Trong buổi livestream giao lưu trực tuyến hôm qua, ông Nguyễn Tử Quảng, CEO Bkav, xác nhận hãng chuyển sang phương thức sản xuất mới để giảm giá sản phẩm, thu hút nhiều người dùng hơn. Bốn mẫu Bphone A40, Bphone A50, Bphone A60 và Bphone A85 5G sẽ không do công ty tự thiết kế mà đặt hàng từ một nhà sản xuất thiết bị gốc. Bkav viết phần mềm và nhập các cụm phần cứng về lắp ráp tại Việt Nam.
Với các mẫu Bphone thế hệ trước, Bkav khẳng định họ tự chủ các công đoạn từ thiết kế đến sản xuất. Tuy nhiên, cách thức này khiến quá trình phát triển sản phẩm tốn nhiều thời gian và giá máy cao hơn nhiều so với các model có cùng cấu hình, thông số kỹ thuật trên thị trường.
Việc thuê nhà sản xuất ODM khá phổ biến hiện nay, đặc biệt với thương hiệu lớn. Samsung, Oppo hay Xiaomi có tỷ lệ không nhỏ các máy ở phân khúc tầm trung và giá rẻ sử dụng chung nhà sản xuất thiết bị gốc. Với số lượng máy lớn, giá thành sản phẩm cạnh tranh hơn so với việc mỗi công ty tự nghiên cứu một model riêng. Tuy nhiên, nhược điểm là nhiều máy của các hãng trên thị trường có thiết kế "hao hao giống nhau".
"Muốn cạnh tranh với đối thủ cũng phải sử dụng chung cách thức như vậy", ông Quảng nói. Cùng khâu thiết kế và sản xuất nhưng Bkav sẽ có các nét riêng cho Bphone dòng A, như hệ điều hành BOS, tính năng bảo mật, camera và thao tác cử chỉ. Khâu kiểm soát chất lượng cũng sẽ do Bkav thực hiện cuối cùng.
Cũng theo ông Quảng, do phải sử dụng chung ODM, Bphone A series sẽ không còn thiết kế cá tính như dòng B mà đi theo trào lưu của thị trường, như camera dạng "đục lỗ". Người đứng đầu Bkav cho rằng dòng máy này sẽ dành cho người dùng phổ thông, cần một thiết bị cấu hình mạnh giá tốt.
Trong khi đó, hãng vẫn sẽ cho ra mắt các phiên bản mới của B Series "made in Vietnam" trong năm tới với những khác biệt như thiết kế tràn đáy, hỗ trợ chống nước và một số tính năng riêng.
Đây không phải lần đầu Bkav đặt hàng một nhà sản xuất thiết bị gốc. Tháng 8/2020, hãng cũng có mẫu C85 giá rẻ chạy KaiOS do một công ty Trung Quốc sản xuất phần cứng. Tuy nhiên, đây chỉ là model hợp tác với nhà mạng trong nước nhằm phổ cập điện thoại có kết nối di động cho mọi người.
Hầu hết các công ty điện thoại thông minh, bao gồm các hãng lớn như Huawei, Samsung và Xiaomi đều dựa vào các nhà sản xuất thiết bị gốc (ODM) để thiết kế và sản xuất một số sản phẩm. Các công ty ODM sẽ chịu trách nhiệm thiết kế tổng thể, đưa ra thông số kỹ thuật phù hợp với yêu cầu của đối tác. Bằng cách này, các thương hiệu lớn bớt phải lo lắng về nhà máy, dây chuyền sản xuất một số dòng sản phẩm giúp tiết kiệm chi phí cũng như rút ngắn chu kỳ phát triển sản phẩm. Theo một báo cáo giữa năm 2019, 75% điện thoại của Xiaomi sản xuất dạng ODM trong khi con số này với Samsung, Huawei, Oppo lần lượt là 3%, 32% và 9%.