Thứ tư, 6/5/2020, 13:10 (GMT+7)

Brazil 1982 và vẻ đẹp của sự dang dở

Được xem là thế hệ hay nhất trong lịch sử các đội tuyển Brazil, nhưng những Zico, Cerezo, Falcao, Socrates... lại gục ngã ở World Cup 1982.

Khi Paolo Maldini tự nhận là "Kẻ thất bại lớn nhất lịch sử bóng đá", một câu hỏi khác được đặt ra: "Vậy đâu là đội bóng thất bại vĩ đại nhất?". 

Xét về mức độ nổi tiếng, có thể là ba đội tuyển đã bỏ lỡ cơ hội vô địch World Cup, gồm: Hungary năm 1954, Hà Lan năm 1974 và Brazil năm 1982. Trong đó, Brazil 1982 đặc biệt hơn cả, khi thậm chí không vào tới chung kết. Nhưng sự lãng mạn, lối chơi mê đắm lòng người cùng cái kết bi tráng đã khiến họ đi vào lịch sử và thậm chí được nhắc tới nhiều hơn một số nhà vô địch World Cup sau này.

Hàng tiền vệ huyền thoại

Với ký giả kỳ cựu Gabriele Marcotti, Brazil 1982 là đội tuyển cuối cùng của Brazil xứng danh với những mỹ từ như "vũ công samba" hay "jogo bonito". Đó là tập thể tài năng bậc nhất và tận tâm với tôn chỉ bóng đá đẹp, cống hiến của HLV Tele Santana đến mức họ khác biệt hẳn với những đội bóng cùng thời. Marcotti khẳng định: "Đội tuyển ấy có thể thua, nhưng không thể bị khuất phục. Trừ khi đối thủ là chính họ".

Nhậm chức HLV tuyển Brazil từ năm 1980, Tele Santana từng bị chính CĐV nhà phản đối ngay trận ra mắt. Nhưng ông không mất nhiều thời gian để biến tiếng la ó thành những nụ cười, những tiếng hò reo trên khán đài. Trái với người tiền nhiệm Claudio Coutinho đặt kết quả lên trên hết, Santana là một tín đồ của bóng đá đẹp. Ông nổi tiếng với tuyên ngôn: "Tôi thà thua trận mà chơi bóng đá đẹp, còn hơn thắng trận với thứ bóng đá tầm thường".

Santana là kiến trúc sư trưởng xây dựng nên thế hệ Brazil 1982. 

Sau chức vô địch World Cup lần thứ ba năm 1970, bóng đá Brazil đi qua một thập kỷ với lối chơi khô khan, thực dụng. Sự xuất hiện của Santana tựa làn gió mát, đưa những vũ điệu trở lại, cả trên khán đài lẫn sân cỏ. Tại vòng loại World Cup 1982, Brazil toàn thắng bốn trận, trong đó "Pele trắng" Zico giữ danh hiệu Vua phá lưới với năm bàn. Dưới sự dẫn dắt của Santana, lối chơi của Brazil có sự tự do, phóng khoáng hơn trong khi các cầu thủ cũng được phép thể hiện sự ngẫu hứng của bản thân nhiều hơn.

Đà thắng như chẻ tre của Brazil không chỉ được duy trì trong những trận vòng loại. Tại Gold Cup 1981, họ đả bại nhà ĐKVĐ châu Âu - Tây Đức - với tỷ số 4-1, trước khi tiếp tục hạ gục những đối thủ sừng sỏ như Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha và chính Tây Đức trong các trận giao hữu trước thềm World Cup 1982. Cữ dượt cuối trước "Espana 82" là trận giao hữu với CH Ireland, nơi Brazil hủy diệt đối thủ với tỷ số 7-0.

