Hơn một tháng trước, hàng triệu cổ động viên Brazil còn tràn đầy hy vọng được đón nhận chức vô địch thế giới lần thứ sáu trên sân nhà. Thế rồi, cuối cùng họ phải chứng kiến Đức, đội tuyển đã đánh bại họ với tỷ số khó tin 7-1 ở bán kết, nâng cao Cup vàng tại thánh địa Maracana.
Đây là một World Cup buồn với người hâm mộ Brazil, nhưng nó lại được đánh giá là một kỳ đại hội được tổ chức vô cùng thành công với những bữa tiệc bàn thắng trên sân cỏ và sự cuồng nhiệt nơi khán đài cũng như khắp nẻo đường phố.
Và giờ World Cup kết thúc, Brazil lại quay về với cuộc sống thường nhật như trước đây.
"Vấn đề ở đây là cuộc sống vẫn phải tiếp tục. Bóng đá đã đem lại khoảng thời gian sôi động nhưng cuộc sống vẫn còn đó những khó khăn. Người Brazil giờ đây lại phải quay ra đối mặt với nền kinh tế có lạm phát cao", nhà phân tích chính trị Andre Cesar chia sẻ.
Phần đông cổ động viên Brazil chưa thể quên được thất bại ê chề của đội tuyển quốc gia, nhưng tinh thần lạc quan vốn có ở đất nước này hứa hẹn sẽ khiến nỗi buồn không tồn tại lâu.
"Người Brazil vốn có tính chịu đựng cao. Dù cho buồn thật đấy, họ vẫn có thể ca hát, nhảy múa và tổ chức các bữa tiệc", Dalva Frigulha, một nhà tâm lý học, phân tích. "Những con người nơi đây luôn có khả năng thích ứng tốt với mọi hoàn cảnh. Có thể đội tuyển đã thua, mọi người hâm mộ đều cảm thấy buồn nhưng điều này sẽ không để lại vết thương lòng to lớn. Những gì xấu nhất đều đã qua rồi, và giờ đây mọi người sẽ quay lại với cuộc sống thường ngày".
World Cup và bầu cử
Brazil lúc này đã quay lại nhịp sống bình thường và người dân đang tập trung vào những vấn đề sắp tới. Điểm dừng tiếp theo sẽ là cuộc bầu cử vào tháng 10. Tổng thống đương nhiệm, Dilma Rousseff, là một nhà chính thị cánh tả hiện dẫn đầu trong các cuộc thăm dò. Bà sẽ tiếp tục ra tranh cử vào vị trí điều hành đất nước.
Trong cuộc thăm dò gần nhất, Dilma Rousseff nhận được sự ủng hộ của 38% số người được hỏi, vượt trội so với người đứng thứ hai là thượng nghị sĩ Aecio Neves với 20% tỷ lệ hậu thuẫn. Vị trí thứ ba thuộc về thống đốc Eduardo Campos, hiện nắm giữ 9%.
"Đến hết tháng 7, chúng ta sẽ có một vấn đề quan trọng hơn: những cuộc thảo luận sẽ chuyển thành các cuộc tranh luận", nhà phân tích chính trị Cesar cho hay.
Thất bại đầy tủi hổ của đội tuyển Brazil có lẽ sẽ không gây tác động xấu lên cuộc chạy đua tranh cử của tổng thống Rousseff, vì điều này từng xảy ra trong quá khứ. Năm 1998, Selecao thua người Pháp 0-3 trong trận chung kết, thế nhưng tổng thống đương nhiệm khi đó là Fernando Henrique Cardoso vẫn tái đắc cử.
Và rồi năm 2002, dù cho Brazil vô địch World Cup, đảng cầm quyền của Cardoso lại thất bại trước đảng Lao động của Lula da Silva.
Bốn năm sau, dù Brazil có màn trình diễn nghèo nàn tại World Cup, Lula vẫn tái đặc cử. Tại Nam Phi năm 2010, Brazil bị loại ở tứ kết, bà Rousseff đã lên cầm quyền thay Lula.
"Những tác động từ bóng đá tới bầu cử là khá mơ hồ. Không có bằng chứng cụ thể nào về mối liên hệ giữa hai lĩnh vực này", Cesar cho hay.
Vấn đề kinh tế
Sau tất cả, có lẽ người Brazil vẫn quan tâm tới ví tiền của mình hơn là bảng tỷ số.
"Tôi nghĩ rằng thách thức lớn nhất với Rousseff ở cuộc bầu cử này vẫn là vấn đề kinh tế, chứ không phải World Cup", Castro Neves - Giám đốc khu vực Mỹ Latin của Eurasia Group - nhận xét.
Nền kinh tế Brazil năm nay được dự báo sẽ chỉ đạt tốc độ tăng trưởng 1%, tạo nên bốn năm liên tiếp tăng trưởng thấp, theo như đánh giá của Ngân hàng Trung ương Brazil.
Trong khi đó lạm phát lại tăng, đạt mốc 6,52% trong hơn 12 tháng cho tới tháng 6 vừa qua. Thật trớ trêu, khi World Cup chính là một nhân tố tạo ra sự gia tăng lạm phát, do đã đẩy giá thuê nhà cùng giá vé máy bay giữa 12 thành phố tổ chức.
"Một người dân đến siêu thị và biết rằng giá cả lại tăng có lẽ còn tức giận hơn khi biết tin đội tuyển thua World Cup", Cesar mỉa mai.
Tuấn Mạnh