Làm điệu với dải ruy băng trên tóc, cô bé Ai ăn diện như người lớn nhưng trông vẫn là một đứa trẻ. Trước hiện tượng sùng bái thần tượng nhí như bé Ai hiện nay ở Nhật Bản, nhiều nhà cầm quyền lo ngại rằng cách nhìn nhận của xã hội về tình trạng biến các cô gái trẻ thành hình tượng gợi cảm có thể khiến thanh thiếu niên phải đối mặt với không ít nguy cơ.
Chỉ tới năm 2015, các văn hóa phẩm chứa nội dung khiêu dâm trẻ em mới bị phạt và các nhà chức trách phải chật vật đưa đất nước mình sánh ngang với các nước tiên tiến khác về vấn đề này.
Trong một đám đông theo dõi chương trình thần tượng, Soichiro Seki, 40 tuổi, kể rằng anh xem các cô bé trên sân khấu hai lần một tuần. Anh khẳng định mình chỉ đến để cổ vũ chương trình và không cảm thấy xấu hổ về việc này. Tuy nhiên, Soichiro thừa nhận rằng nhiều người hâm mộ khác có ý đồ riêng.
"Với họ, việc đến buổi biểu diễn như thế này và ghé vào các câu lạc bộ nữ tiếp viên tại Kabukicho cũng chẳng khác gì nhau", anh nói, ám chỉ tới khu đèn đỏ lớn ở Tokyo.
Thần tượng Tama Himeno, người đứng trên sân khấu từ khi 16 tuổi, kể rằng những nam giới tham dự các buổi biểu diễn của cô thể hiện sự tôn sùng người diễn và khao khát giao tiếp với các cô gái trẻ mà họ không thể tiếp cận ở nơi khác.
Hầu hết các fan đều "trong sáng", Himeno, hiện 25 tuổi, khẳng định, dù cô thừa nhận mình từng bị đề nghị cởi đồ để đổi lấy 30.000 yên (khoảng gần 6,3 triệu đồng).
"Những người đàn ông tôn sùng các cô gái trẻ tương đối được chấp nhận ở Nhật Bản", Himeno nói.
Với người quản lý của Ai, Hidenori Okuma, nhiều nam giới bị lôi cuốn bởi suy nghĩ về việc tiếp cận một "cô bé đáng yêu". "Gặp gỡ và trò chuyện với các thần tượng tuổi trung học đã trở nên quá phổ biến. Bây giờ người ta ít e dè khi thừa nhận mình yêu mến những cô gái nhỏ tuổi. Họ chẳng ngập ngừng nói rằng mình thích các bé gái tiểu học hơn", Okuma nói.
Mẹ Ai, chị Mami Yamazaki, kể, con gái chị muốn trở thành một ca sĩ "thần tượng" từ khi bé xem một bộ phim hoạt hình về các cô gái trẻ vươn lên thành ngôi sao.
"Trên TV, bạn thấy những đứa trẻ vào vai trong các vở diễn và các chương trình thương mại. Trên các tạp chí, trẻ làm người mẫu thời trang. Điều Ai đang làm không khác biệt nhiều", chị nói, mặc dù khán giả của các chương trình thần tượng này chủ yếu là đàn ông.
Bản thân người mẹ 26 tuổi này cũng chơi trong một ban nhạc khi ở tuổi teen và chị coi các buổi biểu diễn của con gái mình là con đường đi vào thế giới nổi tiếng và giàu có của các ngôi sao.
Nhưng để có được một chỗ đứng vững chắc trong thế giới thần tượng đó, đứa trẻ phải tương tác với các fan người lớn, chụp ảnh cùng, ký lên áo họ. "Đó hẳn là một cảnh tượng lạ lùng với người nước ngoài", Himeno thừa nhận nhưng cô nhấn mạnh rằng bất cứ gợi ý về tình dục nào cũng sẽ được đáp "không".
Cuộc chiến của Nhật Bản nhằm chống lại yêu râu xanh cũng khá cam go. Theo thống kê chính thức, số thanh thiếu niên bị lạm dụng cho các văn hóa phẩm khiêu dâm đã tăng gấp 5 lần trong thập kỷ qua.
Theo Japantoday, cảnh sát thất bại trong việc dập tắt các cơ sở kinh doanh sử dụng những nữ sinh trung học như phục vụ dịch vụ đi dạo với các bé gái tuổi teen để các khách hàng có cơ hội thương lượng sex. Các nội dung khiêu dâm liên quan tới hình ảnh trẻ tạo dáng trong các bộ đồ bơi nhỏ xíu cũng dễ dàng tìm thấy trên internet khi vượt qua được lỗ hổng luật pháp.
Luật sư Keiji Goto, người vận động cho quyền thanh thiếu niên, cho biết đây là một vấn đề xã hội. Nhiều người Nhật nghĩ rằng coi các cô gái trẻ là đối tượng gợi dục không phải là điều cấm kỵ mà chỉ là "rơi vào một ranh giới còn nhập nhằng", Goto nói.
Nhật Bản không phải là nước duy nhất gặp vấn đề này. Ở Mỹ, các mối lo ngại tăng lên cùng với các cuộc thi nhan sắc cũng như các chương trình truyền hình thực tế như nữ hoàng sắc đẹp nhí. Quốc hội Pháp năm 2014 đã đưa lệnh cấm các cuộc thi hoa hậu nhí với những bé gái dưới 13 tuổi sau cuộc tranh luận gay gắt về bức ảnh đầy khiêu khích trên tạp chí Vogue năm 2010 của một bé gái 10 tuổi.
Nhưng ở Nhật, có rất ít các cuộc tranh luận công khai về vấn đề này. Bác sĩ tâm thần Hiroki Fukui, người trị liệu cho những kẻ ái nhi, nói rằng nhận thức cho rằng trẻ cần được bảo vệ khỏi nguy cơ bị xâm hại tình dục ở Nhật Bản là "cực thấp". "Chúng ta cần nhận ra rằng tình trạng này ở Nhật Bản không phải là bình thường", ông giải thích.
Shihoko Fujiwara, đại diện một tổ chức phi chính phủ hỗ trợ các nạn nhân bị buôn bán và lạm dụng tình dục, cảnh báo về một lối tư duy nguy hiểm.
"Những bé gái sẽ nghĩ là khán giả phát cuồng về mình bởi các em là các cô gái nhỏ và như vậy giá trị của các em sẽ giảm đi khi đến tuổi 18. Một xã hội mà để trẻ tự ý thức về bản thân méo mó như vậy có thể chẳng bao giờ bảo vệ được các em", ông nói.
Vương Linh