Sức mạnh đó đến từ hàng tiền vệ với "bộ tứ ma thuật" gồm Toninho Cerezo, Falcao, Socrates và Zico. Theo tờ Guardian (Anh), đây không phải kế hoạch được định trước. Falcao vốn không nằm trong đội hình xuất phát của Brazil, nhưng được Santana sử dụng khi Cerezo bị treo giò trong trận đầu vòng bảng gặp Liên Xô (cũ). "Kẻ đóng thế" chơi hay tới mức chiếm luôn vị trí đá chính của Dirceu - Quả Bóng Đồng World Cup 1978.

Khi Cerezo trở lại, bộ tứ tiền vệ trong sơ đồ 4-2-2-2 của Brazil được hoàn thiện. Trong đó, Cerezo và Falcao đóng vai trò của những registas - dạng tiền vệ kiến thiết vùng sâu, với phạm vi hoạt động chủ yếu tại khu vực vòng tròn giữa sân để điều tiết trận đấu và chuyển hóa từ phòng ngự sang tấn công. Ở phía trên, hai trequartista - kiểu tiền vệ kiến thiết - chơi sau lưng cặp tiền đạo lần lượt là Zico và đội trưởng Socrates. Tiền đạo Eder là cầu thủ duy nhất trên hàng công di chuyển rộng, bởi cả bốn tiền vệ tài hoa của Brazil đều hoạt động ở khu vực trung tâm. Nhiệm vụ tấn công cánh được giao cho hai hậu vệ biên có xu hướng dâng cao là Junior và Leandro, trong khi hai trung vệ Luizinho và Oscar ở lại bảo vệ khung thành.

Hai điểm yếu nhất của Brazil 1982 và các vị trí thủ môn Valdir Peres và trung phong Serginho. Trong đó, Serginho vốn không phải phương án số một của Santana. Suất đá cắm ban đầu thuộc về Careca, nhưng ba ngày trước trận ra quân, ông bất ngờ chấn thương đùi và phải ra về. Santana, vì thế, phải gọi bổ sung Roberto Dinamite làm dự phòng, và đôn Serginho lên đá chính.

Ngay từ trận đầu vòng bảng, Peres đã mắc lỗi khiến Brazil bị Liên Xô dẫn bàn. Nhưng sự xuất sắc của tuyến trên đã khỏa lấp cho lỗi lầm kể trên. Theo Marcotti, Brazil 1982 xuất sắc tới mức có thể "chấp hai người và thắng chỉ với chín cầu thủ trên sân".

Những vũ điệu sân cỏ

Vua bóng đá Pele nổi tiếng với việc gọi bóng đá là "jogo bonito" (trò chơi đẹp) và Tele Santana góp phần phổ biến khái niệm ấy tại kỳ World Cup trên đất Tây Ban Nha. Santana tuyên bố: "Bóng đá là nghệ thuật, là niềm vui chứ không đơn thuần là đưa trái bóng lên trên. Tôi sẵn sàng thua trận còn hơn bảo các học trò phạm lỗi với đối phương, hay thắng với một bàn không hợp lệ".

Đúng như lời hứa, mỗi trận đấu của Brazil tại World Cup 1982 là một lễ hội, một bữa tiệc bóng đá. Trong trận khai màn ngày 14/6/1982, Liên Xô mở tỷ số khi Andrei Bal sút xa, đưa bóng "xâu kim" thủ thành Peres. Nhưng Brazil đáp trả bằng hai bàn tuyệt đẹp. Phút 75, Socrates làm động tác giả, loại hai cầu thủ đối phương rồi sút sấm sét cân bằng tỷ số.

