Finn, Peter -
Ivan Tolstoy hiện là phát thanh viên cho Đài phát thanh Tự do châu Âu. Trong cuốn sách sắp xuất bản The Laundered Novel, ông khẳng định, năm 1958, CIA đã bí mật dàn xếp việc xuất bản một số lượng nhỏ cuốn Bác sĩ Zhivago để đảm bảo giải Nobel năm đó không trượt khỏi tay Pasternak.
"Cuốn tiểu thuyết của Pasternak trở thành một thứ công cụ được Mỹ sử dụng để dạy cho Liên Xô một bài học. Nhà văn không biết một chút gì về hành động này của CIA", Tolstoy nói.
Tác giả The Laundered Novel cho biết, cuốn sách của mình được thực hiện dựa trên những nghiên cứu, tìm hiểu suốt hơn 10 năm qua và sẽ ra mắt vào cuối năm nay, nhân kỷ niệm 50 năm ngày ra đời của Bác sĩ Zhivago.
Vai trò của CIA trong việc in và phát hành các ấn phẩm tiếng Nga đã được đồn đại trong nhiều năm qua. Tuy nhiên, với cuốn sách này, Tolstoy là người đầu tiên cung cấp những ghi chép chi tiết về thời kỳ chiến tranh lạnh kéo dài, trong đó có việc CIA đã bí mật đổ tiền đầu tư cho các tạp chí và tổ chức các cuộc hội thảo ở châu Âu nhằm cấy những tư tưởng "chống Xô viết" vào đầu óc giới trí thức lúc bấy giờ.
Phát ngôn viên của CIA cho biết, cơ quan này không đưa ra bất cứ bình luận nào về cuốn sách của Tolstoy. Còn đại diện của Viện hàn lâm Thụy Điển - tổ chức quyết định giải Nobel - khẳng định, tài liệu nội bộ về quá trình xét duyệt và trao giải Nobel được giữ bí mật trong suốt 50 năm. Theo đó, hồ sơ về Pasternak đến năm 2009 mới có thể được công bố.
![]() |
Nhà văn Boris Pasternak. |
Những tiết lộ về mối liên hệ giữa CIA và Pasternak của Tolstoy đã khiến gia đình ông rất lo lắng và bực tức.
"Đó là những chi tiết không đáng phải bình luận, một thứ tin giật gân rẻ tiền", Yevgeny Pasternak, người con trai đã 84 tuổi của nhà văn nhận định, "tôi muốn nói lại rằng, bố tôi không biết một chút gì về trò chơi này. Dù có thế nào đi nữa thì ông chắc chắn cũng sẽ đoạt giải Nobel".
Pasternak, đồng thời cũng là một nhà thơ, hoàn thành cuốn tiểu thuyết năm 1955 và đã mang đến một nhà xuất bản ở Liên Xô nhưng cuốn sách bị từ chối.
Tuy nhiên, tài liệu về thời Xô viết được công bố năm 2001 cho thấy, ngay từ khi còn là bản thảo, Bác sĩ Zhivago đã nhận được sự quan tâm của chính quyền. "Cuốn sách của Boris Pasternak là một tác phẩm cố tình phỉ báng Liên bang Xô viết", bộ trưởng ngoại giao Liên Xô Dmitry Shepilov viết tháng 8/1956 trong một ghi chép gửi cho các thành viên của Ủy ban trung ương Đảng cộng sản.
Còn cơ quan tình báo KGB nhận xét: "Điểm đặc trưng trong sáng tác của Pasternak là xa lánh, ghẻ lạnh với nhà nước Xô viết và đề cao chủ nghĩa cá nhân".
Một số tư liệu khác cho thấy, KGB biết rõ, sau khi không xuất bản được ở trong nước, Pasternak đã hướng đến nước ngoài và từng liên hệ với nhà xuất bản Giangiacomo Feltrinelli để phát hành cuốn sách này ở Italy.
Khoảng cuối 1957, chính quyền Xô viết đã đề nghị Đảng cộng sản Italy gây sức ép với Feltrinelli - ông này cũng là một đảng viên cộng sản - để cuốn sách không thể xuất bản.
![]() |
Một cảnh trong phim Bác sĩ Zhivago. |
Pasternak bị cưỡng bức phải gửi một bức điện cho Feltrinelli với nội dung rút lại đề nghị xuất bản. Nhưng ông cũng bí mật gửi một bức thư khác cho Feltrinelli thúc giục ông này tiếp tục thực hiện công việc, bất chấp nội dung của bức điện tín kia. Những thông tin đó được trích dẫn từ cuốn hồi ký của Carlo Feltrinelli, con trai của Giangiacomo Feltrinelli.
Đầu tháng 11/1957, chỉ ít ngày sau khi Feltrinelli nhận được thư của Pasternak, trong đó, nhà văn tự rầy la mình thiếu lịch sự khi không quả quyết về việc xuất bản cuốn sách, Pasternak lại bí mật gửi Feltrinelli một lá thư khác. Trong thư này, ông tỏ ra hạnh phúc khi "người Italy không bị lừa gạt bởi những yêu cầu thô bạo đi kèm với chữ ký của tôi – một chữ ký giả mạo được lấy ra từ sự lừa lọc và cưỡng bức. Chúng ta sẽ sớm có một Zhivago bản tiếng Italy, tiếng Pháp, tiếng Anh, tiếng Đức và cả tiếng Nga nữa – một ngày nào đó, dù có thể ở tương lai xa".
