Theo thông báo hôm 7/5, UEFA phạt 5% doanh thu trên đấu trường châu Âu trong một mùa giải đối với Man City, Man Utd, Chelsea, Liverpool, Arsenal, Tottenham, Atletico, Inter và AC Milan. Chín CLB này từng tham gia thành lập Super League, nhưng sớm rút lui và tái hòa nhập cộng đồng bóng đá châu Âu.
Trong tương lai, nếu tham gia thành lập một giải đấu trái phép như Super League, những CLB này sẽ phải đối mặt với khoản tiền phạt 100 triệu euro (122 triệu USD).
"Chín CLB đã thừa nhận dự án Super League là một sai lầm và xin lỗi người hâm mộ, các liên đoàn, giải đấu cấp quốc gia, các CLB đồng hương và UEFA. Họ cũng đã nhận ra rằng dự án sẽ không được cấp phép theo Quy chế và Quy định của UEFA", thông báo của UEFA có đoạn.
Với ba CLB chưa chính thức rút khỏi Super League, gồm Real, Barca và Juventus, UEFA dự kiến đưa ra án phạt nặng hơn.
Cơ quan lãnh đạo bóng đá châu Âu khẳng định: "UEFA bảo lưu mọi quyền để thực hiện bất kỳ hành động nào mà được cho là phù hợp, để chống lại những CLB cho đến nay vẫn từ chối từ bỏ cái gọi là 'Super League'. Vấn đề sẽ nhanh chóng được chuyển đến các cơ quan kỷ luật có thẩm quyền của UEFA".
Super League sụp đổ chỉ hai ngày sau khi được công bố hôm 18/4. Trước sức ép dư luận, chín CLB nhanh chóng rút lui, trong đó có toàn bộ sáu CLB Anh. Ba CLB còn lại, Real, Barca và Juventus thừa nhận dự án không còn khả thi, nhưng chưa tuyên bố từ bỏ.
Theo kế hoạch ban đầu, Super League gồm 15 CLB sáng lập và năm CLB được chọn tùy theo thành tích mỗi mùa. 12 sáng lập viên ban đầu dự định sớm kết nạp thêm ba thành viên. Doanh thu dự tính lên đến sáu tỷ USD/mùa và mỗi CLB có thể nhận về hàng trăm triệu.
Thanh Quý (theo UEFA)