ!".
Sau cùng, sự cương quyết của Bruno cũng làm cha mẹ xiêu lòng. Người cha Jose xách vali lên đường, trong khi người mẹ Virginia Borges ở lại quận Gueifaes, thuộc vùng Maia, để chăm sóc cậu con trai và giấc mơ theo đuổi nghiệp quần đùi áo số. Sự hy sinh của bà được đền đáp sớm hơn kỳ vọng, khi Bruno Fernandes được đội bóng Novara của Italy để mắt tới trong một trận đấu U19.
Giữa năm 2012, Bruno được mời sang Italy thi đấu. Khác với viễn cảnh sống tại Thụy Sỹ, lần này anh vui vẻ chấp thuận. Ở tuổi 17, chàng trai người Bồ Đào Nha lên đường với mức phí chuyển nhượng 40.000 euro. Khi anh đến sân bay Porto tháng 8/2012, ngoài những người thân, chẳng có bất kỳ người hâm mộ hay đại diện truyền thông nào có mặt, tiễn anh lên đường. Điều này hoàn toàn trái ngược hẳn với quang cảnh nhộn nhịp tháng 1/2020, khi Fernandes chuẩn bị sang Anh gia nhập Man Utd.
Bruno không còn là một cầu thủ tuổi teen vô danh, mà đã là một trong những tiền vệ được nhắc tới nhiều nhất tại châu Âu. Trong hơn hai mùa giải chơi cho Sporting Lisbon, anh ghi đến 63 bàn và 48 lần kiến tạo trong 135 trận. Anh quan trọng tới mức người đồng đội Stefan Ristovski phải năn nỉ: "Làm ơn ở lại mùa giải tới đi, không thì chúng tớ coi như tiêu tùng".
Tại Lisbon, Bruno chơi thân với tiền đạo người Hà Lan Bas Dost. Cầu thủ mới chuyển về từ Eintracht Frankfurt rất thích Bruno hỗ trợ sau lưng. "Kỹ thuật của cậu ấy là hoàn hảo. Tôi không hay bắt gặp cầu thủ nào đỡ bóng bước một cừ và có khả năng sút tốt như thế", Bas Dost nói trên Four Four Two.
Nếu chỉ xét riêng sự nghiệp tại Sporting Lisbon, cả hai huyền thoại Luis Figo và Cristiano Ronaldo đều không có tầm ảnh hưởng lớn như Fernandes. Các CĐV Sporting chưa được thấy một tiền vệ nào quan trọng như anh từ sau thời một huyền thoại khác - tuyển thủ Bulgaria Krasimir Balakov ở nửa đầu những năm 1990. Vì vậy, sau hơn một mùa hè tốn nhiều giấy mực, vụ chuyển nhượng đưa Bruno tới sân Old Trafford vô cùng thu hút truyền thông. Hình ảnh anh tới sân bay Tires để bay sang Manchester khám sức khỏe được đài truyền hình Bồ Đào Nha tường thuật trực tiếp, cho thấy chàng trai từ Maia đã tiến xa tới nhường nào.
Cựu chủ tịch Sousa Cintra của Sporting kể: "Tôi làm bóng đá rất lâu và có thể khẳng định với bạn một điều: Bruno là cầu thủ giỏi nhất tại giải Bồ Đào Nha trong vài mùa giải qua. Và quan trọng hơn, cậu ấy còn là một người tuyệt vời, rất lịch sự và quyết tâm. Bruno là mẫu cầu thủ sẽ cải thiện đội bóng của bạn, mang tới luồng sinh khí mới cho phòng thay đồ, dẫn đường cho đồng đội và động viên họ chạy cho tới giọt mồ hôi cuối cùng. Cậu ấy với Sporting cũng như Ronaldo tại Real Madrid: một cầu thủ toàn diện".
