![]() |
Trở lại sau 45 năm, nhưng sẻ đầu vàng không chắc đã được an toàn. |
Theo các nhà điểu học, sự “tái xuất” của sẻ đầu vàng cho chúng ta hy vọng sẽ tìm thấy các loài khác cũng đã mất tích trong nhiều thập kỷ.
Sẻ đầu vàng (golden-crowned manakin) được nhà điểu học Helmut Sick tìm ra ở miền nam vùng Amazon 45 năm trước đây. Hai năm sau, nó chính thức được tuyên bố là loài tuyệt chủng. Từ năm 1957, đã có nhiều nỗ lực tìm lại loài chim này nhưng không thành công. Cho đến tận ngày nay, trong tuần vừa qua, hai nhà khoa học Brazil mới tình cờ phát hiện lại một con đực đơn lẻ. “Chúng tôi đã run lên khi tìm thấy nó, với những dấu hiệu đặc trưng khác biệt hẳn so với các loài sẻ khác”, Fabio Olmos, một trong hai nhà nghiên cứu, cho biết.
Tuy nhiên, ngay sau phát hiện này, các nhà khoa học lại lo lắng đến số phận của chúng. Những cánh rừng nhiệt đới - nơi cư trú của sẻ đầu vàng - đang bị phá hủy nghiêm trọng, có thể khiến cho việc hồi sinh chẳng kéo dài được bao lâu. Fabio Olmos mô tả mối đe dọa với chúng: “Kinh tế của địa phương này dựa vào việc xẻ gỗ và chăn nuôi gia súc trên các khoảng đất trống. Chính phủ Brazil khuyến khích việc khai hoang, nhưng không có cách nào để kiểm soát được những người chặt gỗ, những người chiếm dụng đất đai bất hợp pháp, dân đào vàng... Vì thế, phá rừng sẽ vẫn là mối nguy lớn với sự sống còn của loài chim tuyệt đẹp này và các sinh vật hoang dã khác trong vùng”.
B.H. (theo BBC)