Pasternak liên tục là ứng viên của giải Nobel Văn học với những thành tựu thi ca suốt từ năm 1946 đến 1950. Khi Bác sĩ Zhivago phát hành bằng tiếng Anh và tiếng Pháp ở châu Âu, cuốn sách đã được dư luận quốc tế đánh giá cao, đưa ông trở thành một ứng viên nặng ký. Năm 1958, ông tiếp tục được đề cử. Và người đề cử ông lên Viện hàn lâm Thụy Điển chính là Albert Camus – người đã đoạt giải Nobel trước đó.
Nhưng lúc đó, Bác sĩ Zhivago chưa hề phát hành bản tiếng Nga. Theo yêu cầu của Viện hàn lâm Thụy Điển, bất cứ tác phẩm nào muốn được xét giải cũng từng phải được in bằng ngôn ngữ gốc. Ngay lập tức Bác sĩ Zhivago bản tiếng Nga được chuyển đến Viện hàn lâm với tên của Feltrinelli trong vai trò nhà xuất bản. Nhưng Feltrinelli khẳng định, ông chưa từng in chúng.
Trong cuốn hồi ký, Carlo Feltrinelli viết, bố ông nghi ngờ là CIA đã nhúng tay vào vụ này.
Theo Tolstoy, trong số những người săn lùng bản tiếng Nga cuốn Zhivago có Nikolai Nabokov, tổng thư ký tổ chức Tự do Văn hóa. Tổ chức này được thành lập tại Paris vào những năm 1960, làm nơi CIA tập hợp các trí thức chống Xô viết ở châu Âu.
Tuy nhiên, Carlo Feltrinelli vẫn giữ thái độ hoài nghi về mối liên hệ giữa hành động xuất bản bí mật này với các thành viên Ủy ban Nobel ở Stockholm. "Cứ cho là có những bản in bất hợp pháp bằng tiếng Nga, cứ cho là CIA có cho xuất bản cuốn sách, tôi cũng không thấy có mối liên hệ nào với giải Nobel cả".
Tolstoy cho biết, ông đã lần theo dấu vết của một số người Nga nhập cư sang Mỹ. Họ chính là những người từng sắp chữ cho bản in cuốn sách. Tolstoy đã tìm được đúng nhà xuất bản đã cho in Bác sĩ Zhivago và phát hiện được cả một âm mưu ẩn nấp sau kế hoạch xuất bản này. The Laundered Novel sẽ hé lộ tất cả.
Tất nhiên, chính quyền Xô viết biết rõ mười mươi là Pasternak nhận được sự hậu thuẫn mạnh mẽ của phương Tây: "Mùa hè năm 1958, một chiến dịch lớn kêu gọi trao giải Nobel Văn học cho Pasternak đã được Mỹ khởi xướng và được người phương Tây hưởng ứng. Tất cả những lực lượng thù địch với chính quyền Xô viết đều tham gia tích cực vào chiến dịch này", hồ sơ của KGB ghi rõ.
Ngày 23/10/1958, Pasternak đoạt giải Nobel.
"Vô cùng biết ơn, xúc động, tự hào, ngạc nhiên và bối rối", Pasternak đã ngay lập tức gửi điện tới Viện hàn lâm Thụy Điển, bày tỏ niềm hạnh phúc của mình.
"Ông đã rất hạnh phúc trong suốt nhiều giờ liền", con trai nhà văn kể.
Nhưng chính quyền Xô viết đã nhanh chóng áp dung biện pháp mạnh với nhà văn. Ông bị ép phải từ chối vinh quang và bị khai trừ ra khỏi hội nhà văn Xô viết. 29 hội viên, trong đó có cả những người bạn thân của Pasternak đã biểu quyết chống lại ông.
Tolstoy cho rằng, giải Nobel đã cứu Pasternak khỏi tù tội bởi chính quyền Xô viết không dám thách thức dư luận quốc tế bởi một hình phạt như vậy. "KGB muốn tiêu diệt nhà văn, nhưng Nobel Văn học và ấn bản tiếng Nga cuốn Bác sĩ Zhivago đã cứu ông", Tolstoy viết.
Cách giải thích này không được con trai nhà văn thừa nhận. Nhưng ông cũng cho biết, sức khỏe nhà văn vốn đã rất yếu nên ông hoàn toàn suy sụp vì những đợt công kích dữ dội. Boris Pasternak mất vì bệnh ung thư 1960 ở tuổi 70.
"Một số bạn bè tôi tin rằng, giá như giải thưởng đến muộn hơn một năm - những tai tiếng sẽ lắng đi và mọi thứ sẽ yên ả hơn", ông Yevgeny Pasternak nói.
Hà Linh dịch
(Nguồn: Washingtonpost)