Dữ liệu của Bộ Y tế Brazil ngày 19/6 cho biết quốc gia này đã báo cáo 500.800 người chết trong số 17.883.750 ca Covid-19 được ghi nhận kể từ khi dịch bùng phát. Đây là vùng dịch chết chóc thứ hai trên thế giới, chỉ sau Mỹ. Trong tuần qua, Brazil ghi nhận trung bình 2.000 ca tử vong mỗi ngày.
Tuy nhiên đến nay, chỉ 11% trong số 211 triệu dân được tiêm chủng đầy đủ. Nhiều chuyên gia dịch tễ học cảnh báo số ca tử vong ở Brazil sẽ tiếp tục tăng lên ngay cả khi việc tiêm chủng có hiệu quả, do mùa đông đến ở nam bán cầu và biến thể nCoV lây lan mạnh.
"Tôi nghĩ chúng tôi có thể chạm ngưỡng 700.000 hoặc 800.000 ca tử vong trước khi thấy được hiệu quả của chương trình tiêm chủng", Gonzalo Vecina, cựu lãnh đạo cơ quan quản lý y tế Anvisa của Brazil, nhận định. "Chúng tôi đang thấy sự xuất hiện của những biến chủng mới và biến thể Ấn Độ sẽ khiến tình hình tệ thêm".
Vecina chỉ trích cách ứng phó đại dịch của Tổng thống Jair Bolsonaro, như thiếu phản ứng phối hợp trên phạm vi quốc gia, hoài nghi vaccine, các biện pháp phong tỏa và yêu cầu đeo khẩu trang.
Hàng nghìn người Brazil cũng biểu tình phản đối ông Bolsonaro trong ngày 19/6, đổ lỗi cho chính quyền về số ca tử vong cao và kêu gọi phế truất tổng thống.
Raphael Guimaraes, nhà nghiên cứu tại trung tâm y sinh Fiocruz của Brazil, cho rằng chiến dịch tiêm chủng đình trệ do thiếu nguồn cung vaccine có thể khiến quốc gia này chứng kiến dịch bùng phát tồi tệ như đỉnh điểm tháng 3 và 4, với trung bình 3.000 người chết mỗi ngày.
"Chúng tôi vẫn trong tình thế cực kỳ nguy hiểm, với tốc độ dịch lây lan cao và công và bệnh viện hoạt động hết công suất ở nhiều nơi", ông nói.
Tiêm chủng sẽ trở thành biện pháp sống còn với Brazil trong cuộc chiến chống đại dịch, khi quốc gia này gần như không thể đạt đồng thuận về giãn cách xã hội và đeo khẩu trang, theo Ester Sabino, chuyên gia dịch tễ học tại Đại học Sao Paulo.
"Chúng tôi thực sự cần tăng cường tiêm chủng thật nhanh", bà nói.
Thanh Tâm (Theo Reuters)