Cuối tháng 12/2019, Jadon Sancho trở thành cầu thủ trẻ nhất chạm mốc 22 bàn thắng tại Bundesliga. Trước đó, mùa 2018-2019, chàng trai tuổi đôi mươi lập kỷ lục cầu thủ Dortmund trẻ nhất ghi 10 bàn trong một mùa giải.
Quyết định chi 13 triệu USD để tậu tiền vệ người Anh năm 2017, khi đó Sancho còn chưa chơi trận nào cho đội một Man City, là một phần trong chính sách tuyển mộ mà Dortmund theo đuổi nhiều năm qua.
"Không có chuyện ngẫu nhiên hay tình cờ gì trong cách làm của chúng tôi", Lars Ricken - một huyền thoại của Dortmund, nay làm Giám đốc đào tạo trẻ của CLB - nói với BBC. "Đó là một chiến lược rõ ràng và nhất quán. Dortmund không mua các ngôi sao, mà thay vào đó, chúng tôi tạo ra họ".
Bên cạnh những bàn thắng, những đường kiến tạo và vô số màn trình diễn làm đắm say các CĐV, Sancho còn có thể mang lại cho Dortmund nguồn lợi lớn về kinh tế. Rất nhiều ông lớn đang theo đuổi tài năng sinh năm 2000, và một khi Sancho ra đi hè này, Dortmund có thể thu về khoản phí chuyển nhượng lên tới 130 triệu USD - gấp 10 lần số tiền họ bỏ ra để mua anh.
Hồi tháng 1/2019, Dortmund từng thu về món lời lớn như vậy, khi bán Christian Pulisic, tuyển thủ Mỹ khi ấy mới 20 tuổi, sang Chelsea với giá 73 triệu USD. Không những thế, họ còn được lời thêm nửa năm phục vụ của ngôi sao trẻ này, khi thuyết phục Chelsea cho Pulisic ở lại cống hiến tới hết mùa giải.
Chiến lược được Ricken đề cập còn thể hiện qua hai vụ tuyển mộ gây tiếng vang mà Dortmund thực hiện trong bảy tháng qua. Tháng 1/2020, họ đánh bại Man Utd để giành trung phong 19 tuổi người Na Uy Earling Braut Haaland với giá 24 triệu USD. Dù có lời ra tiếng vào về mức lương tuần 170.000 USD mà Dortmund trả cho anh, Haaland gần như ngay lập tức chứng tỏ giá trị với tám bàn thắng chỉ sau bốn lần ra sân.
Trước đó, vào tháng 7/2019, Dortmund tuyển mộ Giovanni Reyna - con trai của danh thủ bóng đá Mỹ Claudio Reyna, từ CLB New York City. Chỉ bốn tháng sau, tiền vệ 17 tuổi được đôn từ đội trẻ lên đội một, ra mắt tại Bundesliga khi vào thay Thorgan Hazard ở nửa cuối hiệp hai trận thắng Augsburg ở vòng 18 hôm 18/1. Tới ngày 9/2, Reyna ghi bàn đầu tiên cho Dortmund khi vào thay người trong trận thua Bremen 2-3 ở vòng ba Cup Quốc gia Đức.
Chiến lược "không mua siêu sao mà tạo ra siêu sao" là sản phẩm từ cuộc khủng hoảng tài chính từng khiến Dortmund khốn đốn vào năm 2004 - bảy năm sau khi CLB đoạt chức vô địch Champions League đầu tiên và duy nhất tới bây giờ. Bàn ấn định thắng lợi 3-1 trước Juventus khi đó được ghi bởi chính Ricken.
Đội hình vô địch Bundesliga lần gần nhất của Dortmund - năm 2012 - có hai cầu thủ cây nhà lá vườn, là Mario Gotze và Mats Hummels - người bị lò đào tạo Bayern thải loại từ năm 19 tuổi. Cả hai sau đó đều gia nhập Bayern, đem về cho Dortmund món tiền gần 80 triệu USD.
Ousmane Dembele và Pierre-Emerick Aubameyang thuộc lớp sao mới sau chức vô địch của lứa Gotze, Hummels. Nhưng cả hai cũng có một điểm chung, mang lại món tiền lãi khổng lồ cho Dortmund khi ra đi. Hè 2017, tức chỉ một năm khi gia nhập Dortmund với giá 15 triệu USD, Dembele được Barca tậu về với giá 115 triệu USD, chưa kể gần 45 triệu USD phát sinh tùy theo các điều khoản phụ. Tháng 1/2018, Arsenal phải chi khoản phí kỷ lục của họ khi đó (79 triệu USD) để tậu Aubameyang, trung phong có giá 14 triệu USD khi rời CLB Pháp Saint Étienne sang Dortmund hè 2013.
"Ousmane Dembele và Pierre-Emerick Aubameyang không phải là siêu sao khi họ đến với Dortmund", Ricken nói thêm hôm 11/2, bên lề trận Dortmund thua chủ nhà Derby County ở giải trẻ châu Âu. "Chúng tôi phát triển họ thành các siêu sao. Tất nhiên, Dortmund có tuyển mộ một số ngôi sao đã thành danh, nhưng chúng tôi cũng có nhiều cầu thủ trẻ. Haaland mới 19, Reyna mới 17. Họ đều rất trẻ và còn tương lai đáng chờ đợi phía trước".
Dortmund không giấu bí quyết chọn ngọc thô của họ. "Các phẩm chất kỹ thuật rất quan trọng, nhưng bên cạnh đó, chúng tôi chú trọng tìm kiếm những cầu thủ giàu tốc độ và có kỹ năng xử lý tình huống nhanh nhạy", Ricken nói. "Các bạn hãy nhìn mà xem, cầu thủ ở đội một chúng tôi đều rất nhanh, nhanh không thể tin nổi".
