Đây không phải là lần đầu tiên HAGL rơi vào hoàn cảnh này. Năm 2015, mùa giải đầu tiên bầu Đức đưa dàn U19 lên đội một, đội bóng phố núi khởi đầu tích cực nhưng hụt hơi ở giai đoạn hai và liên tục đứng bét bảng. Đến vòng 21, bầu Đức phải "nuốt nước mắt" sa thải công thần Guillaume Graechen để đưa HLV phụ trách thủ môn Nguyễn Quốc Tuấn lên thay. Sau đó, đột nhiên HAGL chơi hay, thắng ba trong năm trận cuối cùng để trụ hạng với hai điểm nhiều hơn đội xuống hạng mùa đó là Đồng Nai.
Sau năm mùa giải tại V-League, "những đứa trẻ của bầu Đức" chưa thay đổi được gì về thành tích. Nếu năm 2015, họ đạt 24 điểm sau 26 trận thì các năm sau đó, cũng chỉ loanh quanh mốc 30 điểm, thường xuyên trong nhóm bốn đội cuối bảng. Hiện nay, với 23 điểm, nếu muốn giành thành tích tốt hơn các mùa trước HAGL phải thắng ít nhất bốn trong sáu trận còn lại. Tuy nhiên, theo lịch thi đấu, họ có đến bốn cuộc đối đầu với những đội cùng nhóm có nguy cơ là Bình Dương (vòng 21), Sài Gòn (vòng 23), Hải Phòng (24) và Khánh Hòa (26). Khả năng HAGL xuống hạng hoặc phải đá play-off là rất gần, trong khi hầu như không còn "bài vở" nào cả.
Cứ mỗi khi đội bóng có vấn đề, việc đầu tiên bầu Đức làm là... sa thải HLV. Kể từ sau vô địch hai mùa liên tiếp 2003 và 2004, trong vòng 10 năm (từ năm 2005 đến năm 2015), chín HLV khác nhau đã được bầu Đức bổ nhiệm. Ông Nguyễn Quốc Tuấn, sau khi thay thế Guillaume Graechen năm 2015, cầm quân được gần hai mùa giải. Đến năm 2017, ông Tuấn phải nhường chỗ cho HLV Dương Minh Ninh. Mùa này, ông Ninh lại bị thay thế bằng Giám đốc kỹ thuật Lee Tae-hoon. Với tình cảnh hiện nay, chiếc ghế của ông Lee đang rất nóng. Nhưng có lẽ bầu Đức cũng không thể tiếp tục bài "thay tướng đổi vận".
Có thể bằng một cách nào đó, HAGL sẽ trụ hạng thành công mùa này. Nhưng cũng có thể, với quan điểm "đá cho vui" của bầu Đức, việc xuống hạng đối với HAGL không thành vấn đề. Tuy nhiên thành tích của HAGL như hiện nay không mang lại điều tích cực ở nhiều khía cạnh.
Hãy đặt một tình huống xấu, tức là HAGL sẽ xuống hạng, liệu có ai...vui được không? HLV Park Hang-seo sẽ cực kỳ khó xử nếu tiếp tục gọi cầu thủ HAGL lên đội tuyển. Xuân Trường, Văn Toàn, Tuấn Anh, Hồng Duy... cũng tự nhiên chịu áp lực khủng khiếp, hoặc điều tiếng dị nghị khi sự có mặt của họ đồng nghĩa với một số cầu thủ ở những đội bóng có thành tích tốt hơn lại phải ngậm ngùi ở nhà vì... hết chỗ. Đấy là chưa kể, việc phải nỗ lực thi đấu trụ hạng ít nhiều cũng bào mòn phong độ của các tuyển thủ quốc gia. Rõ ràng, dù thế nào đi nữa, việc "đá cho vui" để đến mức xuống hạng là không nên và không công bằng với nhiều người.
Nhưng có phải HAGL không cải thiện nổi thứ hạng hay họ không thật sự mạnh? Muốn đánh giá một đội bóng mạnh, có lẽ thông số quan trọng nhất vẫn là số bàn thắng. Một đội bóng "đá cho vui" có thể sẽ có số bàn thua rất nhiều bởi vì họ không quan tâm đến chuyện thắng – thua. Tuy nhiên, kể cả khi chơi phòng thủ rất tệ, thì một đội bóng được xem là mạnh phải biết cách ghi bàn nhiều vào lưới đối thủ. Như kiểu triết lý "Nếu đối phương ghi ba bàn, chúng tôi sẽ ghi bốn bàn".
