Brazilian Jiu Jitsu (BJJ) ra đời vào những năm đầu thế kỷ 20 thông qua một bậc thầy môn Judo là Mitsuyo Maeda. Điều này phần nào lý giải những đòn thế có phần giống nhau giữa hai môn võ. Tuy nhiên, Judo chú trọng vào đòn quật trong khi BJJ sử dụng những chiêu thức chủ yếu khi nằm trên mặt đất và triệt hạ đối phương với đòn siết, khóa và bẻ khớp.
Mitsuyo Maeda là một trong 5 học trò xuất sắc của Kano Jigoro, người sáng lập môn Judo. Theo quan niệm của Jigoro, Judo là một môn võ thể thao không nhằm tổn thương đối thủ. Do đó, trong các đòn thế của Judo bị hạn chế những chiêu thức nguy hiểm (đòn sát thủ). Năm 1904, Jigoro quyết định gửi Maeda ra nước ngoài để truyền bá môn Judo cũng như tư tưởng võ thuật của mình. Maeda đã chu du tới nhiều nước, bao gồm cả Mỹ và nhận lời thách đấu từ đối thủ ở những môn phái khác nhau như boxing, vật... trước khi đặt chân tới Brazil năm 1914.
Tại Brazil, cơ duyên giúp Maeda làm quen với Gastao Gracie, một doanh nhân địa phương. Đổi lại sự giúp đỡ trong công việc làm ăn, Maeda nhận lời dạy võ cho con của Gastao là Carlos. Sau khi thụ giáo từ Maeda, Carlos đã truyền dạy lại cho các em của mình và BJJ dần hình thành thông qua sự nhào nặn của gia đình Gracie.
Một trong những người em của Carlos là Helio góp công lớn trong việc hoàn thiện các đòn đánh của BJJ. Do nhỏ tuổi nhất nên Helio không có thể hình to lớn như các anh, điều này khiến ông phải tìm cách đưa đối thủ xuống sàn và triệt hạ bằng những đòn khóa và siết. Sau này, khi trở thành một đại võ sư, Helio nói "Jiu Jitsu là biện pháp phòng vệ của những người đơn độc, yếu đuối, người già, trẻ em, phụ nữ và bất cứ ai không đủ sức mạnh thể chất".
Khác những môn võ sử dụng các chiêu thức liên quan tới quyền và cước, BJJ không đòi hỏi tốc độ ra đòn mà sự tư duy trong chiến đấu. Người sử dụng BJJ cần tận dụng các sơ hở của đối phương để giành lợi thế và hiệu quả nhất khi tấn công vào sau lưng.
Bốn tư thế kiểm soát của BJJ bao gồm đè người từ phía bên cạnh, kiểm soát hoàn toàn khi đè trước mặt, đè từ sau lưng và phòng vệ bằng cách kẹp chân vào hông đối phương. Hai phương pháp tấn công bao gồm khóa một bộ phận cơ thể của đối thủ và siết cổ làm nghẹt thở.
Trong các đòn khóa, BJJ có thể gây tổn thương nghiêm trọng tới các khớp như đầu gối, khuỷu tay, cột sống và mắt cá chân. Tùy vào cấp độ của võ sinh mà họ được sử dụng những đòn thế nguy hiểm tăng dần. Hiện BJJ có 8 cấp độ tăng dần theo các đai sau: trắng (nhập môn), xanh nước biển, tím, nâu, đen, đỏ đen, đỏ trắng và cuối cùng là đỏ.
Sự hữu dụng của các đòn BJJ trong cận chiến giúp môn võ này được đưa vào luyện tập trong chương trình huấn luyện võ thuật lính thủy đánh bộ Mỹ (MCMAP).
Năm 1993, gia đình Gracie tới nước Mỹ và tổ chức các trận đấu thuộc thể loại võ tự do (MMA) thông qua UFC. Các trận đấu quy tụ nhiều đấu thủ ở các môn phái khác nhau như karate, kungfu và kickboxing. Trong đó người đại diện cho BJJ là Royce Gracie đã khuất phục nhiều đối thủ với thể hình to lớn hơn bằng những đòn khóa sở trường. Những chiêu thức cận chiến hiệu quả của BJJ nhanh chóng được các võ sĩ MMA sau này luyện tập và sử dụng cho tới hiện tại.
Sự hấp dẫn của BJJ đã được Hollywood đánh hơi thấy giống như phong trào phim võ thuật Trung Quốc nhiều năm trước. Các bộ phim liên quan tới MMA với đòn thế của BJJ xuất hiện thường xuyên, trong đó có thể kể tới Warrior (2011) với một đề cử giải Oscar. Trong số những nhân vật nổi tiếng luyện tập BJJ, có thể kể tới tài tử quá cố Paul Walker, đạo diễn Guy Ritchie hay nam diễn viên Aston Kutcher.
Ở Việt Nam, phong trào luyện tập BJJ vẫn đang ở những bước đầu. Hiện tại những người luyện tập môn võ này chủ yếu ở Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh.
Tại CLB BJJ Hà Nội, có khoảng hơn 20 học viên đang theo tập, hầu hết đều là những người ở độ tuổi trưởng thành. Lý giải cho điều này, anh Tuấn Anh, người có thời gian luyện tập BJJ lâu nhất câu lạc bộ cho biết: "Đây là môn võ đòi hỏi sự tư duy và xử lý tình huống nhanh nhạy, do đó những em nhỏ tuổi sẽ khó tiếp thu hơn người lớn".
Hiện CLB BJJ Hà Nội thường xuyên có những vị khách nước ngoài ghé thăm và chia sẻ kinh nghiệm. Cái tên danh tiếng nhất của làng Brazilian Jiu-Jitsu thế giới mới có mặt tại Hà Nội là Chris Piedra. Vận động viên người El Salvador từng đoạt huy chương vàng hạng Master (35 tới 39 tuổi) giải Brazilian Jiu-Jitsu quốc tế. Ông cũng hai lần đứng đầu nước Mỹ và ba lần vô địch Mỹ mở rộng.
Ngọc Hải