Phút 11, khi Việt Nam dẫn Panama 2-1 tối 16/9, thủ môn Hồ Văn Ý phất từ cấm địa đưa bóng đập trúng mép trong cột phải, rơi xuống đất rồi nảy tới mép thanh chắn và bật ra ngoài khung thành. Trọng tài cho trận đấu tiếp tục, nhưng HLV Phạm Minh Giang khiếu nại ngay khi bóng ra biên. Sau khi xem video quay chậm, trọng tài chính người Bồ Đào Nha Eduardo Fernandes vẫn không công nhận bàn cho Việt Nam. Thầy trò Minh Giang vẫn thắng chung cuộc 3-2, nhưng có thể cải thiện chút hiệu số bàn thắng - bại nếu cú đá của Văn Ý được công nhận thành bàn.
Khó khẳng định được trọng tài đã sai, nhưng gần như chắc chắn Việt Nam đã ghi bàn nếu không có thanh chắn chéo ở khung thành. Khi đó, bóng sẽ bay vào mép trong lưới và trọng tài không cần phải xem lại video để công nhận bàn.
Một ngày trước đó, khi Kazakhstan dẫn Lithuania 1-0 ở bảng A, tiền đạo Albert Akbalikov đệm cận thành trúng vào thanh chắn khung thành đội chủ nhà. Kazakhstan sau đó cũng khiếu nại, nhưng bị trọng tài từ chối bàn. Nếu không có thanh chắn đó, Kazakhstan đã nâng tỷ số lên 2-0.
Trong điều lệ giải và luật futsal 2021-2022 của FIFA, không có phần nào nhắc tới quy định về thanh chắn này. Nhưng, các trận đấu đã qua ở futsal World Cup 2021 đều có thanh chéo này gắn ở cầu môn.
Luật futsal chỉ có một đoạn nói về hệ thống giúp cầu môn không bị lật úp, ghi như sau: "Khung thành phải có một hệ thống giúp nó không bị đảo lộn. Hệ thống này không đặt cố định trên mặt đất, nhưng phải có trọng lượng phù hợp ở phía sau để cột dọc có thể di chuyển, tránh ảnh hưởng tới cầu thủ".
Hệ thống lật úp này không liên quan tới thanh chắn chéo ở trên. Thanh này được dùng để giúp cột dọc không bị gãy khi bị tác động mạnh. "Từ hai, ba năm nay, tôi đi làm đã thấy xuất hiện thanh chắn như này", trọng tài FIFA Trương Quốc Dũng nói với VnExpress. "Không có thanh này, khung thành dễ gẫy đổ. Nhưng tôi nghĩ họ phải tìm cách khác, vì từ vị trí trọng tài đứng ở gần điểm phạt góc, sẽ chẳng thấy được bóng đã quay vạch hay chưa. Ít năm trước, một trọng tài Hàn Quốc cũng rơi vào trường hợp tương tự".
Futsal World Cup đã diễn ra chín kỳ, bắt đầu từ năm 1989 tại Hà Lan. Đến nay, mới ba kỳ xuất hiện thanh chéo này ở cầu môn, là ở Tây Ban Nha năm 1996, Guatemala 2000 và Lithuania 2021. Trong các giải còn lại, khung thành không có thanh nào tương tự. Năm 2012 ở Thái Lan, cầu môn có thanh chắn nhưng không phải dạng chéo.
Chưa rõ vì sao FIFA cho phép dùng lại thanh chắn chéo ở futsal World Cup sau 21 năm. Nhưng, việc thanh chắn này ảnh hưởng tới bàn thắng của hai đội trong hai ngày liên tiếp, FIFA có thể sẽ phải xem lại.
Mục 9.4 của điều lệ giải cho phép trưởng đoàn của các đội khiếu nại trọng tài trước trận đấu, về tình trạng sân và khung thành. Dựa vào khiếu nại này, các đội có thể yêu cầu ban tổ chức thay cầu môn để không lặp lại tình huống như của Kazakhstan và Việt Nam.
Đức Đồng - Xuân Bình