"Bóng đá châu Á đã đạt đến trình độ thế giới", Chủ tịch LĐBĐ châu Á AFC, Shaikh Salman bin Ebrahim Al Khalifa, cho biết. "Chúng tôi quyết tâm đảm bảo rằng AFC sẽ tiếp tục ứng dụng những công nghệ, phương pháp vận hành, hỗ trợ hiện đại nhất vào mọi mặt của quá trình phát triển bóng đá ở châu lục".
Quyết định sử dụng VAR trong toàn bộ 32 trận đấu được thông qua sau thử nghiệm thành công ở vòng tứ kết giải vô địch châu lục - Asian Cup 2019.
Ông Khalifa cũng tin rằng việc áp dụng VAR cho toàn bộ các trận đấu của giải vô địch U23 châu Á là một cơ hội tốt nữa để chứng tỏ tiêu chuẩn cao của công tác trọng tài ở bóng đá châu Á.
AFC đã cử các trọng tài thuộc diện quy hoạch làm nhiệm vụ tại giải sắp tới đi tập huấn, qua sáu khóa học và hội thảo từ tháng 3/2017. Khâu chuẩn bị kỹ lưỡng này hứa hẹn sẽ giúp các trọng tài nắm rõ những đòi hỏi và tiêu chuẩn nghặt nghèo của Ban Điều hành Bóng đá Quốc tế (IFAB) về việc sử dụng VAR.
Theo AFC, VAR sẽ được sử dụng trong bốn tình huống mà các quyết định của trọng tài có thể làm thay đổi cục diện trận đấu. Đó là: xác định có hay không có bàn thắng, phạt đền, thẻ đỏ và những tình huống tổ trọng tài không kịp nắm bắt bằng mắt thường.
Giải vô địch U23 châu Á diễn ra tại Thái Lan, từ ngày 8/1 đến 26/1. 16 đội dự giải được chia thành bốn bảng, đấu vòng tròn chọn hai đội nhất nhì vào đá tứ kết. Các đội vô địch, á quân và đội xếp thứ ba sẽ giành vé dự môn bóng đá nam Olympic Tokyo 2020. Nếu Nhật Bản - nước chủ nhà Olympic 2020 - vào bán kết, đội thứ tư sẽ giành vé còn lại.
Nhật Tảo (theo AFC)