Việc Juventus bị loại ở vòng 1/8 Champions League khiến giá trị của Cristiano Ronaldo xuống dốc. Được kỳ vọng nhiều nhất, nhưng anh hoàn toàn im tiếng trước đối thủ dưới cơ Porto. Thậm chí, Ronaldo còn bị quy trách nhiệm đứng hàng rào sai kỹ thuật, giúp Sergio Oliveira ghi bàn từ chấm đá phạt ở hiệp phụ trận lượt đi. Trở lại Serie A sau đó, cầu thủ người Bồ Đào Nha đáp trả bằng cú hat-trick trước Cagliari, như thể muốn khẳng định tham vọng của anh tại Juventus vẫn còn.
Nhưng trận thua Benevento 0-1 tiếp tục dìm sự hưng phấn đó. Đây là lần đầu trong tám năm, Juventus thua trên sân nhà trước một đội mới thăng hạng. Thầy trò Andrea Pirlo đang có ít hơn tới 11 điểm so với cùng kỳ mùa trước thời Sarri, ít hơn 20 điểm so với mùa giải trước đó nữa với Max Allegri. Cách biệt 10 điểm kém Inter vẫn có thể san lấp, do Juventus còn tới 11 vòng tức 33 điểm trước mắt để gặt hái, nhưng không ai tin họ làm được. Pirlo và các học trò chưa từng thắng liên tiếp quá ba trận ở Serie A mùa này - thống kê phản ánh sự thiếu ổn định của tập thể trong tay nhà cầm quân non trẻ người Italy.
Ronaldo lầm lũi đi vào đường hầm. Bên ngoài, cầu thủ Benevento ôm nhau vui mừng như thể vừa đoạt scudetto. Tổng giá trị đội hình của họ là 58,78 triệu euro, còn thấp hơn 60 triệu euro như trang Transfermarkt định giá Ronaldo ngay lúc này. Siêu sao người Bồ Đào Nha không quen chịu đựng cảnh ê chề như thế. Kể từ khi đạt đỉnh cao phong độ ở mùa giải 2007-2008 với Man Utd, chưa bao giờ Ronaldo cau có, bực tức và uể oải như hiện tại. Chưa bao giờ anh thể hiện sự bất lực rõ như vậy: rất muốn làm một điều gì đó để chứng tỏ bản thân và kéo cả đội đi lên, nhưng lại không đủ thể lực, sự hưng phấn và cả niềm tin để chơi như những năm đỉnh cao. Juventus có xu hướng phụ thuộc Ronaldo nhiều hơn Real, khi chất lượng đội hình của họ mùa này bị đánh giá tệ nhất trong 10 năm.
Ngay trong nội bộ Juventus cũng đang có những bất đồng. Sau khi bị loại bởi Porto, John Elkann - Chủ tịch và Giám đốc điều hành Exor, là tập đoàn mẹ của Juventus - đã bóng gió: "Hãy tiếp tục tái thiết với người trẻ". Nhưng Giám đốc Kỹ thuật Fabio Paratici lại vẫn nói cứng sau thất bại ê chề dưới tay Benevento trên sân nhà: "Chúng tôi không tồn tại khái niệm 'mùa giải chuyển giao'. Ronaldo là cầu thủ hay nhất, và đội bóng phải giữ chặt lấy anh ấy. Một trận thua không thay đổi ý tưởng cốt lõi của một dự án dài hơi".
Paratici là người thuyết phục Chủ tịch Andrea Agnelli đạo diễn vụ mua Ronaldo hè 2018. Chính vì vụ này cùng với việc chi 90 triệu euro mua Gonzalo Higuain từ Napoli, mối quan hệ giữa Paratici với người thầy Giuseppe Marotta căng thẳng. Marotta chủ động từ chức để phản ứng cung cách vung tiền mua sao rất ngông nghênh và khác hẳn truyền thống của Juventus. Paratici thì hào hứng với những "bước đột phá" - theo quan điểm của ông. Dưới thời nhà quản lý này, mỗi năm Juventus mua một ngôi sao theo công thức "Galacticos" mà Chủ tịch Florentino Perez áp dụng tại Real. Trên sân cỏ, Juventus nhấn mạnh đến mục tiêu vô địch Champions League.
