"Brain rot" (tạm dịch là "thối não") được Nhà xuất bản Đại học Oxford chọn là từ của năm 2024, mô tả những tác hại xảy ra với tâm trí sau khi xem quá nhiều dạng nội dung và video chất lượng kém.
Trong nhiều năm, các nhà giáo dục đã nói nhiều về khả năng tập trung đang dần ngắn lại của học sinh và việc trẻ em gặp khó khăn trong việc làm theo những hướng dẫn cơ bản nhất. Khi vấn đề ngày một nóng, họ thử nghiệm nhiều cách để quản lý khi học sinh gặp khó khăn trong việc chú ý, tiếp thu thông tin và kết nối ở trường.
Viện Newport - Trung tâm điều trị sức khỏe tâm thần và lạm dụng chất gây nghiện dành cho thanh thiếu niên tại Mỹ đã viết về hiện tượng và hậu quả tiêu cực của "brain rot". Theo đó, việc lướt mạng xã hội làm tăng đột biến chất dẫn truyền thần kinh dopamine, tạo ra cảm giác thỏa mãn và vui sướng. Càng lướt mạng nhiều, bạn càng muốn làm thế nhiều hơn. Bộ não của bạn liên kết việc lướt mạng với cảm giác thỏa mãn, ngay cả khi bạn nhận thức được hậu quả tiêu cực của nó. Theo cách này, việc lướt mạng có thể trở thành một chứng nghiện, báo cáo chỉ ra.

Sử dụng điện thoại và lướt mạng xã hội quá nhiều sẽ gây khó khăn cho học tập. Ảnh: Forbes
Một trong những lý do khiến những người trẻ tuổi gặp khó khăn khi thoát khỏi mạng xã hội là não của họ bị chi phối bởi dopamine, nhà nghiên cứu Laura Marciano tại Trường Y tế Công cộng Harvard TH Chan cho biết.
Theo Marciano, hệ thống vỏ não điều khiển phần thưởng hoạt động rất tích cực trong giai đoạn thanh thiếu niên, còn phần vỏ não trước trán kiểm soát hành vi và xung động sẽ không phát triển đầy đủ cho đến khoảng 25 tuổi. Thông qua hệ thống đó, bộ não đã giải phóng dopamine trước khi nhận được những lượt thích trên mạng xã hội, đặc biệt là ở độ tuổi thanh thiếu niên.
Hệ thống não bộ tìm kiếm phần thưởng cũng khiến thanh thiếu niên dễ bị tổn thương trước các vấn đề kỹ thuật số, thể hiện ra như liên tục nghĩ về điện thoại, cảm thấy tiêu cực khi không thể sử dụng điện thoại và các triệu chứng nghiện. Theo cuốn sách của cô, cứ bốn thanh thiếu niên thì có một người báo cáo các triệu chứng rắc rối khi sử dụng phương tiện kỹ thuật số.
Marciano cho biết: "Chúng ta thường có xu hướng ưu tiên sự chú ý vào những gì mang lại phần thưởng hơn là đòi hỏi phải động não - đó là điều tự nhiên. Với học sinh, não của các em sẽ ưu tiên việc lướt mạng xã hội vì nó tạo ra nhiều phần thưởng hơn và đòi hỏi ít nỗ lực hơn so với việc học".
Không cần phải ngồi lướt các video vô bổ mới khiến học sinh phân tâm học tập. Ngay cả việc để điện thoại ngoài tầm nhìn trong ba lô cũng làm giảm sự chú ý của các em. Trong một nghiên cứu mà những người tham gia được yêu cầu hoàn thành một câu đố, Marciano cho biết chỉ những người để điện thoại ở một phòng khác mới có thể tập trung vào nhiệm vụ đang làm.
Các chuỗi nội dung nhịp độ nhanh trên mạng xã hội cũng có thể ảnh hưởng đến cách học và ghi nhớ thông tin của học sinh. Não bộ trước tiên cần phải dành sự chú ý liên tục và không bị phân tán trước khi những gì nó ghi nhận được chuyển sang bộ nhớ dài hạn, cùng với đó là có giấc ngủ để củng cố những điều được ghi nhớ đó.
