Thái Lan đá với sơ đồ 5-2-2-1, có thể chuyển thành 3-2-4-1 khi có bóng - trong đó các wingback (cầu thủ chạy cánh) được đẩy cao ở hai biên. Việt Nam chơi 5-3-2, hay đúng hơn là 5-1-2-2, với Việt Hưng là người chơi thấp nhất trong hàng tiền vệ. Cũng như đối thủ, sơ đồ của thầy Park thay đổi chủ yếu dựa vào vị trí của các wingback. Ví dụ khi Văn Hậu và Tấn Tài cùng dâng cao, đội sẽ chơi với sơ đồ gần như là 3-1-4-2.
Trên lý thuyết, cách bố trí của hai đội khiến vị trí của Việt Hưng trở thành một dấu hỏi lớn. Bởi vì cầu thủ của HAGL phải một mình bao quát cả phần không gian rộng lớn trước mặt hàng thủ, và có nguy cơ bị đặt vào thế một đánh hai với hai tiền vệ tấn công của Thái Lan. Nhưng trên thực tế Việt Nam không gặp vấn đề gì lớn ở vị trí này. Việt Hưng có vẻ thích được hoạt động một mình, bởi khi đó, anh có thể thoải mái đưa ra các quyết định gây sức ép mà không sợ bị chồng lấn vị trí với cầu thủ nào. Trận này, Việt Hưng có khá nhiều pha tắc bóng và cắt bóng chính xác.
Nhưng quan trọng hơn cả, Việt Hưng nhận được sự hỗ trợ tuyệt vời từ cả hệ thống. Cách phòng ngự của Việt Nam khiến Thái Lan gần như không thể đẩy đội hình lên một cách ổn định, và do đó không tận dụng được lợi thế trên lý thuyết ở vùng không gian trước mặt hàng thủ của Việt Nam. Trong trường hợp họ đưa được bóng lên cho một trong hai tiền vệ công mà Việt Hưng không kịp can thiệp, thì một trong các trung vệ chủ nhà cũng đã lập tức có mặt để gây sức ép. Nhờ sự linh hoạt ấy, U23 Việt Nam hiếm khi bị đặt vào thế thua thiệt quân số ở những vị trí quan trọng.
Câu hỏi tất nhiên là Việt Nam đã chơi với hệ thống nào? Thực tế thì không có gì đột biến trong cách bố trí đội hình của HLV Park Hang-seo trong trận đấu với Thái Lan. Việt Nam, như đã nói, thường chơi với sơ đồ 5-3-2 và phòng ngự khối tầm trung (mid-block) khi không có bóng. Hai tiền đạo, Hoàng Đức và Đức Chinh, tạo thành lớp phòng ngự đầu tiên. Ba tiền vệ, Việt Hưng thấp nhất và phía trên anh là Quang Hải và Thái Quý, tạo thành lớp phòng ngự thứ hai. Cùng với nhau, họ hợp thành một tấm khiên ngũ giác ở trung lộ.
Với cách phòng ngự này, Việt Nam khiến Thái Lan gặp rất nhiều khó khăn trong việc triển khai bóng qua trung lộ. Các trung vệ của họ được thoải mái cầm bóng (Việt Nam chỉ gây sức ép tầm cao khi có điều kiện thực sự thuận lợi - ví dụ đối phương chuyền bóng thiếu lực hay một người phải nhận bóng trong thế quay lưng), và có thể nhìn thấy khoảng trống bên trong chiếc khiên ngũ giác nói trên. Nhưng đó là một cái bẫy. Nếu một tiền vệ Thái Lan cố gắng xin và nhận bóng trong khoảng trống ấy, cái bẫy sẽ sập xuống.
Trên đây là một tình huống điển hình. Trung vệ của Thái Lan có bóng, nhận thấy người đồng đội có khoảng trống nên đã thực hiện một đường chuyền xuyên qua hai cầu thủ của Việt Nam cho anh ta. Nhưng khi tiền vệ Thái Lan vừa có bóng, những cái bóng áo đỏ lập tức gây sức ép quyết liệt.