"Cách đây ít tháng, chúng tôi có một cầu thủ nước ngoài đến thử việc ở đội U17, nhưng cậu ta không đủ nhanh như yêu cầu, thế nên chúng tôi quyết định không ký hợp đồng. Bên cạnh tốc độ, Dortmund còn đề cao yếu tố tinh thần. Khối lượng mà các cầu thủ trẻ tiếp nhận là rất lớn, có thể khiến họ mất tới 70 đến 80 giờ mỗi tuần, cho các hoạt động ở trường học, bóng đá và các ĐTQG. Nên bộ phận tuyển trạch của CLB chỉ nhắm tới những người thật trẻ, nhưng đã trưởng thành trong suy nghĩ, có khả năng tập trung và tuân thủ kỷ luật", Ricken kể.
Theo vị Giám đốc đào tạo trẻ này, CLB ưu tiên tìm kiếm và đào tạo các cầu thủ ở chính thành phố Dortmund hoặc các địa phương lân cận. "Tuy nhiên, nếu nhận thấy những cầu thủ ở nước ngoài nhưng có tiềm năng đáp ứng các tiêu chí của CLB, chúng tôi sẵn sàng đánh cược để cố gắng tuyển mộ họ. Dortmund sẽ không mua cầu thủ trẻ từ Mỹ, Anh hay Tây Ban Nha chỉ để làm đẹp các đội U17, U19. Chúng tôi chỉ tìm kiếm những cầu thủ đặc biệt. Tôi nghĩ CLB đã rất thành công với Pulisic, Gio Reyna và Jacob Brun Larsen", Ricken nói thêm. Larsen là người Đan Mạch, đến từ Dortmund năm 2015 khi mới 16 tuổi, và được bán sang Hoffenheim với giá 9 triệu USD tháng trước.
Đội hình trẻ của Dortmund đấu Derby hôm 11/2 có tiền đạo Bradley Fink - quốc tịch Thụy Sỹ, Anh và đang được Liên đoàn bóng đá Anh (FA) chèo kéo, tiền vệ người Hà Lan Immanuel Pherai và tiền đạo người Cameroon Youssoufa Moukoko. Dù là ngôi sao ở đội trẻ, cả ba chưa có cửa lên đội một như Reyna.
"Khi Reyna đến với Dortmund, chúng tôi đều biết chắc cậu ta sẽ trở thành cầu thủ nhà nghề. Điều chúng tôi chờ đợi là khi nào Reyna sẽ chơi cho đội một? Vào mùa hè? Mùa đông? Sau ba tháng nữa? Sau sáu tháng nữa? Nhưng tất cả đều biết chắc chắn điều đó sẽ xảy ra", Ricken lý giải về việc thần đồng Mỹ đi lối tắt lên thẳng đội một.
Dortmund tự định vị là một CLB bóng đá thành công, áp dụng các tiêu chuẩn rất cao đồng bộ từ lứa trẻ lên đội một. Nhưng họ cũng tự ý thức được trách nhiệm với các cầu thủ trẻ gia nhập hệ thống với giấc mơ đi theo con đường của Mario Gotze - người ghi bàn quyết định vào lưới Argentina ở chung kết, giúp Đức vô địch World Cup 2014. "Nếu các cầu thủ trẻ gặp khúc mắc ở trường, hoặc ở một khía cạnh nào đó của cuộc sống, chúng tôi đều muốn giúp họ giải quyết triệt để. Dortmund quan tâm đến cả những vấn đề ngoài sân cỏ. Chúng tôi không chọn các HLV chỉ vì kỹ năng huấn luyện của họ, mà còn vì họ có những năng lực, phẩm chất khác", Ricken nhấn mạnh.
Với trung bình gần 80.000 khán giả mỗi trận sân nhà, Dortmund là CLB có lượng CĐV vào sân đông nhất châu Âu. Họ cũng đang đứng thứ 12 trong danh sách các đội bóng đá có doanh thu tốt nhất thế giới mà hãng kiểm toán Deloitte vừa công bố hồi tháng 1.
Trong bối cảnh ấy, Dortmund sẽ là một bức tranh hoàn hảo nếu họ gặt hái thêm các danh hiệu. Dẫu vậy, đội chỉ đoạt một danh hiệu - là chiếc Cup Quốc gia Đức có phần khiêm tốn về tầm vóc - trong tám năm qua, từ sau lần đoạt cú đúp với Klopp năm 2012. Đội bóng cũng cho thấy sự thiếu ổn định ở vị trí cao nhất về chuyên môn. HLV đương nhiệm Lucien Favre là nhà cầm quân thứ năm chỉ trong năm mùa giải sau khi Klopp ra đi, và không ai trong số ấy giúp CLB lên đỉnh ở Bundesliga như điều vị tiền nhiệm danh tiếng làm được.
Không phủ nhận tầm quan trọng của danh hiệu, nhưng Ricken tin rằng thái độ cũng đóng vai trò quan trọng không kém. Và ông tin rằng người hâm mộ đủ kiên nhẫn để chờ tới ngày họ hái trái ngọt.
"Tới giữa mùa 2014-2015, khi còn Jurgen Klopp, chúng tôi còn đứng tận thứ 17 trên bảng điểm Bundesliga. Nhưng các CĐV không quay lưng với chúng tôi. Khi đội thua thêm một trận, họ vẫn ủng hộ các cầu thủ, tiếp thêm niềm tin cho đội ở các trận sau. Danh hiệu quan trọng, nhưng, với trường hợp Dortmund, thái độ chơi bóng, niềm đam mê, cảm xúc và tinh thần không đầu hàng trước nghịch cảnh cũng quan trọng không kém", Ricken nhấn mạnh.
Nhật Tảo tổng hợp