Marciano cho biết: "Nếu học sinh học tập, rồi sau đó sử dụng điện thoại thông minh hoặc xem một loạt video TikTok, điều đó có thể gây bất lợi lớn để chuyển thông tin từ trí nhớ ngắn hạn sang trí nhớ dài hạn".
Theo Marciano, cha mẹ có thể giúp con cái quản lý việc sử dụng điện thoại bằng cách đặt ra giới hạn thời gian ở nhà, nhưng điều này chỉ hiệu quả nếu cha mẹ làm gương. Nghiên cứu của cô cũng chỉ ra rằng lượng thời gian cha mẹ dành cho mạng xã hội cũng có liên quan trực tiếp đến lượng thời gian con cái họ vào mạng.
"Mạng xã hội có một số lợi ích. Điều quan trọng là phải cân bằng và sử dụng nó một cách hiệu quả", Marciano cho biết.

Cân bằng thời gian lướt mạng và dành thêm thời gian tương tác thực giúp học tập hiệu quả hơn. Ảnh: the74million
Shari Camhi, Giám đốc của học khu Baldwin ở New York, cho biết tác hại của việc sử dụng quá mức các thiết bị số và mạng xã hội đã lan rộng, khiến nhà trường cô quản lý phải thực hiện nhiều biện pháp nhằm giúp học sinh tập trung vào bài học. Đặc biệt, sau Covid-19, nhiều em đã mất đi một số kỹ năng xã hội và dễ nổi giận hơn.
"Khi bạn vào mạng xã hội, bất cứ thứ gì bạn đọc có lẽ chỉ dài một hoặc hai hoặc ba câu, hoặc có thể là một đoạn văn. Những video TikTok chỉ dài 15 giây. Mọi thứ đều nằm trong những đoạn ngắn, nhanh. Trong khi đó, việc học tập ở trường không ngắn và cũng không nhanh.", Camhi nói.
Dù vậy, Camhi không thích thuật ngữ "brain rot". Bà cho rằng cụm từ này thiếu sự đồng cảm mà học sinh cần để củng cố các kỹ năng mà mạng xã hội đang làm suy giảm.
"Tôi sẽ không sử dụng thuật ngữ đó, vì bất kể bọn trẻ đang trải qua điều gì, chúng đều cần nhiều sự hỗ trợ hơn. Chúng cần sự chỉ dẫn. Chúng không cần sự tiêu cực", bà chia sẻ.
Camhi muốn học sinh và phụ huynh tránh xa điện thoại. Học sinh không được sử dụng điện thoại tại trường. Năm ngoái, quận đã tổ chức một ngày hội gia đình, nơi trẻ em và người lớn chơi các trò chơi vận động ngoài trời. "Bọn trẻ hỏi chúng tôi: 'Chúng ta có thể làm điều này mỗi ngày không?' Phản hồi đó tích cực vì nó chân thành, trong sáng", Camhi nói.
Bà cho biết thêm, sẽ không thực tế khi mong đợi cha mẹ tách trẻ em khỏi điện thoại mãi mãi. Làm như vậy sẽ cắt đứt một nửa cuộc sống xã hội của học sinh. Nhưng bà khuyên cha mẹ nên hạn chế thời gian trẻ em sử dụng thiết bị điện tử ở nhà.
Học khu Baldwin cũng tổ chức các lớp học về kiến thức truyền thông. Các lớp dạy học sinh nên tìm hiểu sâu mọi thứ họ thấy trên mạng xã hội thay vì chỉ đánh giá trên giá trị bề ngoài.
"Thành công thực sự nằm ở việc học sinh của chúng tôi đặt ra câu hỏi như 'Điều này đến từ đâu', 'Tác giả là ai', 'Tôi có thể xác minh điều này không'. Những câu hỏi mà trẻ em đặt ra, và khả năng suy nghĩ thấu đáo những câu hỏi đó, tất cả đều là tư duy phản biện", bà Camhi cho biết.
Nguyên Chương (theo EdSurge)
Khai thác internet, mạng xã hội hiệu quả là kỹ năng quan trọng trong thời đại kỹ thuật số. Tìm hiểu các chương trình học tập để nâng cao kỹ năng số tại đây.