"Chúng tôi ngạc nhiên khi ban tổ chức Ngoại hạng Anh đưa ra những cáo buộc này, đặc biệt là khi họ đã nhận được sự hợp tác toàn diện và số lượng tài liệu lớn", thông báo trên trang chủ Man City ngày 6/2 có đoạn.
Man City cho biết họ "hoan nghênh hội đồng xét xử độc lập xem lại vấn đề này", để "cân nhắc một cách khách quan những bằng chứng không thể chối cãi nhằm ủng hộ lập trường của đội bóng".
Cuối cùng, đội bóng cho rằng họ "mong muốn vấn đề này được giải quyết một lần và mãi mãi".
Ít giờ trước đó, Ngoại hạng Anh liệt kê hơn 100 vi phạm của Man City về điều lệ giải, chủ yếu liên quan đến tài chính, từ mùa 2009-2010. Mùa nào đội bóng này cũng vi phạm một số mục trong điều lệ giải, nhiều nhất là quy định "các CLB phải cung cấp tình hình tài chính với thiện ý tối đa, trung thực và hợp lý, đặc biệt về doanh thu (gồm cả nguồn thu từ nhà tài trợ), chi phí hoạt động của đội và các bên liên quan".
Một hội đồng xét xử sẽ được chọn ra, độc lập với Ngoại hạng Anh, để xác định án phạt dành cho Man City nếu có. Đội bóng sẽ không được phép kháng cáo lên Toà án Thể thao (CAS), như họ từng làm và thắng kiện khi bị UEFA cấm dự Champions League hai mùa giải, năm 2020.
Nếu bị buộc tội, Man City đứng trước nguy cơ bị phạt với những mức độ khác nhau. Truyền thông Anh cho rằng thầy trò Pep Guardiola có thể bị trừ điểm, đình chỉ thi đấu hoặc loại khỏi giải, nhưng cũng có thể chỉ là khiển trách hoặc phạt tiền không có giới hạn. Ngoài ra, án phạt cũng có thể bao gồm cấm chuyển nhượng, giới hạn chi tiêu chuyển nhượng hay thậm chí tước danh hiệu.
Ngoại hạng Anh đã mất bốn năm điều tra để đưa ra những cáo buộc với Man City. Theo điều lệ giải, việc buộc tội đội bóng này không bị tác động bởi "thời hạn khởi kiện" (time barred). Man City từng thoát tội từ UEFA bằng cách chỉ ra rằng tổ chức này đã quá thời hạn buộc tội đội bóng, khi vi phạm của đội lúc đó diễn ra trong giai đoạn 2012-2016, nhưng bị buộc tội năm 2020.
Man City đã sáu lần vô địch Ngoại hạng Anh, kể từ khi tập đoàn Abu Dhabi United mua lại đội bóng này năm 2009.
Hoàng An