Brazil 1982: Siêu phẩm của Socrares vào lưới Liên Xô
 
 

Đến phút 87, Paulo Isidoro chuyền bóng từ biên về hướng Falcao. Thay vì nhận bóng, tiền vệ này lại dạng chân để bóng đi tiếp, như thể có mắt sau lưng để biết Eder đang lao tới. Động tác giả của Falcao khiến các cầu thủ Liên Xô khựng lại trong tích tắc, vừa đủ để Eder tâng bóng lên và sút như trái phá về hướng cầu môn đối phương. Trái bóng bay thẳng vào lưới trong niềm hạnh phúc của cổ động viên Selecao và sự bất lực của Rinat Dasayev. Ở năm 1982 ấy, Dasayev đã là một trong những thủ môn hay nhất thế giới trong màu áo Spartak Moscow và tuyển Liên Xô. Nhưng ông vẫn không kịp phản ứng trước cú đại bác hoàn hảo của Eder.

Sau trận mở màn mãn nhãn, thế giới bóng đá tiếp tục dõi theo màn trình diễn của Brazil. Lần này đối thủ của họ là Scotland mạnh bậc nhất lịch sử, với những ngôi sao như Graeme Souness, Gordon Strachan, Alan Hansen hay Kenny Dalglish... Trước trận, các khán đài ngập tràn màu vàng-xanh truyền thống của Brazil. Các CĐV nước này thậm chí còn mang đại kỳ phủ kín một góc khán đài.

Narey mở tỷ số cho Scotland, nhưng chỉ như liều thuốc kích thích Brazil hưng phấn hơn. 

Scotland lặp lại sai lầm của Liên Xô ở trận đấu trước, đó là ... ghi bàn mở tỷ số. Phút thứ 18, David Narey phấn khích với một cú sút không thể cản phá ở rìa cấm địa Brazil. Bàn mở tỷ số đó như khiến các cầu thủ áo vàng xanh bừng tỉnh và dồn lên gây sức ép về phía khung thành Scotland. Trong một bài phỏng vấn với tờ Four Four Two sau này, thủ môn Alan Rough kể: "Ban đầu, Brazil đá như đi dạo. Thế rồi, khoảnh khắc David ghi bàn khiến họ nhận ra: 'Đã tới lúc chúng ta ghi vài bàn rồi đấy nhỉ'. Đội bóng ấy đẳng cấp tới mức không thể tưởng tượng nổi".

Phút  33, cầu thủ hay bậc nhất thế giới những năm 1980 - Zico - gỡ hòa 1-1 bằng pha đá phạt mẫu mực. Cú sút từ cự ly gần 30 mét đưa bóng thẳng vào góc cao, cho người châu Âu thấy huyền thoại "lá vàng rơi" Zico không phải hư danh. Trung vệ Oscar nâng tỷ số lên 2-1 phút 48 từ một pha dàn xếp phạt góc, trước khi Eder ghi tuyệt phẩm trong trận thứ hai liên tiếp với cú bấm bóng kỹ thuật phút 63. Năm phút trước khi hết giờ, Falcao kết thúc một pha ban bật ngoài vòng cấm của Brazil bằng cú sút sệt khuất phục Alan Rough, ấn định thắng lợi  4-1.

Trận đấu cuối cùng của Brazil tại vòng bảng thứ nhất tiếp tục là một màn trình diễn của bóng đá đẹp. Họ đè bẹp New Zealand 4-0, trong đó trừ siêu phẩm tung người móc bóng mở tỷ số của Zico, ba bàn còn lại đều là những tình huống triển khai tấn công mẫu mực. Các cầu thủ Brazil tạo cảm giác như họ có thể giao tiếp bằng... siêu năng lực, bởi những bước chạy, di chuyển ở tốc độ cao đều đạt sự chính xác hoàn hảo. Họ "chơi" với trái bóng đúng nghĩa, với những màn phô diễn kỹ thuật bằng các động tác ban bật, giật gót, xâu kim đối phương.

