Thứ năm, 9/1/2025
Chủ nhật, 17/7/2016, 15:25 (GMT+7)

Bóng hồng ở trung tâm điều dưỡng thương binh

Làm việc cả những ngày lễ Tết, chăm sóc từ miếng cơm đến giấc ngủ, vệ sinh cho thương bệnh binh bị mắc bệnh tâm thần mãn tính, là công việc của Phan Thị Định.

Tốt nghiệp Cao đẳng Y tế Hà Nam, Phan Thị Định (sinh năm 1989 tại Tân Sơn, Kim Bảng, Hà Nam) về làm việc tại Trung tâm Điều dưỡng Thương binh Kim Bảng (Hà Nam) được gần một năm. 

Công việc hàng ngày của cô là chăm sóc thương bệnh binh mắc bệnh tâm thần mãn tính, sa sút hoạt động tâm thần do vết thương sọ não tại khoa điều trị 1.

“Thời gian đầu gặp rất nhiều khó khăn khi công việc thực tế khác hoàn toàn những gì được học”, vừa nói Định vừa dìu ông Nguyễn Xuân Tái (sinh năm 1949) đến phòng phục hồi chức năng. 

Chăm sóc bệnh nhân tại đây phải nhẫn nại, kiên cường và không biết nóng giận. “Em và các bác sĩ, điều dưỡng phải theo sát các bác từ hoạt động ăn, tắm, ngủ, nghỉ đến uống thuốc. Mọi việc đều phải nói đi nói lại rất nhiều lần", Định chia sẻ. 

7h, 11h, 18h là thời gian ăn uống của thương bệnh binh. 13 điều dưỡng viên lại đến từng phòng gọi và đưa những người khó khăn trong việc đi lại về phòng ăn, rồi ở bên cạnh theo dõi từng thìa cơm, miếng nước.

Những ngày được giao trực điều trị, Định dành thời gian kiểm tra hồ sơ theo dõi bệnh của từng người để sử dụng loại thuốc phù hợp theo đơn bác sĩ...

...đôi khi cũng có sự hỗ trợ của các y bác sĩ. 

Thuốc uống theo giờ Định phát đến tay từng người ngay sau bữa ăn. Mức lương không phải cao (hơn 4 triệu đồng/tháng đã bao gồm 70% tiền độc hại), tuy nhiên Định thấy vui vì được làm đúng nghề.

Sau 3 tháng thử việc, Định bắt đầu tham gia trực đêm, một tháng 7 buổi. “Một phòng nghỉ gồm hai người ở, mỗi người một giường nhưng vào mùa đông cứ một tiếng lại phải đi đến từng phòng kiểm tra, bởi hầu như các thương bệnh binh trong khoa không cảm nhận được nóng lạnh nên khi ngủ say lại đạp chăn ra hoặc xuống đất nằm”.

Lau những giọt mồ hôi, Định chia sẻ: "Có nhiều khi thấy nản vì các bác không ý thức được việc mình làm. Nhưng nghĩ lại thấy họ đều mang trên mình vết thương của những cuộc chiến bảo vệ tổ quốc nên càng hiểu, thấy thương và nghĩ mình phải chăm sóc tận tâm hơn”.

 

Bác sĩ Chu Trung Dũng, Trưởng khoa Điều trị 1 đánh giá, Định là điều dưỡng viên trẻ, tuy mới vào gần một năm nhưng có nhiều điểm mạnh: tay nghề vững, yêu nghề, chịu khó học hỏi nâng cao chuyên môn nghiệp vụ. 

Ngọc Thành