Các cảnh quay trên truyền hình Brazil cho thấy một số hành khách bước xuống từ máy bay tại thành phố Manaus, miền bắc đất nước, trong tình trạng bị còng tay và xích chân ngày 25/1.
Bộ Tư pháp Brazil hôm nay cho biết khi máy bay hạ cánh, chính phủ nước này đã yêu cầu các quan chức Mỹ "ngay lập tức tháo còng tay". Bộ trưởng Tư pháp Ricardo Lewandowski đã báo cáo với Tổng thống Luiz Inacio Lula da Silva về hành vi "coi thường trắng trợn các quyền cơ bản của công dân Brazil".
Bộ ngoại giao Brazil cùng ngày viết trên mạng xã hội X rằng sẽ yêu cầu "chính phủ Mỹ giải thích về cách đối xử tệ bạc với hành khách" trên chuyến bay chở 88 người khởi hành đêm 24/1.
Chuyến bay ban đầu có lộ trình đến thành phố Belo Horizonte ở phía đông nam, nhưng gặp sự cố kỹ thuật nên buộc phải hạ cánh xuống Manaus.
Edgar Da Silva Moura, kỹ thuật viên máy tính 31 tuổi, có mặt trên phi cơ sau 7 tháng bị giam tại Mỹ. "Họ không cho chúng tôi nước, chúng tôi bị còng tay chân, họ thậm chí không cho chúng tôi vào nhà vệ sinh", anh kể. "Rất nóng, có người ngất xỉu".
Luis Antonio Rodrigues Santos, 21 tuổi, kể về "cơn ác mộng" của những người bị vấn đề về hô hấp suốt "4 giờ không có điều hòa" do sự cố kỹ thuật trên máy bay.
"Mọi thứ đã thay đổi dưới thời ông Trump, người nhập cư bị đối xử như tội phạm", anh nói.
Bộ trưởng Nhân quyền Brazil Macae Evaristo cho biết "những đứa trẻ mắc chứng tự kỷ đã trải qua những trải nghiệm rất nghiêm trọng" cũng có mặt trên chuyến bay.
"Sau khi biết được tình hình, Tổng thống Lula đã ra lệnh huy động một máy bay của không quân để đưa những người Brazil này đến đích cuối cùng, nhằm đảm bảo họ có thể hoàn thành chuyến đi một cách an toàn và đàng hoàng", Bộ Tư pháp tuyên bố.
Tranh cãi diễn ra trong bối cảnh Mỹ Latin đang phải vật lộn khi Tổng thống Mỹ Donald Trump trở lại với chương trình nghị sự cứng rắn chống nhập cư, cam kết trấn áp tình trạng di cư bất hợp pháp và tiến hành trục xuất hàng loạt.
Vào ngày đầu tiên nhậm chức, Tổng thống Trump đã ký lệnh ban bố "tình trạng khẩn cấp quốc gia" tại biên giới phía nam Mỹ, thông báo triển khai thêm quân đội đến khu vực này đồng thời cam kết trục xuất "những người nước ngoài phạm tội".
Một số chuyến bay trục xuất kể từ hồi đầu tuần đã thu hút chú ý của công chúng và giới truyền thông, mặc dù những hành động như vậy cũng thường xảy ra dưới thời các tổng thống Mỹ trước đây.
Điều khác với thông lệ cũ là chính quyền Trump sử dụng cả phi cơ quân sự cho các chuyến bay đưa người bị trục xuất hồi hương, ít nhất một chuyến hạ cánh tại Guatemala trong tuần qua.
Tuy nhiên, phi cơ hạ cánh tại Manaus không phải máy bay quân sự. Một nguồn tin chính phủ cho hay chuyến bay này không liên quan trực tiếp đến bất kỳ lệnh trấn áp nhập cư nào do ông Trump ban hành khi nhậm chức hôm 20/1 mà xuất phát từ một thỏa thuận song phương năm 2017. Một nguồn tin từ chính phủ Brazil cho hay những người bị trục xuất đều mang theo giấy tờ tùy thân, cho thấy họ đã đồng ý trở về nhà.
Theo thống kê của Bộ An ninh Nội địa Mỹ, ước tính có khoảng 11 triệu người di cư không giấy tờ tại nước này. Mỹ hôm 24/1 cũng trục xuất 265 người nhập cư trái phép trở về Guatemala.
Vũ Hoàng (Theo AFP)