World Cup 1982: Brazil 4-0 New Zealand
 
 

Trước trận thua 4-0, HLV John Adshead nhận xét về Brazil: "Chúng tôi đã xem hai trận đấu của họ và ở bất kỳ lúc nào của trận đấu, dường như chỉ thủ môn Peres và Serginho là ở yên vị trí. Phần còn lại tích cực di chuyển đến mức họ có thể ở bất cứ đâu, bất cứ lúc nào". Đó là lý do dù cùng toàn thắng tại vòng bảng, tuyển Anh không được xem là ứng cử viên số một cho chức vô địch như Brazil. Ngay cả khi Brazil rơi vào "bảng tử thần" gồm đương kim vô địch thế giới Argentina và Italy ở vòng bảng thứ hai, niềm tin đó vẫn không lay chuyển.

World Cup 1982 là giải đấu đầu tiên mở rộng từ 16 lên 24 đội và là lần cuối cùng sử dụng thể thức hai vòng bảng. Theo đó, 24 đội được chia làm sáu bảng và chọn ra hai đội đứng đầu mỗi bảng để tham gia lượt vòng bảng thứ hai. 12 đội đi tiếp được chia thành bốn bảng và bốn đội đứng đầu sẽ được vào chơi bán kết. Bảng C là bảng duy nhất mà cả ba đội tuyển góp mặt đều từng giành chức vô địch World Cup.

Lượt đấu đầu tiên của bảng C diễn ra căng thẳng khi Italy hạ Argentina 2-1. Lúc này Diego Maradona vẫn chưa phải cầu thủ siêu việt dẫn dắt Argentina thẳng tiến tới chức vô địch như bốn năm sau đó. Ông mới 21 tuổi và sự thiếu kinh nghiệm được bộc lộ rõ trong trận tiếp theo - trận "kinh điển Nam Mỹ" với Brazil. Trong bối cảnh buộc phải thắng để nuôi cơ hội đi tiếp, các nhà ĐKVĐ thế giới sớm bị Brazil dội một gáo nước lạnh với bàn thắng của Zico phút thứ 11.

Maradona (trái) lĩnh thẻ đỏ vì mất bình tĩnh trước sự vượt trội của Brazil.

Trong phần còn lại của trận đấu, Argentina tấn công trong vô vọng. Trái lại, Brazil như thể muốn đùa giỡn đối thủ và dễ dàng ghi thêm hai bàn thắng nhờ công của Serginho và Junior trong hiệp hai. Cả pha đánh đầu của Serginho lẫn cú dứt điểm gọn ghẽ của Junior đều là kết quả của những pha dàn xếp tấn công bài bản, khuất phục hoàn toàn hàng thủ Argentina. Sự bất lực của Maradona được thể hiện qua tấm thẻ đỏ ở cuối trận, khi cầu thủ mang áo số 10 đạp đối thủ bằng gầm giày trong một tình huống lộn xộn.

Mãi đến phút thứ 89, Ramon Diaz mới ghi bàn danh dự cho Argentina. Đó là một cú dứt điểm quyết đoán từ ngoài vòng cấm sau một pha để mất bóng hớ hênh của hàng tiền vệ Brazil, song Diaz chẳng vui mừng. Argentina bị loại sau thất bại 1-3, còn Brazil thì chỉ cần một trận hòa trong lượt đấu cuối với Italy là giành quyền vào bán kết. Những bữa tiệc mừng nổ ra khắp Brazil sau trận thắng đại kình địch Nam Mỹ. Nhưng giữa những hoan hỉ ấy, chẳng ai ngờ rằng Paolo Rossi và Italy sẽ trừng phạt những sai lầm của hàng thủ Brazil nhiều hơn hẳn Ramon Diaz.

Ngày bóng đá chết đi

Trận đấu kinh điển giữa Brazil và Italy được dành riêng một chương trong cuốn sách "Shocking Brazil, Six Games That Shook The World Cup" của Fernando Duarte. Theo đó, sự ly kỳ đã bắt đầu từ trước đó tận ... hai năm với bê bối Totonero. Đó là một scandal dàn xếp tỷ số của bóng đá Italy khiến nhiều người bị hệ lụy. Trong số đó có cả Paolo Rossi – chân sút nắm kỷ lục chuyển nhượng thế giới năm 1976. Dù một mực kêu oan, Rossi vẫn phải nhận án treo giò tới ba năm trước khi được giảm xuống còn hai năm.