Việt Hưng là người gây sức ép trực tiếp, không cho cầu thủ của Thái Lan không gian và thời gian để xử lý. Đức Chinh, Hoàng Đức gây sức ép ngược, không cho anh ta chuyền về. Quang Hải "phủ bóng" một cầu thủ khác của Thái Lan. Còn Thái Quý cũng sẵn sàng để ngăn đối phương chuyển hướng, đồng thời chuẩn bị cho một pha phản công. Trong diễn biến tiếp theo, cầu thủ Thái Lan để mất bóng, Quang Hải có cơ hội tổ chức phản công. Nhưng đường chuyền vượt tuyến sau đó của anh cho Thái Quý thiếu lực.
Không thể triển khai bóng qua trung lộ, Thái Lan cố gắng tìm lối thoát ở biên. Nhưng đó cũng không phải là điều đơn giản. Ngay khi bóng được chuyền ra cho wingback của họ, wingback của Việt Nam sẽ lập tức có mặt để gây sức ép, không cho anh ta cơ hội nhận bóng và quay người, hoặc không thể tiếp tục triển khai lên phía trên:
Trong tình huống trên, Văn Hậu đã sang tận sâu bên phần sân của đối thủ để gây sức ép với wingback phải của Thái Lan. Quang Hải cũng nhanh chóng dâng lên để gây sức ép với lựa chọn chuyền bóng gần nhất của anh ta. Còn không nhiều lựa chọn cho cầu thủ của Thái Lan. Nếu chần chừ, anh ta và đội bóng có thể bị đẩy vào thế 2 đánh 3 ở biên, như trong tình huống tương tự diễn ra sau đó 20 phút:
Mấu chốt trong những ví dụ nêu trên, là các cầu thủ của Việt Nam pressing một cách quyết liệt khi cầu thủ của đối phương nhận bóng ở những khu vực mà chúng ta phải hoặc có thể pressing. Thái Lan có thể đã không lường trước được sự quyết liệt này. Khi triển khai bóng, họ không có đủ quân số ở tuyến giữa. Tiền đạo và hai tiền vệ công của họ đã cắm chốt ở phía trên. Trong hai tiền vệ trung tâm, một người cũng thường dâng lên cao khi đội nhà có bóng. Thái Lan có thể đã nghĩ rằng họ sẽ dễ dàng vượt qua được lớp pressing ở giữa sân của Việt Nam.
Khi những phương án ban đầu thất bại, Thái Lan chuyển sang vũ khí cuối cùng: chuyền dài. Các trung vệ khi có bóng sẽ không có triển khai tuần tự nữa, mà phất thẳng lên phía trên cho tiền đạo. Thực ra thì đây cũng là một ý tưởng không tồi. Thái Lan sở hữu một tiền đạo có thể hình khá tốt - Supachai Jaided. Nếu anh ta có thể chiến thắng trong các pha không chiến và trả được bóng ngược lại cho các tiền vệ, Thái Lan sẽ có sẵn một lực lượng nhân sự khá đông trước mặt hàng phòng ngự của Việt Nam.
Tuy nhiên, kế hoạch này cuối cùng rồi cũng phá sản. Bởi sự xuất sắc của các trung vệ của Việt Nam. Những Đình Trọng hay Tấn Sinh thường chiến thắng trong những pha tranh chấp với Supachai nhờ khả năng đọc tình huống, phán đoán và chọn vị trí khá ấn tượng. Cũng phải nói rằng những pha chuyền bóng của các cầu thủ Thái Lan ở trận này không thực sự tốt. Nhưng dù thế nào, trong thời gian có mặt trên sân, Supachai hầu như không có cơ hội nhận bóng một cách thoải mái. Đó có thể là lý do anh ức chế, và không giữ được bình tĩnh trong tình huống dẫn tới chiếc thẻ đỏ ở hiệp hai.