Nhận định của ông Cintra nhanh chóng được kiểm chứng tại Man Utd. Thống kê cho thấy từ khi ký hợp đồng với Bruno, Man Utd kiếm nhiều điểm nhất tại Ngoại hạng Anh. Trong 14 trận kể từ đầu tháng 2/2020, "Quỷ Đỏ" bất bại, bỏ túi 32 điểm với chín trận thắng và năm hòa. Xếp sau lần lượt là Man City (30 điểm) và nhà vô địch Liverpool (29 điểm). Thống kê trên cho thấy tác động của Bruno tới một đội bóng từng chìm tới đáy vực thất vọng sau thất bại dưới tay Burnley và giành phần lớn thời gian của mùa giải ở ngoài top 4.
Vị trí thứ ba cùng suất dự Champions League mùa giải tới của Man Utd có công rất lớn của Bruno. Anh được người hâm mộ xem như "ảo thuật gia người Bồ Đào Nha" và so sánh với "món hàng xuất khẩu" vĩ đại của Sporting Lisbon trước kia - Cristiano Ronaldo. Khoản tiền 55 triệu euro bỏ ra cho Bruno xứng đáng đến từng xu, và thậm chí có nhiều người còn cho rằng anh là bản hợp đồng thành công nhất kể từ sau khi Sir Alex Ferguson giải nghệ.
Khi bóng đá còn có khán giả trước đại dịch, Bruno thậm chí còn khiến những khán đài dậy sóng trong trận derby Manchester với hành động yêu cầu Pep Guardiola im lặng. Sự hòa nhập tuyệt vời cả trong lẫn ngoài sân cỏ khiến số 18 nhanh chóng nổi lên như một trong những cầu thủ được ưa thích nhất của Man Utd. Ole Gunnar Solskjaer gọi anh là "nhân tố X với sự hòa trộn giữa Paul Scholes và Juan Sebastian Veron", đồng thời khẳng định "tư duy của cậu ấy nhanh hơn những người khác vài bậc".
Thứ tư duy bóng đá đó được hình thành từ những ngày vất vả cùng đội trẻ, nơi Bruno được sử dụng ở vị trí trung vệ thay vì tiền vệ. Dù chưa bao giờ thực sự thích vị trí này, Fernandes vẫn thừa nhận nó giúp anh trở thành một cầu thủ thông minh hơn. Công lớn thuộc về người thầy cũ Sergio Marques – HLV đầu đời của Fernandes khi anh gia nhập CLB Infesta thuộc vùng Matosinhos thuở lên bảy.
HLV Marques kể: "Tiềm năng của Bruno đã có từ những ngày đầu. Cậu ấy luôn là một viên ngọc, nhưng cần được mài dũa. Lứa của Bruno sẽ tập các ngày thứ Hai, thứ Tư, thứ Năm và ra sân thứ Bảy, nhưng cậu ấy luôn muốn học hỏi thêm. Khi tôi hỏi cậu ấy có muốn tập riêng và cải thiện một số kỹ năng hay không, cậu ấy gật đầu không ngần ngại. Vậy là cứ 18h30 mỗi thứ Ba, tôi và Bruno lại tập riêng kỹ năng chuyền và kiểm soát bóng. Nhiều người có thể xem cậu ấy hiện tại như một kẻ liều lĩnh, nhưng tôi xem đó giống như niềm tin mạnh mẽ vào bản thân mình".
Những màn trình diễn hứa hẹn của Bruno tại Infesta ở giải trẻ khiến đại gia Porto để ý, nhưng rốt cuộc anh lại gia nhập địch thủ Boavista vì đội bóng này sẵn sàng trả tiền đi lại bằng xe buýt. Cho tới năm 15 tuổi, Bruno vẫn chơi ở vị trí trung vệ. Một ngày nọ, anh tới gặp HLV và nói rằng mình không muốn chơi ở hàng thủ nữa. Anh đề xuất được đem cho đội bóng Pasteleira mượn, và đội bóng đang thiếu một thủ lĩnh tuyến giữa này là lựa chọn mang tính bước ngoặt với Bruno.