Là Quả bóng Bạc World Cup 1978 với ba bàn và bốn kiến tạo, nhưng ít ai nghĩ rằng Rossi sẽ được gọi lên tuyển Italy dự World Cup 1982. Đơn giản bởi ông đã không đá trận đấu chính thức nào cho đến hai tháng trước khi giải đấu diễn ra. Nhưng HLV Enzo Bearzot vẫn đưa tiền đạo của Juventus đến Tây Ban Nha và thậm chí còn để anh đá chính trong trận đầu vòng bảng. Italy khởi đầu chiến dịch một cách tồi tệ khi hòa cả ba trận vòng bảng và chỉ đi tiếp nhờ xếp trên Cameroon về số bàn thắng. Bản thân Rossi là một trong những người bị chỉ trích nhiều nhất khi bị ví von như một "bóng ma vật vờ" trên sân.

Rossi vật vờ ở vòng bảng thứ nhất, nhưng lại trở thành thứ vũ khí giúp Italy hủy diệt Brazil ở trận cuối vòng bảng thứ hai. 

Chiến thắng 2-1 của Italy trước Argentina ở trận đầu bảng C tới nhờ hai bàn thắng của Marco Tardelli và Antonio Cabrini cũng như sự xuất sắc ở hàng thủ của "hung thần", "hòn đá tảng" Claudio Gentile. Rossi tiếp tục tịt ngòi và thậm chí còn phải nhận một thẻ vàng. Sự khởi đầu chậm chạp của Italy trái ngược hẳn với lối chơi tấn công như vũ bão, cuốn phăng mọi đối thủ trên đường hướng đến chức vô địch của Brazil.

Bản thân Rossi thừa nhận: "Đội tuyển Brazil không tới từ hành tinh này. Đó là tập thể tuyệt nhất tôi từng được chứng kiến. Họ có thể nhắm mắt mà vẫn tìm thấy nhau trên sân, trong khi tôi cảm thấy mình như vẫn đang học chơi bóng trở lại sau án treo giò hai năm". Cầu thủ đang khoác áo Roma thời bấy giờ là Falcao thậm chí còn bị đồng đội trêu đùa rằng "trình độ cậu như thế đá ở Serie A chắc dễ như bỡn", khi xem Italy chật vật vượt qua vòng bảng.

Trước trận đấu quyết định, HLV Santana hỏi Falcao: "Cậu chơi bóng ở Italy, vậy có điều gì cậu muốn chia sẻ về đối thủ hôm nay không?". Tiền vệ này khẳng định: "Italy là một đối thủ mạnh hơn rất nhiều so với những kết quả họ đạt được". Thủ thành Peres bày tỏ "nỗi sợ hãi lớn nhất" là việc Paolo Rossi – người đầu tiên trong lịch sử giành chức Vua phá lưới Serie B và Serie A trong hai năm liên tiếp – sẽ tìm lại bản năng khi đối mặt với khe cửa hẹp. Và thực tế cho thấy quan ngại của cả Falcao lẫn Peres đều đúng.

World Cup 1982: Italy 3-2 Brazil
 
 

Bàn thắng đầu tiên của Rossi tới ngay ở phút thứ năm, với một pha đánh đầu cận thành. Brazil chỉ mất bảy phút để đưa trận đấu trở về vạch xuất phát, khi Socrates băng lên dứt điểm góc gần từ đường chọc khe hoàn hảo của Zico. Dường như các cầu thủ Italy đã nghiên cứu rất kỹ thói quen ném bóng cho hậu vệ của thủ môn Peres và cách các cầu thủ Brazil thường chuyền ngang trên phần sân nhà. Phút 25, Cerezo thực hiện đường chuyền lơ đãng ngay trên phần sân nhà đưa bóng thẳng tới chân... Rossi.

