Các bác sĩ Bệnh viện Việt Nam - Thụy Điển Uông Bí ngày 17/1, cho biết bệnh nhân nhập viện trong tình trạng hai mắt đau rát chảy nước mắt, nhìn mờ, đau rát mặt và tay chân. Người bệnh được chẩn đoán hai mắt bỏng giác mạc độ 2 (giác mạc đục trắng), bỏng vùng mặt độ 2, bỏng vùng mu bàn tay và vùng gối phải độ 2.
Bác sĩ Đặng Thị Phương, Phó Trưởng khoa Mắt, cho biết càng gần tết, số bệnh liên quan đến pháo nổ càng tăng. Khoảng một tuần qua, bệnh viện đã tiếp nhận 3 bệnh nhân do pháo nổ. Đa phần chấn thương vùng mắt, có trường hợp mất thị lực vĩnh viễn.
Thành phần hóa học của pháo tự chế dễ dàng mua, như lưu huỳnh, phốt pho, magie, carbon. Công thức chế tạo pháo hiện nay được chia sẻ nhiều trên mạng, tuy nhiên người chơi thường không kiểm soát được chất lượng, hàm lượng. Trong khi đó các chất chế tạo pháo có thể gây cháy nổ, ví dụ lúc pha trộn chịu ảnh hưởng ma sát, tia lửa điện hay va đập, bắt lửa khi vận chuyển.
Các chấn thương do pháo thường tùy thuộc vào lượng nổ và tính chất quả pháo. Nếu pháo có khói gây cháy có thể dẫn đến bỏng, ngộ độc khói, bỏng hô hấp. Pháo phát nổ gây chấn thương phần mềm, rách da; hội chứng sóng nổ làm đa chấn thương sọ não, ngực, bụng, gãy xương tay chân...
Bác sĩ khuyến cáo tự chế tạo pháo là hết sức nguy hiểm, đặc biệt ở trẻ nhỏ. Vì vậy, phụ huynh và nhà trường cần tuyên truyền, giáo dục cho học sinh về tác hại của pháo nổ.