Tại Pasteleira, công việc đầu tiên trước mỗi mùa giải là đánh giá vị trí thích hợp cho từng cầu thủ. Bruno đến đúng lúc đội bóng đang thiếu một số 10 và giúp anh được chơi cao hơn. Người thầy Antonio Peres cho biết: "Cậu ấy nhanh chóng nổi như cồn và ghi bàn gần như mọi trận đấu. Với tư cách đội trưởng, Bruno đặt ra tiêu chuẩn rất cao cho phần còn lại. Cậu ấy luôn tự tập sút thêm trong các buổi tập".
Mái tóc dài cộng thêm cá tính khiến Bruno trở nên nổi bật, thậm chí lu mờ cả cầu thủ sau này sẽ khoác áo Barca, Andre Gomes. Về mặt tư duy, cựu cầu thủ Abilio Novais từng làm việc tại Boavista đánh giá Bruno "hơn những đứa trẻ cùng lứa hai đến ba năm". Ông kể lại: "Cậu ấy đặc biệt trưởng thành so với tuổi và sở hữu một kiến thức chiến thuật đủ khiến tôi bị sốc và thắc mắc xem đây là ai. Có một trận đấu khi chúng tôi gặp Gil Vicente và gặp vấn đề với trung vệ vào giữa trận. Bruno ngay lập tức đề xuất trám chỗ và chơi tuyệt hay."
"Tôi thực sự không có nhiều điều để dạy cậu ấy. Cậu ấy vốn đã hiểu biết rất rõ về bóng đá và dù vẫn đang là một cầu thủ, tôi không nghi ngờ về khả năng trở thành HLV của Bruno Fernandes. Cậu ấy vốn đang là một người như thế trên sân rồi".
Những đồng đội cũ tại Boavista xác nhận về sự khát khao của Bruno. Anh có một tinh thần kỷ luật, sẵn sàng theo đuổi trái bóng, trao đổi với HLV và phản đối trọng tài. Cá tính là một trong những yếu tố thúc đẩy Novara chồng tiền để đưa Fernandes về Serie A. Ngân sách đội bóng phía Bắc Italy tương đối hạn hẹp, nhưng họ đã duyệt chi khi nhận được cái gật đầu từ tuyển trạch viên trưởng Mauro Borghetti. Vị này tận mắt tới Bồ Đào Nha để xem Fernandes chơi bóng và nhìn ra những điểm ông mong muốn.
"Trong trận đấu U19 hôm đó, cậu ấy là một trong hai nhóc sinh năm 1994, phần còn lại đều già hơn. Bruno không đá một trận hay vượt trội, nhưng cậu ấy cho thấy cá tính và kỹ thuật xuất sắc. Tôi nghi ngờ rằng cậu ấy cũng biết có người đến xem giò hôm đó, nên có những khoảnh khắc nỗ lực hơn mức bình thường. Nhưng tài năng của cậu ấy là không thể phủ nhận. Mùa giải đó Novara vẫn ở Serie A, nhưng sắp bị xuống hạng. Do vậy chúng tôi tìm kiếm những cầu thủ trẻ với giá trị có thể tăng trong mùa giải tiếp theo".
Bruno đáp ứng đủ những yêu cầu đó. Sau khi thương thảo với Boavista, Novara mời Bruno cùng mẹ tới Italy để hoàn tất vụ chuyển nhượng và cho hai mẹ con tham quan thành phố. Trước khi đi, người mẹ dúi vào tay Bruno 50 euro đề phòng anh thích mua gì đó trên phố. Đó là khoản tiền nhiều nhất mà bà có thể cho con trai lúc ấy. Khó khăn về tài chính của gia đình là một phần động lực khiến Bruno làm việc chăm chỉ để hướng về phía trước.
Bruno quyết tâm gây dựng sự nghiệp thành công để cha mẹ mỉm cười, sau khi phải chứng kiến cha rời quê hương, còn người anh trai Ricardo phải sớm treo giày để tới Anh làm việc trong bệnh viện. Giai đoạn đầu tại Italy, Bruno không biết một chữ bản địa nào, trong khi HLV Attilio Tesser cấm các cầu thủ trò chuyện bằng tiếng Anh trong tháng đầu tiên. Nhưng đến sinh nhật 18 tuổi, Bruno đã vượt qua mọi rào cản.