Về số bàn thua, từ năm 2015, đều đặn mỗi mùa HAGL thủng lưới 50 bàn - trung bình gần 2 bàn mỗi trận. Số bàn thua này thường chỉ tốt hơn các đội bóng rớt hạng cùng mùa. Năm nay, có vẻ là vẫn thế: 36 bàn thua sau 20 trận, tỷ lệ là 1,8 bàn mỗi trận. Nhưng ở số bàn thắng, HAGL cũng chẳng thay đổi gì. Mùa 2015 là 33 bàn, các mùa sau đó lần lượt là 39 bàn, 34 bàn và 41 bàn. Tỷ lệ trung bình là 1,4 bàn mỗi trận. Đây không phải là con số của một đội bóng mạnh, càng không phải là một tỷ lệ phù hợp với đội bóng chỉ đá tấn công, không cần phòng ngự. Thậm chí, mùa 2015, họ còn ít bàn thắng hơn cả đội xuống hạng Đồng Nai. Những mùa còn lại, họ chỉ hơn đội xếp phía sau khoảng hai đến ba bàn.
Những con số thường không biết nói dối. HAGL không phải là "đá cho vui", mà là chưa biết cách để chơi tốt hơn. Một đội bóng mạnh, lại thoải mái về tâm lý, không cần đua tranh chức vô địch thì lẽ ra phải trụ hạng từ sớm, sau đó sử dụng phần còn lại của mùa giải để rèn luyện cầu thủ trẻ. Nhưng thực tế là năm nào HAGL cũng phải rơi vào tình thế vật lộn trụ hạng khi giải còn năm đến sáu vòng đấu cuối. Hơn nữa, tính từ khi được đôn lên từ U19, đến nay mỗi cầu thủ HAGL đã có ít nhất bốn năm chinh chiến đỉnh cao, biết rõ lúc nào cần bung sức, lúc nào "đá cho vui", vậy mà không cải thiện được gì? Điều này cũng lý giải cho việc dù không sa sút nhưng phong độ của các cầu thủ HAGL trên tuyển quốc gia cũng dậm chân tại chỗ, không ai có vị trí chắc chắn trong đội hình chính của HLV Park Hang-seo giống như kiểu của các cầu thủ Hà Nội.
Một chi tiết khác cũng cho thấy HAGL không hề "đá cho vui", đó là việc họ đổi ngoại binh xoành xoạch. Trung bình mỗi mùa, đội bóng phố núi dùng đến 2,9 ngoại binh dù trước năm 2019, V-League chỉ cho đăng ký hai ngoại binh trong một trận đấu. Không có ngoại binh nào ở lại HAGL quá hai mùa giải. Nếu không bị áp lực từ thành tích, tại sao lại đổi cầu thủ liên tục như vậy? Hoặc tại sao họ không bỏ luôn việc dùng ngoại binh để củng cố quan điểm của bầu Đức?
Xét về lý thuyết, HAGL không yếu. Một đội bóng có đến bảy, tám tuyển thủ quốc gia và U23 thì không thể xem là "ứng viên xuống hạng". Trước trận thua Viettel cuối tuần trước, đội bóng của HLV Lee Tae-hoon đã có bốn trận bất bại liên tiếp đầy ấn tượng. Họ đã cầm hòa Hà Nội, Nam Định và thắng SLNA, Thanh Hóa, ghi đến 10 bàn trong những trận đấu đó. Tính đến nay, HAGL đã ghi tổng cộng 31 bàn, xếp thứ tư về số lượng bàn thắng sau Hà Nội (42 bàn), Thanh Hóa (33), Quảng Ninh (32), tức là họ ghi bàn còn nhiều hơn đội nhì bảng TP HCM. Các thông số thi đấu tính đến nay đều tốt hơn các mùa trước nhưng nếu đến cuối giải, vị trí của HAGL không hề khá hơn thì cũng không mấy bất ngờ. Không phải vì HAGL không thể đá tốt hơn mà có thể trong tư duy chơi bóng của cầu thủ phố núi, đã có "lối mòn" khát vọng và mục đích thi đấu khiến họ không đủ tự tin vượt qua các giới hạn bản thân.
Trong bóng đá tâm lý rất quan trọng. HLV Henrique Calisto từng nói: "Đừng hỏi tôi muốn gì về kết quả, bởi thứ duy nhất tôi nghĩ đến là chiến thắng". HLV Park Hang-seo cũng chia sẻ với báo chí Hàn Quốc rằng: "Tiềm năng bóng đá Việt Nam rất lớn, việc quan trọng nhất của tôi là làm cho cầu thủ của mình biết điều đó". Nếu bồi đắp khát vọng chiến thắng một cách liên tục, người ta có cơ hội thay đổi được đẳng cấp. Và ngược lại, nếu chiến thắng không phải là điều quan trọng nhất, đến lúc nào đó đẳng cấp chỉ còn là một biểu tượng đặt trong tủ kính để trưng bày.
Song Việt