Tiền đạo số 20 nhanh chóng vượt qua sự truy cản của hậu vệ Brazil, rồi sút nâng tỷ số lên 2-1. Theo tờ Guardian, Cerezo đã bật khóc tức tưởi trong giờ nghỉ giải lao giữa hai hiệp và chỉ bình tĩnh lại khi được Socrates động viên. Cục diện một lần nữa thay đổi phút 68, khi Falcao nhận bóng ở ngoài khu vực 16m50 và làm tung lưới thủ thành Dino Zoff.

Nếu tỷ số 2-2 được giữ nguyên cho tới hết trận, Brazil sẽ đi tiếp. Nhưng đó không phải là mục tiêu của họ từ trước trận, theo Zico hồi tưởng. Huyền thoại này kể: "Tele đã nhắc chúng tôi rằng một trận hòa là đủ, nhưng ông ấy không để chúng tôi quá thư giãn. Ông ấy không đời nào dặn chúng tôi đá nương chân. Mục tiêu của chúng tôi luôn là chiến thắng. Đó chính là chất Brazil đích thực".

Santana cho thấy tư tưởng này khi thay tiền đạo Serginho bằng tiền vệ có xu hướng tấn công Isidoro và để hậu vệ cánh Leandro chơi như một tiền đạo. Nhưng đó cũng là bi kịch của Brazil, bởi hầu hết các đội bóng khác sẽ chủ động chơi chậm lại và siết chặt hàng phòng ngự chờ tiếng còi mãn cuộc. Phút 74, Rossi có mặt đúng lúc đúng chỗ trong một pha phạt góc để dứt điểm cận thành, nâng tỷ số lên 3-2. Ông trở thành người thứ hai trong lịch sử ghi hat-trick vào lưới Brazil trong một kỳ World Cup, đồng thời làm tan vỡ trái tim của hàng triệu CĐV Selecao.

Brazil cố tìm bàn gỡ trong những phút cuối trận, nhưng lần này không còn đủ thời gian để làm nên điều kỳ diệu nữa. Khi cú đánh đầu cận thành của Isidoro bị Dino Zoff cản lại một cách phi thường gần sát vạch vôi, các CĐV hiểu rằng ngay cả thần may mắn cũng đã ngoảnh mặt với Brazil. Tiếng còi kết thúc 90 phút của trọng tài Abraham Klein không chỉ chấm dứt một trong những trận đấu hay nhất lịch sử World Cup, mà còn là lời chào tạm biệt một Brazil xuất sắc.

Sau này, Zico gọi trận đấu ngày 5/7/1982 tại Barcelona là "ngày mà bóng đá đã chết".

Những nghệ sĩ Brazil như Zico bị vô hiệu hóa bởi hàng phòng ngự trứ danh của Italy do Claudio Gentile (số 6) chỉ huy. 

Bước ngoặt lịch sử

Italy thẳng tiến tới chức vô địch, trong khi người hùng Paolo Rossi ghi thêm ba bàn tại bán kết và chung kết để trở thành Vua phá lưới. Rossi thâu tóm mọi danh hiệu cá nhân lớn của năm 1982, từ Quả Bóng Vàng World Cup, Quả Bóng Vàng châu Âu cho tới Cầu thủ xuất sắc của FIFA. Kẻ chiến bại là Brazil không nhận được danh hiệu nào ngoại trừ giải Fair Play mang tính an ủi từ FIFA.

Nhưng những gì Brazil 1982 mang tới không thể chỉ được đong đếm đơn thuần. Khi Santana bước vào phòng họp báo sau trận đấu, toàn bộ phóng viên thể thao đã đứng dậy vỗ tay. Đường phố Rio de Janeiro ngập tràn CĐV tới sân bay để chào đón những người hùng không ngai. Bản thân Santana dặn dò các học trò: "Cả thế giới đã bị các cậu mê hoặc. Hãy nhớ lấy điều đó".

