Một nhà đầu tư phố Wall chán nản trước diễn biến mới. Ảnh: AP. |
Cơn bão tín dụng đã hoành hành từ nhiều tháng nay, gây thiệt hại hàng tỷ đôla cho các tập đoàn tài chính. Thị trường chứng khoán khắp nơi trên thế giới nhiều phen chao đảo mỗi khi có tin ngân hàng này, công ty kia của Mỹ hay châu Âu phải điều chỉnh lại báo cáo tài chính vì những tổn thất không lường trước gây ra bởi cơn bão này. Nhiều chuyên gia đã cảnh báo về những tác hại khôn lường tới nền kinh tế Mỹ cũng như toàn cầu.
Tuy nhiên, cho tới những ngày đầu năm mới, khi đích thân các quan chức cấp cao của Nhà Trắng tỏ ra bi quan, người ta càng cảm thấy áp lực nặng nề của bóng ma tín dụng.
Người đứng đầu Cục Dự trữ liên bang Mỹ hôm thứ 5 tuyên bố sẽ cần thêm những đợt cắt giảm lãi suất để hỗ trợ phát triển kinh tế, bởi các nguy cơ đang rõ nét hơn. Nhà Trắng cũng công bố tỷ lệ thất nghiệp ở mức cao nhất trong gần 3 năm qua. Tổng thống Bush thì nhận định: "Chúng ta không nên nghĩ rằng tăng trưởng là điều tất nhiên phải thế". Kịch bản kinh tế Mỹ xuống dốc ngày càng hiển rõ.
Thị trường chứng khoán Mỹ hôm qua thêm một đòn trời giáng khi có tin cho hay đại gia tài chính Merrill Lynch sẽ thiệt hại khoảng 15 tỷ USD vì đầu tư vào các loại cổ phiếu liên quan tới thế chấp dưới tiêu chuẩn.
Chỉ số công nghiệp Dow Jones hôm qua đóng cửa ở mức 12.606,30 điểm, sụt 246,79 điểm (tương đương 1,92%) sau hàng loạt tin chẳng lành. Trước đó, đã có lúc Dow mất hơn 300 điểm. Cùng chung số phận, Standard & Poor's 500, chỉ số chứng khoán ngành tài chính ngân hàng, giảm 19,31 điểm (tương đương 1,36%) xuống 1.401,02 điểm. Còn hàn thử biểu của nhóm ngành công nghệ Nasdaq giảm 48,58 điểm (tương đương 1,95%) xuống 2.439,94 điểm.
Kể từ 1/1 tới nay, đã nhiều phen Dow Jones trượt dốc ở mức 3 con số (hàng trăm điểm mỗi phiên). Tính chung từ đầu năm tới nay, chỉ số này sụt 4,96%, Standard & Poor's 500 mất 4,59% còn Nasdaq giảm 8,01%.
Nhiều chuyên gia cảnh báo thị trường chứng khoán Mỹ tiếp tục đi xuống từ nay cho tới cuối kỳ báo cáo tài khóa 2007-2008 (cuối tháng 3).
Cơn bão bên kia bờ đại dương cũng tràn sang châu Á. Vào lúc đóng cửa phiên giao dịch cuối tuần, thị trường chứng khoán nơi đây tụt xuống mức thấp nhất trong 3 tháng qua. Chịu trận nhiều nhất là các tập đoàn đa quốc gia, phần lớn doanh thu có được từ nước ngoài.
MSCI Asia Pacific Index, chỉ số chứng khoán của một số doanh nghiệp chủ chốt trong khu vực giảm 2,8% suốt tuần xuống 151,70 điểm, thấp nhất kể từ 18/9. Tại Nhật Bản, Nikkei 225 mất 4%, còn 14.110,79 điểm, thấp nhất kể từ tháng 11/2005. Tính chung toàn khu vực châu Á Thái Bình Dương, số lượng các chỉ số chứng khoán mất điểm nhiều gấp đôi số tăng điểm.
Tại châu Âu, đóng cửa phiên giao dịch hôm qua, FTSE 100 (Anh) mất 0,33% xuống 6.202 điểm. Trong khi đó, CAC 40 (Pháp) giảm 0,54% xuống 5.371,41 điểm.
Song Linh (theo Bloomberg, AP)