Anh dành chỉ ba tháng với đội U19 Novara trước khi có một suất đá chính trong đội một. Nhờ cầu thủ được đặt biệt danh "Maradona của Novara" này, đội bóng nhỏ đã vươn lên thứ năm tại Serie B và được đá loạt trận play-off. Borghetti khẳng định Bruno quan trọng với Novara như Diego Maradona với Napoli, và không thể giữ chân anh khi Udinese tìm đến hè 2013.
Đội bóng có biệt danh "Le Zebrette" hứa hẹn trao cho Bruno cơ hội ra sân thường xuyên và mức lương tăng gấp nhiều lần so với thù lao 1.500 euro mỗi tháng đang nhận tại Novara. Trong ba năm khoác áo Udinese, Bruno trở nên thân thiết với huyền thoại của CLB - Antonio Di Natale. Nhưng người đàn anh không ngần ngại chỉ trích đàn em công khai năm 2015 khi thấy Bruno phong độ không ổn định: "Bruno làm tôi phát bực. Cậu ấy rất trẻ và tài năng hơn bất kỳ ai trong chúng tôi, đá giỏi cả hai chân nhưng đôi lúc biến mất trong trận đấu".
Di Natale muốn nhiều hơn ở Bruno, trong khi cầu thủ người Bồ Đào Nha cũng cần Udinese thể hiện nhiều hơn. Hệ quả là năm 2016, anh chuyển tới Sampdoria và khoác chiếc áo số 10 từng thuộc về Roberto Mancini. Nhưng sự thiếu tham vọng của Sampdoria với vị trí thứ 10 tại Serie A và vòng 16 đội tại Cup Italy khiến Bruno quyết định hồi hương chỉ sau một mùa chơi tại sân Luigi Ferraris.
Với mức phí 8,5 triệu euro, Bruno là cầu thủ Sporting có giá cao thứ hai trong lịch sử. Ngay trong mùa giải đầu tiên, anh đã được bầu làm "Cầu thủ của năm" của giải VĐQG Bồ Đào Nha. Nhưng do Sporting không thể lọt vào Champions League, một nhóm 50 CĐV quá khích lọt vào sân tập Alcochete và tấn công các cầu thủ vào tháng 5/2018. Quá hoảng sợ, Bruno bảo vợ con tới Porto và thuê vệ sĩ.
Anh là một trong chín cầu thủ Sporting muốn hủy hợp đồng trước khi quyết định từ chối những lời mời sang Anh và Tây Ban Nha để ở lại với mức lương cao gấp đôi. Chủ tịch Sousa Cintra sợ mất anh tới mức chủ động đề nghị Bruno một kỳ nghỉ tại những bãi biển Algarve để nạp năng lượng, song anh đã từ chối. Mùa giải 2018-2019 ghi nhận thành tích chói sáng nhất của một tiền vệ ở cấp CLB châu Âu: 32 bàn và 17 kiến tạo. Không chỉ thành tích, Bruno còn ghi dấu ấn với vai trò trong phòng thay đồ.
Tiền vệ Raphinha cho biết từ trước khi chuyển đến Lisbon, anh đã được Bruno liên hệ và đưa ra những lời khuyên giúp anh sớm hòa nhập. Bas Dost khẳng định, Bruno, dù còn trẻ, đã cho thấy những tố chất của thủ lĩnh và luôn liên hệ tốt với các đồng đội. Những phẩm chất này tiếp tục được duy trì tại Man Utd, nơi anh ghi tám bàn và kiến tạo thành công bảy lần để trở thành cầu thủ có hiệu suất ấn tượng nhất Ngoại hạng Anh kể từ tháng Hai.
Đó là thành tích khi anh đến vào kỳ chuyển nhượng giữa mùa giải và phải làm quen với những đồng đội, HLV và một nền văn hóa bóng đá hoàn toàn mới. Hãy thử tưởng tượng Bruno sẽ còn hay thế nào vào mùa giải tới, khi anh đã hoàn toàn bắt nhịp với cuộc sống mới ở Anh và vai trò trụ cột tuyến giữa của Man Utd.
Thịnh Joey (theo Four Four Two)