Tuy nhiên, bản thân Santana cũng bị thất bại tại World Cup ám ảnh. Ông nhận lời dẫn dắt Al-Ahli tại Saudi Arabia xa xôi. Theo người con trai Rene, đó là "một chuyến tự lưu đày của cha tôi sau khi bị chấn động bởi trận thua Italy". Một người khác bị ám ảnh bởi World Cup 1982 là đội trưởng Socrates. "Nhà hiền triết" đã phải nhịn hút thuốc và uống rượu trong vài tháng trước giải để có thể lực lý tưởng, để rồi phải tìm đến chất kích thích giải khuây sau giải. Hơn hai thập niên sau, ông vẫn không quên nổi thất bại cay đắng: "Chúng tôi là một đội bóng xuất sắc và chơi bóng bằng niềm vui. Thế rồi người Italy xuất hiện. Rossi chạm bóng ba lần và ghi hat-trick. Bóng đá mà chúng ta biết đã chết kể từ ngày ấy".

Như không muốn thừa nhận thất bại, Falcao nói: "Tôi thấy buồn cười khi người ta nói rằng chúng tôi không biết phòng ngự. Trong trận gặp Italy, chúng tôi đã tắc bóng nhiều hơn họ và thủng lưới bàn thứ ba khi gần như cả đội lui về trong pha phạt góc. Chúng tôi đã thua một đối thủ biết cách nắm bắt cơ hội, dù nhiều đồng đội người Italy của tôi tại Roma thậm chí không thể tin nổi đội tuyển của họ đã loại được Brazil".

Zico thì khẳng định Brazil đã ra về với cái đầu ngẩng cao: "Dĩ nhiên chúng tôi rất buồn vì kết quả, nhưng lương tâm tất cả đều không hối tiếc. Chúng tôi đã theo đuổi chân lý của mình đến cùng và không để tư tưởng chiến thắng bằng mọi giá làm lung lạc niềm tin vào thứ bóng đá đẹp".

Những huyền thoại như Falcao (trong ảnh) hay Zico vẫn nhìn lại hành trình World Cup 1982 với niềm tự hào.

Bóng đá không hề chết như lời của Zico và Socrates, mà thay vào đó là lời từ biệt sự lãng mạn và ngây thơ. 12 năm sau, Brazil đăng quang trước chính người Italy tại World Cup 1994. Họ vẫn có những nghệ sĩ sân cỏ như Romario hay Bebeto, nhưng ở sau lưng là chốt chặn đáng tin cậy Dunga và Mauro Silva. Chức vô địch World Cup 2002 cũng mang dấu ấn của cặp tiền vệ trung tâm Gilberto Silva và Kleberson.

Không giành chiến thắng, nhưng Brazil 1982 luôn có chỗ đứng trong lịch sử và trái tim những người yêu bóng đá, hoặc chí ít cũng góp phần khiến nhiều người khám phá ra vẻ đẹp của môn thể thao này - trong đó có những CĐV Việt Nam. Anh Lý Quốc Huy, admin "Hội những người hâm mộ ĐTQG Brazil" cho biết: "World Cup 1982 chính là lúc tôi bắt đầu tình yêu với đội tuyển Brazil. Thời đó những thông tin về giải đấu rất ít ỏi. Ở vòng bảng, Brazil cùng bảng với Liên Xô nên người hâm mộ thường được xem lại băng ghi hình sớm, trong khi những trận đấu sau phải mất nửa ngày mới được cập nhật kết quả. Dù không vô địch, lối chơi tấn công hoa mỹ của Brazil đã để lại dấu ấn sâu đậm trong lòng rất nhiều người".

Thịnh Joey