Nhưng những thất bại liên tiếp ở sân chơi số một châu Âu ba năm qua làm lộ rõ rạn nứt âm ỉ trong nội bộ Juventus cũng như sự mất cân bằng từ Ronaldo. Tiền đạo 36 tuổi nhận lương 31 triệu euro mỗi năm. Đứng thứ hai, nhưng Matthijs de Ligt chỉ nhận 8 triệu euro mỗi năm. Lương của Ronaldo nhiều hơn tổng lương bốn người xếp ngay sau. Chênh lệch thu nhập khủng khiếp biến anh thành người phải xử lý mọi chuyện trên sân, và tồn tại tâm lý "dồn bóng cho Ronaldo là xong trách nhiệm". Bản thân cầu thủ người Bồ Đào Nha cũng nghĩ rằng điều đó tốt cho anh, khi hăng hái phá hết kỷ lục này đến kỷ lục khác. Nhưng việc bỏ lỡ hai cơ hội ngon ăn trước Benevento cho thấy chính Ronaldo cũng không ở giai đoạn "muốn là ghi bàn" như hồi trẻ. Chính anh, cũng không còn ổn định như Juventus.
Về bài toán tiền bạc, bán Ronaldo là sự giải thoát. Theo Corriere dello Sport, Juventus sẵn sàng chuyển nhượng Ronaldo với giá 29 triệu euro, tức bằng đúng mức khấu hao giá trị trong một năm cuối hợp đồng. Họ đã lỗ tổng cộng 130 triệu euro trong hai năm sở hữu Ronaldo, cùng mức nợ 372 triệu euro vì Covid-19. Giữ Ronaldo thêm một mùa có thể biến Juventus thành chúa chổm. Còn bán anh, họ sẽ giải phóng quỹ lương, có điều kiện mua thêm ít nhất bốn cầu thủ chất lượng để bù đắp vào đội hình hiện tại.
Nhưng, vấn đề được đặt ra là nếu muốn bán Ronaldo, Juventus sẽ bán cho ai? Man City chỉ thích Romelu Lukaku của Inter. PSG hướng đến Lionel Messi nhiều hơn. Thời Covid-19, ít đội kham nổi mức lương của Ronaldo. Dù 36 tuổi, anh vẫn muốn ký hợp đồng tối thiểu hai năm thay vì ký từng năm theo cách mà những "ông già gân" như Zlatan Ibrahimovic chấp nhận tại AC Milan. Đó là gánh nặng thật sự, ngay cả với những siêu CLB châu Âu hiện tại, và hoàn cảnh ấy đẩy Ronaldo vào thế ít nhiều giống đại kình địch Messi tại Barca và trước đó là Gareth Bale ở Real. Họ muốn muốn đi mà chưa biết đi đâu, vẫn muốn nhận lương cao chót vót, nhưng hoàn cảnh kinh tế thể thao hiện tại lại không đáp ứng được điều đó.
Juventus vẫn có thể giữ Ronaldo dài hạn, nhưng họ phải gồng lỗ nhiều tháng nữa, đợi khi Covid-19 chấm dứt, và bóng đá trở lại nhịp sống bình thường. Nhưng đó có thể là một canh bạc nữa, trừ khi Paratici tìm được giải pháp nào đó có sự đồng thuận của chính Ronaldo để hỗ trợ đội bóng, như Joan Laporta đã muốn Messi thông cảm cho tình hình tài chính bê bết của Barca hiện tại.
Nhưng nếu Ronaldo ở lại, chắc chắn ai đó phải ra đi như một con dê tế thần cho mùa giải đen tối. Có thể đó là Pirlo, nhà cầm quân thất bại trong việc xây dựng một đội bóng mới dựa trên những ý tưởng lãng mạn của ông. Hoặc, sẽ là một ngôi sao nào đó, Paulo Dybala chẳng hạn, để dọn bớt quỹ lương cho thêm một năm nữa đánh bạc vào Ronaldo.
Rõ ràng, cả Ronaldo lẫn Juventus đều đang ở tình cảnh khó xử. Hai bên sẽ phải nhún nhường để tìm ra giải pháp tốt cho nhau.
Đỗ Hiếu tổng hợp