Trận đấu với Thái Lan cũng chứng kiến một điều chỉnh quan trọng của HLV Park Hang-seo, đó là sử dụng sơ đồ hai tiền đạo ngay từ đầu. Ông rõ ràng là đã rút được bài học kinh nghiệm từ hiệp một của trận đấu với Indonesia, là một trong những hiệp đấu tệ nhất của các cầu thủ thuộc các đội tuyển Việt Nam do ông Park dẫn dắt. Đó là hiệp đấu mà Đức Chinh đã hoàn toàn lép vế trước các hậu vệ Indonesia, không thể giữ bóng, không thể trả ngược, không thể thoát đi, khiến cho lối chơi của toàn đội trở nên vụn vặt và thiếu hiệu quả.
Việt Nam hiện tại không có những tiền đạo có khả năng hoạt động độc lập. Đức Chinh, chẳng hạn, là mẫu tiền đạo không mạnh về tì đè. Anh chỉ có thể phát huy được hết khả năng khi có khoảng trống. Nếu Chinh một mình đá cắm, những khoảng trống như thế là rất hiếm hoi, do cả hệ thống phòng ngự của đối phương chỉ phải tập trung sự chú ý vào anh. Ngược lại, nếu có thêm một đồng đội bên cạnh "ghim" các hậu vệ đối phương lại, Chinh có thể giật xuống nhận bóng, tạo ra sự hỗn loạn nơi hàng thủ của họ, và tiếp tục tận dụng khoảng trống xuất hiện trong sự hỗn loạn đó.
Tình huống ở đầu trận là một điển hình. Cách di chuyển của Hoàng Đức khiến các cầu thủ phòng ngự của Thái Lan bị lôi kéo về phía khung thành của họ. Khoảng cách giữa một hàng phòng ngự bị kéo xuống sâu của Thái Lan với các tuyến còn lại rộng lên. Lúc này, Đức Chinh, sau khi làm động tác giả như thể cũng di chuyển ra phía sau hàng thủ Thái Lan, sẽ giật lại để nhận bóng. So với các trung vệ của đối phương, anh có lợi thế về sự chủ động. Đây là một mảng miếng được sử dụng khá nhiều trong trận, người giật xuống có thể là Đức Chinh, cũng có thể là Hoàng Đức.
Việc sử dụng hai tiền đạo cũng giúp cho Việt Nam tận dụng các tình huống bóng hai tốt hơn. Trận này, thủ môn Bùi Tiến Dũng gần như chỉ sử dụng các cú phất dài thay vì cố gắng triển khai qua các trung vệ, vì anh biết rằng ở phía trên, Hoàng Đức và Đức Chinh sẽ không quá lép vế trong các cuộc không chiến với ba trung vệ của đối phương. Một khi Đức hay Chinh chiến thắng, và trái bóng được trả lại hàng tiền vệ, Việt Nam thường chiếm ưu thế nhờ có nhiều người hơn và sẵn sàng hơn đối thủ.
Ở tình huống trên, Đức Chinh và Thái Quý đã đổi vị trí. Nhưng mấu chốt là việc khi Hoàng Đức đánh đầu trả ngược, có ít nhất ba cầu thủ của U23 Việt Nam ở những vị trí sẵn sàng để tranh chấp bóng hai. Đó có thể cũng là lý do HLV Park Hang-seo không bố trí ba tiền vệ chơi dàn hàng ngang như bình thường, mà theo kiểu tam giác, với Quang Hải và Thái Quý đứng cao hơn hẳn so với Việt Hưng. Với cách này, Việt Nam vừa kiểm soát được trung lộ, vừa giữ cho Quang Hải không ở quá xa khung thành, một vấn đề từng khiến ông Park đau đầu khi muốn Quang Hải chơi tiền vệ trung tâm.
Người Thái đang có những cách lý giải phi chuyên môn cho trận thua này. Ngay cả một số CĐV Việt Nam cũng cho rằng Thái Lan đã chơi không đúng sức. Đó là những nhận định hoàn toàn dễ hiểu, và cũng có cơ sở. Tuy nhiên, dù thế nào thì một chiến thắng vẫn là một chiến thắng, và với Việt Nam, đó là một chiến thắng có ý nghĩa to lớn. Cả về mặt chuyên môn, khi HLV Park Hang-seo có thêm niềm tin với ý tưởng 5-3-2, lẫn về mặt tinh thần, khi Việt Nam có thể tự tin khẳng định "không còn ngại người Thái nữa".
Minh Khiêm